Đến thiên đường Bằng Phúc thưởng trà shan tuyết tinh túy đất trời

Đặng Huy Chủ nhật, ngày 08/04/2018 17:21 PM (GMT+7)
Nằm ở độ cao trên 1.200m, rừng già bao phủ bốn bề, quanh năm mây mù che phủ, xã Bằng Phúc là thiên đường cho những ai thích sống gần với thiên nhiên.
Bình luận 0

Thời tiết ở đây rất dễ chịu, giữa mùa hè ban ngày thì mát còn ban đêm ngủ vẫn phải đắp chăn bông. Ở nơi được coi là “nóc nhà” của huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), con người cũng bình dị, hiền hòa như cái cây trên rừng. Bằng Phúc có 2 nghề truyền thống: Làm trà shan tuyết và nấu rượu. Cả 2 sản phẩm này đều là những đặc sản của Bắc Kạn.

Trà shan tuyết thấm đẫm tinh túy đất trời

img

Giám đốc HTX Chè Bằng Phúc, anh Mạch Quang Trung bên một cây trà shan tuyết cổ thụ. Ảnh: Đ.H

Những ngày ở Bằng Phúc, tôi mới thấy và thấm được sự hạnh phúc thật giản đơn của những người dân nơi đây.  Bởi mỗi năm chỉ cần “đều tay” với làm trà, nấu rượu mỗi gia đình ở Bằng Phúc cũng dư sức bỏ túi hàng trăm triệu. Họ nói đang ở nơi hạnh phúc, được cả về khí hậu, cuộc sống, thu nhập, ăn uống...

Lên Bằng Phúc đúng ngày mưa, đất trời chìm trong một màu bàng bạc. Thật may mắn, chúng tôi gặp và được anh Mạch Quang Trung, Giám đốc HTX Chè Bằng Phúc, nhận làm hướng dẫn viên cho tour ngẫu hứng của mình. Anh Trung cho biết, người Bằng Phúc hầu hết là dân tộc Tày, tổ tiên di cư đến khai hoang, lập nghiệp khoảng 700 năm.

Mạch Quang Trung từng là cán bộ lâm nghiệp của tỉnh Bắc Kạn, nhưng “máu” kinh doanh khiến anh không thể loanh quanh với công việc bàn giấy. Ra ngoài bươn chải nhiều nghề, nhận thấy tiềm năng lớn của cây trà Bằng Phúc, anh quay về quê hương, cùng các cụ cao niên họ Mạch xây dựng HTX và thương hiệu trà Bằng Phúc.

Chính nhờ thời tiết mát mẻ, trong lành, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn tạo nên khí hậu đặc thù thuận lợi giúp cho cây trà sinh trưởng, phát triển tốt.

Sau một đêm nghỉ ngơi trên nhà sàn truyền thống của người Tày, chúng tôi được anh Trung gọi dậy từ mờ sớm, rủ lên núi hái trà. Đi lên lưng đèo Keo Pụt, chúng tôi đã thấy những cây trà cổ thụ sừng sững. “Khi các cụ tổ chúng tôi đến đây đã có những cây trà shan tuyết cao, to. Bởi vậy, những cây trà này là tài sản rất quý mà tổ tiên để lại cho chúng tôi ngày nay” - vừa leo lên con dốc thẳng đứng, trơn trượt để thăm vườn trà cổ thụ trên núi, Trung vừa kể về mảnh đất và đặc biệt là cây trà quê hương.

Trên núi, thi thoảng lại gặp một người đi hái trà. Cũng giống như các vùng trà shan khác, người hái phải lên đỉnh để hái búp non. Song thay vì trèo cây, người Bằng Phúc chế ra những chiếc ống bương (thang) làm bằng thân tre hoặc vầu. Chọn một thân thật to, sau đó dùng dao chặt, tạo những lỗ to cỡ nửa gang tay từ gốc lên ngọn, thế là có một chiếc vàu để trèo hái trà. Khi thu hoạch, người hái phải nhẹ nhàng, kiên nhẫn mới đảm bảo cho các búp trà không bị giập, nát. Ngoài ra, trà phải được hái sớm, bắt đầu từ lúc mặt trời chưa ló rạng và kết thúc khi mặt trời gác sào, vì trong thời điểm này trà cho ít chất chát nhất.

img

Một góc thôn Nà Bay, xã Bằng Phúc. Ảnh: Đ.H

Trung cho biết, trà xuân là ngon nhất trong năm. Vụ xuân bắt đầu được hái từ sau Tết Nguyên đán nhưng rộ nhất là vào dịp Thanh minh. Khi ấy, trên các ngọn cây trà râm ran tiếng người, vừa hái trà, vừa nói chuyện, vừa trêu đùa nhau, không khí trên các sườn núi vui như có hội.

Sau khi hái trà, người Bằng Phúc lập tức trở về nhà để sao. Theo ông Mạch Văn Tí, một người có thâm niên làm trà thì sau khi thu hái tươi về phải tiến hành sao ngay. Nếu không làm như vậy thì khi sao xong trà sẽ mất tuyết, chất lượng giảm hẳn. Sau khi sao, búp trà không có hình móc câu mà to ngẫy như chiếc cúc áo nhỏ nhưng vẫn phủ một lớp tuyết trắng đục nên gọi là trà shan tuyết.

“Một tay nấu rượu, một tay sao trà”

img

Bếp lửa nhà sàn với những quả men rượu ở trên (quả màu trắng). Ảnh: Đ.H

img

Ống bương (thang) để trèo hái trà. Ảnh: Đ.H

Một anh bạn của tôi vẫn luôn tếu táo nói vậy khi nói về hai nghề “chủ lực” của người Bằng Phúc. Mà quả thật lời nói với thực tế cũng chẳng  khác xa nhau là bao.

Khi chúng tôi ngồi thưởng thức ấm trà ngon thì ngay cạnh lò tôn quay ầm ầm sao trà, ông Mạch Văn Tí cầm một chiếc khay với 6 chiếc chén và 2 chai nhựa. Ông vui vẻ: “Các chú lên đây thì thưởng thức “đặc sản” ở đây nhé, cứ chén rượu, chén trà cho… phấn khởi. Mà trà Bằng Phúc còn có cả công dụng giải rượu được đấy”. Tôi để ý thấy ông Tí sắp xếp rất khoa học, chén uống trà là những chiếc chén có quai, còn chén uống rượu là chén trơn.

Rượu men lá Bằng Phúc, chỉ khoảng 30 độ, uống hơi man mát và dễ chịu khi qua cổ họng. Dẫu nhẹ và rất hiếu khách với “chén rượu, chén trà” song trà thì có thể uống thoải mái chứ rượu chủ nhà không quá 3, 4 chén vì còn bận việc. Bởi kể cả khi tiếp khách, người Bằng Phúc cũng không ngồi yên mà phải làm một việc gì đó, nếu không bận sao trà, đóng trà, nấu rượu, đun nước… thì cũng ngồi vót đũa, vót nan.

Nghề nấu rượu ở Bằng Phúc là cha truyền con nối, từ bao đời nay rồi. Trước do hạn chế về giao thông, rượu Bằng Phúc chỉ bán ở các bản làng xung quanh, xa lắm thì đưa lên lưng ngựa theo các thương lái ra Bằng Lũng (thị trấn của huyện Chợ Đồn). Nay, giao thông đi lại thuận tiện hơn, rượu men lá Bằng Phúc (cũng như trà Bằng Phúc) trở thành đặc sản của tỉnh. Nhiều người Bắc Kạn mua những sản phẩm này làm quà cho bạn bè ở các nơi khác.

Theo ông Mạch Văn Tí, bí quyết rượu Bằng Phúc ngon nằm ở men được làm từ khoảng 25 vị thuốc cây rừng. Mỗi gia đình lại có những gia giảm khác nhau trong công thức nấu rượu của mình. Các loại cây thuốc làm men lá nấu rượu đều là cây bổ dưỡng. 

Số lá cây này được bỏ chung một nồi, sắc lên lấy nước sau đó đỏ vào trộn với bột gạo, nặn ra thành từng cái bánh to như cái chén uống nước. Cách ủ men cũng như thời gian ủ men phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường và mỗi gia đình có bí quyết ủ men riêng. Thường thì men được xếp vào một cái nong to có rơm khô rải bên dưới, xếp men xong tiếp tục phủ một lớp rơm lên trên. Vào mùa hè thường phủ thêm một chiếc chăn mỏng, qua đêm là ra men được. Còn mùa đông phải mất 2 ngày ủ thật ấm mới ra được men. Theo ông Tí việc thăm và ra men đúng lúc không phải ai cũng làm được, phải có kinh nghiệm mới có thể ra men chính xác. Men sau khi đã ủ xong được luồn dây qua giữa thành từng xâu hong trên gác bếp hoặc trong bóng râm cho khô để dùng dần.

Đêm Bằng Phúc trong tiết trời tháng Giêng, bên ngoài có tiếng mưa rơi trên tàu lá chuối, ở bếp lửa trên sàn nhà, tiếng lửa reo lách tách khi củi nỏ, tiếng đàn tính ở đâu đó vọng lại, thưởng chén rượu ngon bên mâm cơm toàn sản vật bà con tự nuôi trồng: Lạp xường hun khói, thịt lợn thả rông trên núi, các loại rau được trồng xung quanh nhà, trên núi… Ăn uống no say, trong cái se se lạnh lại được chén trà shan tuyết ấm nóng, thật chẳng thể nào thú hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem