Để có chủ quyền của đảo Okinawa, Nhật Bản đã phải trả cho Mỹ bao nhiêu?

Mạnh Hùng (theo Sina) Chủ nhật, ngày 07/06/2020 20:30 PM (GMT+7)
Để có được chủ quyền của đảo Okinawa, Nhật Bản đã phải trả cho phía Hoa Kỳ một số tiền hàng trăm triệu USD.
Bình luận 0

Tháng 10/2005, khi ngài Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumslfeld vui mừng thông báo bản thỏa thuận tạm thời về chương trình hợp tác phòng thủ vừa được ký giữa hai chính phủ Mỹ và Nhật Bản, ông không thể hình dung được rằng chỉ 6 tháng sau, việc thực thi nó lại đứng trước nguy cơ bị cản trở. Mọi chuyện bắt nguồn từ những tiết lộ gần đây của cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Bunroku Yoshino liên quan đến bản Hiệp định Okinawa được ký kết giữa Chính phủ Nhật Bản và Mỹ năm 1972. Theo tinh thần của hiệp định đó, quân đội Mỹ tự nguyện rút khỏi đây và trao chủ quyền hòn đảo này cho phía Nhật Bản.

Để có chủ quyền của đảo Okinawa, Nhật Bản đã phải trả cho Mỹ bao nhiêu? - Ảnh 1.

Vị trí quần đảo Okinawa của Nhật Bản.

Kể từ sau khi phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh năm 1945, quân đội Mỹ đã chiếm đóng hòn đảo Okinawa trong vòng hơn 25 năm trước khi nó được trao lại cho phía Nhật năm 1972. Trong quãng thời gian đó, phía Mỹ đã biến Okinawa thành một căn cứ quân sự lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong kế hoạch phòng thủ toàn cầu của mình với sự  hiện diện của cả 3 lực lượng: hải quân, không quân và lục quân. Thành công của Hiệp định Okinawa là thành quả của những nỗ lực phi thường của Chính phủ Thủ tướng Eisako Sato lúc đó, cũng vì công lao này mà Thủ tướng Eisako Sato được trao giải Nobel Hòa bình năm 1974.

Thế nhưng tới năm 2006, ngài Bunroku Yoshino, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản năm 1970, đồng thời cũng là Trưởng đoàn đàm phán bên phía Nhật Bản năm đó tiết lộ một thông tin động trời: Chính phủ của Thủ tướng Eisako Sato đã phải trả đến 330 triệu USD tính theo mệnh giá bấy giờ để đổi lấy sự độc lập cho đảo Okinawa. Chính phủ Nhật cũng phải trả thêm một khoản tiền không nhỏ cho phía Mỹ để mua lại các thiết bị trên đảo như hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, hệ thống phát điện hoặc các khoản chi phí cho việc tháo dỡ và di dời các thiết bị quân sự... Nếu quả thật như lời ông Yoshino, thì điều đó không khác gì một vụ mua bán, chỉ khác là nó diễn ra trong bí mật mà thôi.

Nhà báo Yoshifumi Tokosumi, trên tờ tạp chí uy tín Sekai công bố những chứng cứ được cung cấp bởi cựu Ngoại trưởng Yoshino, cho thấy từ năm 1972 cho đến năm 2005, Chính phủ Nhật Bản đã bí mật chuyển cho phía Mỹ 12,96 tỉ yên (hơn 100 triệu USD).

Tiết lộ của cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshino sau đó càng được củng cố thêm thông qua những tài liệu được cung cấp bởi một nhà sử học chuyên nghiên cứu về Okinawa, Masaaki Gabe, chỉ có điều, theo con số của Gabe thì Chính phủ Nhật Bản đã phải chi số tiền lớn hơn nhiều, lên tới 685 triệu USD. Hơn 200 triệu USD trong tổng số tiền này được chuyển cho phía Mỹ trong vòng hơn 3 thập kỷ dưới dạng "chi phí bảo quản và cải tạo" đảo Okinawa.

Mặc dù được nhiều phương tiện đại chúng đăng tải gần đây nhưng câu chuyện của Yoshino chưa thực sự thu hút được sự chú ý của dư luận Nhật Bản. Một phần là vì mọi sự quan tâm lúc này đang đổ dồn về vụ bê bối thư điện tử Nagata. Theo diễn biến này, một e-mail được gửi từ cựu Chủ tịch Takafumi Horie của Công ty Chứng khoán Livedoor xác nhận việc đã chuyển một số tiền 250.000 USD vào tài khoản của Hisayasu Nagata, con trai của Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP). Vụ bê bối Nagata đã buộc Chủ tịch đảng LDP là ngài Seiji Maehara phải từ chức ngày 31/3/2006.

Chính phủ Nhật Bản kịch liệt phản đối tiết lộ trên của Yoshino. Theo lời ngài Shinzo Albe, trợ lý của Thủ tướng Junichiro Koizumi, thì không có bất cứ một thỏa thuận ngầm nào giữa hai chính phủ Nhật Bản và Mỹ xung quanh vấn đề về đảo Okinawa và quan điểm của chính quyền Thủ tướng Koizumi là sẽ điều tra đến cùng những cáo buộc có liên quan.

Thực tế thì ngay từ tháng 3/1972, phe đối lập với Thủ tướng Eisako Sato đã trình lên Quốc hội một bức điện tín được cho là bằng chứng của vụ chuyển tiền cho phía Mỹ. Nhưng vụ việc sau đó bị dìm xuống và phóng viên của tờ Mainichi Shimbun, anh Takichi Nishiyama, người đã cung cấp cho phe đối lập bức điện tín trên đã bị buộc thôi việc và phải vào tù. Nishiyama sau đó quyết định khởi kiện đòi Chính phủ Nhật phải bồi thường vì đã hủy hoại danh dự của anh trong suốt 30 năm qua.

Ngày nay người dân Nhật Bản biết đến cựu Thủ tướng Eisako Sato nhờ công lao biến Nhật Bản thành một đất nước không hạt nhân. Ngài Sato là tác giả của chương trình "ba không": không sản xuất, không tham gia, không thử vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Nhật Bản làm tiền đề cho việc Nhật Bản tham gia ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân sau này. Nhưng chính quyền Thủ tướng Sato đã phải nhờ đến cái ô hạt nhân của Mỹ trong suốt những năm cầm quyền. Một minh chứng là sau khi trao trả lại chủ quyền đảo Okinawa cho phía Nhật Bản, Mỹ vẫn cho triển khai các chương trình hạt nhân tại đây nhờ sự đồng ý của chính quyền Sato. Một phần nhờ vào chương trình "ba không" mà cựu Thủ tướng Sato mới được trao giải Nobel Hòa bình, nhưng mới đây Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển đã thừa nhận rằng giải Nobel Hòa bình trao cho Eisako Sato năm 1974 là sai lầm lớn nhất trong lịch sử hơn 100 năm tồn tại của giải này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem