Dịch tả lợn châu Phi lây lan: Nuôi gia súc ăn cỏ để “cứu cánh”

Anh Thơ Thứ tư, ngày 15/05/2019 19:02 PM (GMT+7)
Được đánh giá là một ngành hàng có lợi thế nhưng đến nay, ngành chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ ở Việt Nam phát triển chưa xứng với tiềm năng. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ cần có những thay đổi căn bản để tận dụng được lợi thế này.
Bình luận 0

Mỗi người chỉ tiêu thụ 3,15kg thịt bò/năm

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tổng đàn gia súc ăn cỏ của cả nước đạt  hơn 2,4 triệu con, trong đó, các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có khối lợn đàn lớn nhất, hơn 1,3 triệu con. Nếu như 3 năm qua, tổng đàn trâu của cả nước giảm nhẹ với mức giảm trung bình trong 3 năm là 1,89% thì tổng đàn bò của cả nước tăng nhẹ, tốc độ tăng trưởng trung bình là 2,75%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của đàn bò lai là 4,27%/năm, tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt bò là 4,11%/năm.

img

Chăn nuôi bò sữa đã có bước phát triển vượt bậc. Ảnh: T.L

Mục tiêu đến năm 2025, sản lượng thịt hơi gia súc ăn cỏ đạt trên 500.000 tấn, chiếm trên 10% tổng sản lượng thịt các loại. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt từ 1,8 - 2,0 triệu tấn (đạt  khoảng 35kg/người/năm).

Đối với đàn bò sữa, tốc độ tăng trưởng đạt 2,09%/năm. Ước tính, năng suất sữa trung bình của đàn bò vắt sữa trong cả nước năm 2018 đạt trên 5.000kg/con/năm, đây là mức khá cao. Đặc biệt, tại một số trang trại áp dụng công nghệ cao của Vinamilk, TH True milk, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu năng suất sữa trung bình/con/ngày của đàn bò sữa đạt 26,1 - 28kg/con.

Tuy vậy, theo TS Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nghề chăn nuôi gia súc ăn cỏ vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng. “Thống kê cho thấy, năm 2018, sản lượng thịt gia súc ăn cỏ sản xuất trong nước chỉ chiếm 8,60% tổng sản lượng thịt các loại. Tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2018 mới đạt 27kg/người/năm, dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ sữa khoảng 28 lít/người/năm. Đáng chú ý, mức tiêu thụ thịt bò trung bình của người Việt Nam trong năm 2018 là 3,15kg thịt xẻ/người/năm, thấp hơn mức trung bình của thế giới và một số nước trong khu vực như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU...” - ông Chinh nói.

Điều đáng ghi nhận, phương thức chăn nuôi đã có những thay đổi tích cực, hình thành nhiều chuỗi liên kết có hiệu quả trong sản xuất, điển hình là các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò sữa hiện đang chiếm tỷ lệ liên kết gần 100% cao nhất trong khu vực sản xuất nông nghiệp hiện nay, từng bước hình thành ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới” - ông Chinh cho biết thêm.

Tuy vậy, đại diện Cục Chăn nuôi cũng thừa nhận, nghề chăn nuôi gia súc ăn cỏ vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, ảnh hưởng không lớn việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi, công tác kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Tình hình nhập lậu vật nuôi sống đặc biệt là bò thịt và sản phẩm chăn nuôi từ nước ngoài qua đường bộ biên giới phía Tây, Tây Nam, phía Bắc… vào nước ta vẫn chưa được kiểm soát. Do vậy, không chỉ dẫn đến dịch bệnh bùng phát mà còn ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Sớm tái cơ cấu ngành

Phát biểu tại hội nghị phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 15.5, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến khá phức tạp ở nhiều vùng với quá nửa số tỉnh trên cả nước đã phát hiện có ổ dịch thì chăn nuôi gia súc ăn cỏ có thể là một “cứu cánh”, giúp cân bằng sản lượng thịt phục vụ cho người tiêu dùng khi chắc chắn ngành chăn nuôi lợn sẽ khó có  thể lấy lại “phong độ” trong ngày một ngày hai.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) gợi ý, các địa phương, doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa phát triển thị trường nội địa vì dư địa còn khá lớn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ vẫn chưa được khai thác đúng mức, bởi sản lượng thịt mới chiếm khoảng 8%, trong khi thịt lợn chiếm đến 70%, gà 20%. “Ngành chăn nuôi đang chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn với sức sản xuất 5,5 triệu tấn thịt, 11 tỷ quả trứng, 1 triệu tấn sữa, đáp ứng nhu cầu cơ bản của 100 triệu dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn tồn tại nhiều nút thắt, đóng góp cho xuất khẩu còn thấp” - Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng cũng đặt ra yêu cầu sớm tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia súc lớn, coi đó là một nhu cầu cấp thiết. Người đứng đầu Bộ NNPTNT yêu cầu ngành chức năng, các địa phương cần chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế địa phương; quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch giết mổ và thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm đến các thị trường tiềm năng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem