Đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Học sinh sẽ không còn bị "ép" đi học?

Tào Nga Thứ sáu, ngày 24/11/2023 06:23 AM (GMT+7)
Đề xuất đưa dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới đây đang nhận nhiều kiến trái chiều.
Bình luận 0

Ủng hộ đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Mới đây, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn đại biểu Thái Bình phản ánh tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu rõ, vấn đề cử tri và nhân dân mong muốn là quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo. Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Học sinh sẽ không còn bị "ép" đi học? - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh minh họa: Tào Nga

Vậy việc học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có "lợi" cho người học hay không?, Chị Nguyễn Thu Phương, phụ huynh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội đồng tình: "Đưa dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tốt hơn cho học sinh, phụ huynh, tránh tình trạng bị ép đi học thêm, đồng thời kiểm soát giá và chất lượng của học thêm. Điều quan trọng là thực hiện thế nào".

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" cho biết: "Việc học thêm không phải bây giờ mới xuất hiện. Ngày trước học sinh có học lực kém được các thầy cô phụ đạo, những học sinh giỏi được bồi dưỡng nâng cao. Sau này do yêu cầu của phụ huynhh, các thầy cô đã mở lớp học thêm nhận một nhóm nhỏ quen biết. 

Tuy nhiên hiện nay việc học và dạy thêm phát triển quá nóng, học sinh học thêm ở cả ba cấp học, giáo viên coi đó là nguồn thu nhập chính. Nhu cầu học thêm là hoàn toàn chính đáng, có cung ắt có cầu. Người đứng lớp dạy thêm giờ không còn bó gọn là giáo viên, nhiều người chưa hề có bằng sư phạm vẫn mở lớp nên việc dạy và học thêm trăm hoa đua nở. Khi đã coi việc dạy thêm là kinh doanh có điều kiện, vậy phải có quy định về người đủ điều kiện để kinh doanh loại hình đặc thù đó".

Theo anh Phúc, vấn nạn ép học thêm là biến tướng của nạn học thêm tràn lan và không dễ phát hiện. Thậm chí để được yên thân, phụ huynh thường chọn sự thoả hiệp. Nếu có chuyện ép học thêm xảy ra từ cấp trường cho đến giáo viên, các ngành chức năng cần vào cuộc. Vì vậy, anh Phúc ủng hộ việc phải có quy định về người đủ điều kiện để kinh doanh loại hình đặc thù đó.

"Đã là kinh doanh có điều kiện, không nhất thiết người đứng lớp phải có bằng chuyên môn sư phạm, nếu không sẽ xảy ra tình trạng "mượn bằng" để mở hiệu thuốc khi trước. Hiện nay đội ngũ giáo viên tự do khá đông đảo và thành công, họ có lượng lớn học sinh theo học. Bởi thế quy định kinh doanh có điều kiện cần tính đến đội ngũ này, nếu không sẽ thiệt thòi cho chính đội ngũ giáo viên khi áp vào cho riêng họ", anh Phúc chia sẻ thêm.

Tranh cãi trái chiều về dạy thêm trở thành ngành kinh doanh có điều kiện

Nói về tính khả thi khi thực hiện việc đưa dạy thêm trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, TS Đặng Văn Cường, giảng viên Luật, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng: "Vấn đề học thêm, dạy thêm là vấn đề khá nóng bỏng và nhạy cảm trong xã hội thời gian qua. Nhu cầu dạy thêm và học thêm trong xã hội là rất lớn, tuy nhiên với quy định trong thông tư của Bộ GDĐT thì không phải ai muốn học thêm cũng được và không phải ai muốn dạy thêm cũng được. Bởi vậy, cần có sự nghiên cứu, đánh giá ở nhiều góc độ đồng thời lắng nghe ý kiến nguyện vọng của phụ huynh, của giáo viên, của xã hội đối để tổng kết thực tiễn đánh giá sự cần thiết và vai trò của cơ quan chức năng trong công tác quản lý. 

Vấn đề dạy thêm, học thêm tác động trực tiếp đến nhiều hộ gia đình, nhiều bậc phụ huynh khi có con em ở tuổi đến trường. Không ít những trường hợp chi phí cho việc học thêm và gánh nặng đáng kể cho kinh tế gia đình của nhiều phụ huynh là người lao động phổ thông hoặc những người có thu nhập thấp. Bởi vậy cũng có nhiều phụ huynh không muốn cho con em mình học thêm. 

Hiện nay, các cơ sở giáo dục thành lập pháp nhân như Trung tâm giáo dục đào tạo, trung tâm bồi dưỡng, công ty giáo dục... thì pháp luật đã quy định bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề, điều kiện của người đứng đầu, điều kiện về cơ sở vật chất, và điều kiện đối với giáo viên, cán bộ nhân viên. Đối với các hoạt động dạy thêm dưới dạng mô hình lớp học thì cũng cần quy định về chương trình học, điều khiển giáo viên đứng lớp về chuyên môn nghiệp vụ, bằng cấp chính trị, đạo đức và các điều kiện khác nếu họ là viên chức đang hoạt động ở khu vực công".

Trong khi nhiều quan điểm đồng tình thì cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc đưa học thêm trở thành ngành kinh doanh có điều kiện.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, nêu ý kiến: "Học thêm tràn lan, tức là quá mức cần thiết hoặc bị bố mẹ, thầy cô ép buộc là mặt trái của việc dạy học nói chung và dạy thêm, học thêm nói riêng. Xã hội không đồng tình với việc dạy thêm tràn lan. Tôi phản đối kịch liệt việc dạy thêm tràn lan, nhưng ngược lại, hoan nghênh việc dạy thêm hợp lý và học thêm hợp lý. Tôi đã 74 tuổi, 50 năm sống trong nghề giáo và còn tiếp tục nhiều năm nữa, xin chân thành trả lời: không nên! Cho dù dạy thêm tràn lan là một điều nhức nhối, nhưng không ảnh hưởng quốc phòng, an ninh; không ảnh hưởng trật tự, an toàn xã hội… Vì thế, không cần thiết thêm một ngành kinh doanh có điều kiện (ngành thứ 228) trong luật Đầu tư 2020".

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định, cần phải đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây chính là cơ sở pháp lý để quản lý việc học và dạy thêm ngoài trường học.

Theo Bộ trưởng, đây là một tâm tư cảm xúc bởi việc dạy thêm, học thêm hay học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế. Trong khuôn khổ kiểm soát của nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có rất nhiều văn bản quy định về việc dạy thêm, học thêm, đặc biệt là Thông tư 17. Thông tư nêu rõ những vấn đề trong đạo đức của nhà giáo, nguyên tắc ứng xử của trường học, văn hóa học đường, thi hành công vụ của nhà giáo,… cũng như quy định về việc học thêm, dạy thêm trong nhà trường.

Tuy nhiên, với môi trường ngoài nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có cơ sở pháp lý nào để quản lý, giám sát, điều tiết, xử lý đối với việc này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem