Đưa gốm sứ Bát Tràng đi... Tây

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 23/05/2020 13:13 PM (GMT+7)
Với niềm say mê bất tận nghề nặn gốm cha ông truyền lại, bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) đã dùng đôi bàn tay tỉ mẩn của mình "thổi hồn" vào những cục đất sét, biến chúng thành những sản phẩm đẹp lạ...
Bình luận 0

Đưa gốm sứ Bát Tràng ra thế giới

Bà Hà Thị Vinh sinh ra và lớn lên trên chính làng quê Bát Tràng, là đời thứ 15 theo nghề gốm sứ và họ Hà của bà cũng là 1 trong 19 dòng họ gốc của Bát Tràng.

Bà Vinh kể lại, năm 1989, sau khi không còn làm việc ở Xí nghiệp sứ Bát Tràng, bà mạnh dạn dồn vốn liếng tích cóp được xây dựng tổ hợp gốm sứ xuất khẩu Mỹ Hạnh. "Tôi đặt tên Mỹ Hạnh là bởi ngay từ đầu, chúng tôi đã mong muốn sản phẩm của mình có tính thẩm mỹ cao, đồng thời có một hạnh kiểm tốt - tức là sản phẩm đẹp từ trong tâm hồn".

Năm 1994, để đẩy mạnh xuất khẩu, tổ hợp gốm sứ xuất khẩu Mỹ Hạnh giải thể, thay vào đó bà Vinh thành lập Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh. Đến năm 2001, Công ty Gốm sứ Quang Vinh đã quyết định đầu tư nhà máy tại Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh).

Từ một tổ hợp với 6 thành viên ban đầu, đến nay Quang Vinh đã có 2 nhà máy sản xuất sản phẩm gốm sứ với trên 700 lao động, riêng cơ sở sản xuất tại Đông Triều đã được mở rộng trên diện tích 30.000m2.

Chia sẻ về quyết định mở nhà máy ở Đông Triều, bà Vinh cho biết: Khách hàng của Quang Vinh rất khắt khe. Họ yêu cầu chúng tôi phải bảo mật cho họ về mẫu mã sản phẩm trong một thời gian rất dài, trong khi nếu sản xuất ở ngay tại Bát Tràng, nơi mọi người đều rất giỏi nghề thì chỉ cần hở ra một chút là sản phẩm có thể bị sao chép.

Đưa gốm sứ Bát Tràng đi... Tây  - Ảnh 1.

Bà Vinh (thứ 3, từ phải) trong một lần giới thiệu sản phẩm gốm sứ Quang Vinh tới các đại biểu Ủy ban TP.Hà Nội. Ảnh: P.V

"Một lý do khác khi quyết định đặt cơ sở ở Đông Triều là tại đây rất gần các mỏ nguyên liệu mà chúng tôi cần. Ngoài ra, cũng là nơi có thể rút ngắn thời gian vận chuyển hàng ra nước ngoài qua các cảng biển" - bà Vinh chia sẻ.

Khi chúng tôi hỏi về vấn đề cạnh tranh với sản phẩm gốm sứ Trung Quốc, bà Vinh cho biết: "Phải khẳng định Trung Quốc là cái nôi gốm sứ của thế giới và năng lực sản xuất thì rất lớn. Nhưng tôi cho rằng mỗi một ngành hàng đều có đặc trưng riêng, trong đó Bát Tràng là cái nôi của gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam. Bởi vậy, chúng tôi nghĩ rằng, sản phẩm chúng tôi bán là cái tinh hoa, tâm hồn của người Việt. Do đó khi đặt cạnh sản phẩm của gốm sứ Trung Quốc, gốm sứ Bát Tràng đều có những khác biệt rõ ràng" - bà Vinh khẳng định.

Là người sáng lập ra thương hiệu Quang Vinh CERAMIC, đến nay bà Vinh đã đưa thương hiệu này phát triển vượt xa kỳ vọng. Hiện các sản phẩm của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh đã có mặt ở nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường EU…

"Cục đất để nguyên thì chỉ là cục đất, nhưng nếu qua bàn tay tài hoa, khéo léo có thể trở thành sản phẩm giá trị. Và, để tạo dựng được thương hiệu gốm Bát Tràng với thế giới là cả một hành trình đầy nỗ lực và không ngừng vượt khó của người làng nghề" - bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Hà Thị Vinh trải lòng.

Bà Vinh tâm sự: "Tôi rất mừng vì đã chuyển giao được nghề cho thế hệ sau. May mắn và hạnh phúc cho tôi khi có 3 đứa con đều theo định hướng của mẹ". 

Người con trai cả của bà hiện đang là Giám đốc điều hành Công ty Gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Minh Long tại Bát Tràng. Con gái thứ 2 đã tốt nghiệp cao học quản lý quốc tế tại Anh và đang tham gia điều hành công ty với chức vụ Phó Giám đốc kinh doanh. 

Người con trai út của bà Vinh cũng đã tốt nghiệp Trường Đại học gốm sứ Trung Hoa tại Giang Tây (Trung Quốc). Trở về, anh phụ trách kỹ thuật với chức vụ Phó Giám đốc Công ty. Đây chính là cơ sở để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trên nền tảng truyền thống gia đình.

Bà thường nhắc các con: "Sinh ra trong làng nghề là đã có duyên, phải tâm huyết và sống chết với nghề. Gốm sứ là sản phẩm có tâm hồn, biết nói. Người làm nghề phải biết thổi hồn vào đất, gửi được hồn mình vào từng sản phẩm thì mới thành công".

Mơ ước đưa tinh hoa làng nghề Việt quy tụ

Trải qua hàng chục năm xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ Bát Tràng đến với nhiều thị trường thế giới, làm hài lòng những khách hàng khó tính, đến nay Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh đã cho ra mắt hàng nghìn sản phẩm độc đáo, tinh xảo. Để tiếp tục nâng cao chất lượng và quảng bá rộng rãi sản phẩm đến với nhiều thị trường, năm 2019, 4 sản phẩm của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh đã tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được TP.Hà Nội đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 4 sao.

Cụ thể, 4 sản phẩm này gồm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ; bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng; bộ bát đĩa gốm sứ chim én – hoa sen; bộ ấm chén chim én – hoa sen.

Ngoài là Giám đốc của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, bà Vinh còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội.

Bà Vinh tâm sự: Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề truyền thống, cũng là nơi có nhiều nghệ nhân tài hoa nhất cả nước. Để quy tụ những sản phẩm tiêu biểu nhất và những nghệ nhân tài hoa nhất, phải có một không gian trưng bày sản phẩm, cũng như là nơi các nghệ nhân có thể sáng tác trực tiếp.

Đưa gốm sứ Bát Tràng đi... Tây  - Ảnh 3.

Công nhân của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh đang hăng say sản xuất. Ảnh M.N

Với suy nghĩ đó, năm 2018, bà Vinh bắt tay triển khai dự án "Tinh hoa làng nghề Việt Nam" trên diện tích 3.300m2 ở huyện Văn Giang (Hưng Yên), với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng (do Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh là chủ đầu tư). Đây sẽ là nơi lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu, quảng bá tinh hoa nghệ thuật của các làng nghề Việt Nam tới du khách trong nước và quốc tế.

Bà Vinh cho biết: "Trong dự án này chúng tôi sẽ xây dựng Trung tâm giới thiệu các sản phẩm của những làng nghề tiêu biểu nhất Hà Nội, của các nghệ nhân đại diện cho các làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Chúng tôi dự kiến mở ở đây từ 15 đến 20 làng nghề tiêu biểu và sản phẩm OCOP độc đáo, qua đó giới thiệu với du khách trong và ngoài nước hiểu được cái hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam qua ngành thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, trung tâm này còn kết nối đón tour du lịch vào làng Bát Tràng. Chúng tôi muốn đưa du khách vào thăm nhà các nghệ nhân rồi kể cho họ những câu chuyện làm nghề".

Công trình "Tinh hoa làng nghề Việt Nam" còn có 1 trại sáng tác nghệ thuật dành cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, sinh viên trường đại học mỹ thuật công nghiệp, cũng như những người yêu gốm sứ. Ở đây có đầy đủ phương tiện kỹ thuật, máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu để sáng tác sản phẩm.

"Hiện chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ để đưa dự án vào hoạt động. Hy vọng nơi đây sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc trình diễn tay nghề, thi tay nghề giữa các nghệ nhân, thợ giỏi của các làng nghề trong cả nước. Qua đó, bảo tồn, phát triển làng nghề, khuyến khích cấy ghép nghề cho những làng chưa có nghề" - bà Vinh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem