Mất giá đồng VND với câu chuyện xuất khẩu và lạm phát

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia Kinh tế - Tài chính, người sáng lập Think Future Consultancy Thứ năm, ngày 02/05/2024 09:39 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia Kinh tế - Tài chính, người sáng lập Think Future Consultancy cho rằng, việc mất giá đồng VND có tác động không lớn đến xuất khẩu, trong khi lại có rủi ro làm tăng lạm phát. Vì vậy, kiểm soát mức độ mất giá đồng VND trong năm 2024 vẫn cần phải là một ưu tiên để ổn định vĩ mô.
Bình luận 0
Mất giá đồng VND với câu chuyện xuất khẩu và lạm phát- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia Kinh tế - Tài chính, người sáng lập Think Future Consultancy.

Từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá khoảng 4,4%. Khác với năm 2022 và 2023, năm nay, sóng tỷ giá "nóng" lên ngay từ đầu năm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhanh chóng có biện pháp can thiệp. Nhưng tính từ ngày 11/3, ngày NHNN bắt đầu phát hành tín phiếu để hút thanh khoản nhằm ổn định đồng VND, tỷ giá vẫn tăng tiếp 2,7%.

Vào ngày 19/4, 6 tuần sau khi phát hành tín phiếu, NHNN tiến thêm một bước bằng cách thông báo bán dự trữ ngoại hối và thực tế đã bán trong tuần cuối tháng 4. Nhờ có thêm bước này, đà tăng của tỷ giá đã được "ghìm cương" trước kỳ nghỉ lễ.

Mất giá đồng VND với câu chuyện xuất khẩu và lạm phát- Ảnh 2.

Tỷ giá đóng vai trò then chốt trong thương mại và kinh tế toàn cầu. Tỷ giá biến động có thể tạo ra những tác động lan truyền phức tạp, ảnh hưởng đến cả năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu cũng như lạm phát trong nước.

Ảnh hưởng của mất giá đồng VND đến xuất khẩu

Về lý thuyết, khi mất giá đồng VND sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu vì giá bán bằng USD sẽ giảm. Ví dụ, 1 cân tôm tại Việt Nam có giá 500.000đ/kg, quy ra USD theo tỷ giá 24.500đ/USD, có giá 20,4USD/kg. Khi đồng VND mất giá 4%, tức tăng lên 25.500đ/USD, cũng 1kg tôm đó sẽ có giá là 18,5USD/kg.

Giá giảm có thể làm tăng sức cạnh tranh và nhu cầu với nông sản xuất khẩu nói chung và thủy sản nói riêng của Việt Nam. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ giá USD mặc dù có ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản nhưng về mức độ tác động chỉ đứng ở vị trí thứ 3.

Theo đó, yếu tố ảnh hưởng nổi trội và lớn nhất tới xuất khẩu thủy sản là sản lượng, tức năng lực đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản của Việt Nam. Hai là, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường xuất khẩu như thị trường Mỹ và Nhật Bản. Một minh chứng là, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong năm 2023 đã giảm 12% dù đồng VND năm 2022 và 2023 đều mất giá nhanh hơn các năm trước đó.

Giải pháp phá giá đồng VND với mục địch hỗ trợ xuất khẩu, vì vậy sẽ ít mang lại tác dụng khi sản lượng sản xuất trong nước không thể tăng theo kịp hoặc khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính bị sụt giảm. Đây là chưa kể tới những rào cản thương mại như các vụ kiện bán phá giá ở Mỹ hay như thẻ vàng EU.

Một số nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, yếu tố quan trọng nhất để tạo lợi thế cạnh tranh về giá cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam nằm ở chi phí sản xuất.

Cũng lấy ví dụ về tôm, với loại tôm có trọng lượng 50 con/kg, giá thành sản xuất của Việt Nam vào khoảng 4 USD. Trong khi đó tôm của Ấn Độ và Ecuador - hai đối thủ chính của Việt Nam, chỉ là 3 và 2,5 USD, tương ứng thấp hơn Việt Nam 25% và 37%.

Mất giá đồng VND với câu chuyện xuất khẩu và lạm phát- Ảnh 3.

Với sự khác biệt lớn về chi phí sản xuất như vậy, việc giảm giá đồng VND 3% hoặc thậm chí 6% sẽ không có nhiều ý nghĩa với giá xuất khẩu. Trong khi đó, mất giá 6% với đồng VND sẽ là một vấn đề lớn với ổn định vĩ mô.

Trường hợp cố gắng giảm giá đồng nội tệ để tạo lợi thế xuất khẩu, có thể gây ra những hệ lụy khó lường cho tăng trưởng và ổn định kinh tế. Trường hợp của Brazil là một minh chứng.

Trong 10 năm gần đây, đồng nội tệ của Brazil đã giảm giá hơn 100% (!) Mặc dù tạo được lợi thế cạnh tranh cho ngô và dầu đậu nành của Brazil so với các sản phẩm tương tự của Mỹ, nhưng đánh đổi lại, Brazil đã liên tiếp rơi vào khủng hoảng với lạm phát cao và nhiều năm kinh tế suy thoái.

Việt Nam chúng ta chắc chắn không thể chấp nhận một tình huống như vậy.

Mất giá đồng VND với câu chuyện xuất khẩu và lạm phát- Ảnh 4.

Ảnh hưởng của tỷ giá USD/VND đến lạm phát

Ảnh hưởng của tỷ giá tới lạm phát chủ yếu mang tính gián tiếp do hầu hết các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất của Việt Nam đều phải nhập khẩu.

Ví dụ năm 2023, Việt Nam nhập 25 tỷ USD dầu thô và nhiên liệu (xăng, than, khí đốt), 16 tỷ USD nguyên liệu hóa chất và chất dẻo, 8 tỷ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Do phải mua bằng USD nên khi giá USD tăng, giá về tới Việt Nam quy đổi ra VND cũng tăng.

Giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng sẽ làm tăng giá thành sản xuất. Về lý thuyết, nhà sản xuất sẽ tìm cách để đẩy phần chi phí tăng thêm này vào giá bán cho người tiêu dùng và vì vậy làm tăng lạm phát.

Các nghiên cứu thực tế tại Việt Nam đã chỉ ra ảnh hưởng tương đối lớn của tỷ giá USD/VND đến lạm phát. Một kết quả tương đối thận trọng chỉ ra rằng, cứ 1% mất giá đồng VND thì lạm phát sẽ tăng 0,34%. Như vậy, nếu theo nghiên cứu này thì với mức mất giá 4,5% kể từ đầu năm 2024, lạm phát sẽ tăng thêm 1,5%. Đây là chưa tính tới việc tăng giá tự nhiên như giá xăng trong nước tăng theo giá dầu thế giới.

Một điểm tương đối thuận lợi cho kiểm soát lạm phát của Việt Nam đó là, giá nhiều hàng hóa nhập khẩu như than và ngũ cốc đang có xu hướng giảm.

Ngoài ra, điều hành giá cả ở Việt Nam cũng có những điểm đặc thù.

Thứ nhất, Việt Nam là nước xuất khẩu ròng lương thực nên Nhà nước có thể bình ổn giá lương thực trong nước trong trường hợp cần thiết.

Thứ hai, Nhà nước có thể kiểm soát việc tăng giá các mặt hàng như điện, học phí và dịch vụ y tế. Trong những năm có nguy cơ lạm phát cao, các mặt hàng này sẽ không được tăng giá. Những năm lạm phát thấp, ví dụ như năm 2023 vừa qua, nhóm này sẽ được tăng "bù".

Dẫu vậy, những mặt hàng nhà nước kiểm soát có tỷ trọng không lớn trong rổ CPI (xem hình). Lạm phát những tháng đầu năm đang có xu hướng nhích lên. Tháng 3 tăng 3,97%, tháng 4 CPI đã tăng lên 4,4%. Vì vậy, thận trọng với tỷ giá là không thừa để kiểm soát lạm phát trong năm 2024.

Mất giá đồng VND với câu chuyện xuất khẩu và lạm phát- Ảnh 5.

Từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rằng việc mất giá đồng VND có tác động không lớn đến xuất khẩu, trong khi lại có rủi ro làm tăng lạm phát. Vì vậy, kiểm soát mức độ mất giá đồng VND trong năm 2024 vẫn cần phải là một ưu tiên để ổn định vĩ mô.

Kiểm soát tỷ giá trong 8 tháng còn lại của năm 2024

Có một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến tỷ giá cần theo dõi rất sát đó là nhập siêu. Mặc dù cung ngoại tệ đến từ nhiều nguồn như FDI, kiều hối hay vay nợ nước ngoài nhưng giá trị xuất nhập siêu có tỷ trọng rất lớn trong cán cân thanh toán tổng thể.

Dữ liệu xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 4 của Tổng cục Hải quan (TCHQ) cho thấy, Việt Nam đang quay trở lại nhập siêu hàng hóa với giá trị ước tính 1,1 tỷ USD. Còn theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê (TCTK), cả tháng 4 ước tính Việt Nam xuất siêu 0,68 tỷ USD. Cần lưu ý rằng, đây mới là số liệu ước tính cả tháng, số liệu chính thức về xuất/nhập siêu tháng 4 sẽ được TCHQ công bố vào giữa tháng 5.

Mất giá đồng VND với câu chuyện xuất khẩu và lạm phát- Ảnh 6.

Theo quy luật nhiều năm qua, khi các hoạt động kinh tế trở nên sôi động, Việt Nam sẽ giảm xuất siêu hoặc chuyển sang nhập siêu. Lý do là vì, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu nên ngành sản xuất và tiêu dùng trong nước vẫn phải phụ thuộc vào nguyên liệu và hàng hóa nhập khẩu. Xu hướng giảm xuất siêu hoặc quay lại nhập siêu, vì vậy sẽ không dừng lại ở tháng 4 mà tiếp tục lặp lại ở những tháng tiếp theo.

Nhập siêu có ảnh hưởng lớn đến cung cầu USD và gia tăng lên áp lực tỷ giá. Để kiểm soát tỷ giá, các cơ quan quản lý có nhiều công cụ. Với các công cụ tiền tệ, có thể tóm tắt trong 3 bước.

Bước 1, hút thanh khoản, bằng tín phiếu và các nghiệp vụ khác để nâng lãi suất liên ngân hàng

Bước 2, bán dự trữ ngoại hối, có thể ít, có thể nhiều để thăm dò và ổn định thị trường . Hiện tại chúng ta đã thực hiện đến bước 2.

Bước 3, tăng lãi suất điều hành trong trường hợp các bước 1 và 2 chưa đủ để hạ nhiệt tỷ giá.

Lãi suất tiền gửi VND trong tháng 4 đang ở mức "thấp nhất 20 năm". Việc giảm lãi suất là một phần của nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, khác với với các động lực tăng trưởng khác như giải ngân đầu tư công, thu hút FDI hay xúc tiến thương mại, vốn ít có ảnh hưởng tới các cân đối vĩ mô, hạ lãi suất tiềm ẩn rủi ro tới tỷ giá và lạm phát, 2 cân đối vĩ mô rất quan trọng.

Các tín hiệu từ thị trường liên ngân hàng và thị trường trái phiếu trong những tuần gần đây đang báo hiệu mức lãi suất thấp khó có thể kéo dài. Khi lãi suất tiền gửi tăng, đồng VND sẽ có thêm sức hấp dẫn, tạo động lực cho người đang nắm giữ USD bán ra để nắm giữ đồng VND.

Tuy nhiên, mức tăng lãi suất VND phải đủ lớn để tạo ra xu hướng này. Trong năm 2022, NHNN đã tăng lãi suất điều hành 2% trong 2 tháng, trong khi lãi suất huy động tiền gửi được các ngân hàng thương mại tăng từ 2% đến 3%. Ở thời điểm 2022, mức tăng lãi suất như vậy là vừa đủ. Thời điểm hiện tại, khi chênh lệch lãi suất điều hành ở Việt Nam và Mỹ đã lên tới 2,5% và ngày FED giảm lãi suất đang ngày một lùi xa, chúng ta cần phải tính đến những kịch bản tăng lãi suất nhiều hơn.

Để không gây sốc cho thị trường và cả nền kinh tế, lãi suất có thể được điều chỉnh từng bước nhỏ 0,25% hoặc 0,5%. Mục đích của điều chỉnh từng bước là để gửi tín hiệu và thăm dò phản ứng thị trường, đồng thời cũng tạo khoảng thời gian để chờ đợi các diễn biến mới từ FED và NHTW các nước.

Mất giá đồng VND với câu chuyện xuất khẩu và lạm phát- Ảnh 7.

Việc tăng lãi suất để ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát hoàn toàn không trái với xu hướng thúc đẩy tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế cần phải nhìn một cách tổng thể với nhiều động lực. Động lực nào có thể đẩy, chúng ta đẩy tối đa, ví dụ giải ngân đầu tư công, xúc tiến thương mại hay cải cách thủ tục hành chính,...

Nhưng động lực nào phát sinh rủi ro, chúng ta cần phải kiềm chế và điều chỉnh bởi ổn định cũng là một phần của tăng trưởng. Có ổn định, tăng trưởng mới thực sự bền vững.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem