Dấu ấn sâu đậm của khuyến nông chăn nuôi, nâng cao tầm vóc đàn bò, đột phá nuôi lợn lai

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Thứ năm, ngày 26/10/2023 07:09 AM (GMT+7)
Trong hơn 30 năm xây dựng và phát triển, hoạt động khuyến nông chăn nuôi đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành chăn nuôi nước ta. Mỗi thành tựu của ngành này đều ghi nhận những dấu ấn sâu đậm của công tác khuyến nông.
Bình luận 0

Khuyến nông góp phần nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn bò Việt Nam

Chăn nuôi trâu, bò là nghề truyền thống gắn chặt với nền sản xuất lúa nước và tạo sinh sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, từ thập niên 90 trở về trước, bò được nuôi ở nước ta chủ yếu là các giống bò nội có tầm vóc bé nhỏ, sinh trưởng phát triển chậm, năng suất, chất lượng thịt, sữa đều rất thấp, không phù hợp với phương thức sản xuất công nghiệp, hàng hóa lớn.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao Cục Khuyến nông và Lâm nghiệp (nay là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) chủ trì triển khai dự án "Khuyến nông cải tạo đàn bò Việt Nam" từ năm 1995 - 1998. Từ kết quả của dự án, Trung tâm khuyến nông các tỉnh đã triển khai thành công chương trình Zebu hóa đàn bò tại 27 tỉnh, thành. Thông qua công tác đào tạo dẫn tinh viên, hỗ trợ vật tư và thụ tinh nhân tạo cho đàn bò, dự án đã tạo ra bước đột phá về cải tạo tầm vóc, chất lượng các giống bò nội, mở ra hướng chăn nuôi bò thịt, có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chương trình đã góp phần tăng nhanh về quy mô đàn bò, từ 3,2 triệu con năm 1990, đến nay đã phát triển lên gần 6,4 triệu con.

Chất lượng đàn bò được nâng lên đáng kể, tỷ lệ bò lai trên phạm vi toàn quốc từ 12% năm 1995 đã tăng lên 30% năm 2005 và 56,65% năm 2015. Đến nay, tỷ lệ bò lai đã tăng trên 65%. Một số tỉnh, như Trà Vinh đạt 95,78%, vùng đồng bằng sông Hồng đạt 97,91% và TP. Hồ Chí Minh đạt 100%.

Những dự án khuyến nông chăn nuôi  - Ảnh 1.

Năng suất, chất lượng đàn bò sau cải tạo giống. Nguồn: Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Bên cạnh hệ thống khuyến nông là nòng cốt, chương trình cải tạo đàn bò Việt Nam cũng huy động sự vào cuộc tích cực của các đơn vị: Trung tâm Giống vật nuôi, hệ thống thú y các tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội (Hội Nông dân, Hội Làm vườn, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…) đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân tham gia.

Nạc hoá đàn lợn – Thay đổi tư duy người chăn nuôi

Chương trình này khởi động từ năm 1990 và phát triển mạnh, rộng khắp cả nước vào đầu những năm 2000. Mục tiêu ban đầu là nhập các giống lợn ngoại thuần có nguồn gốc châu Âu và Mỹ (Yorkshire, Landrace, Pietran, Duroc,…) có tầm vóc lớn, tỷ lệ thịt xẻ và tỷ lệ nạc cao để lai với các giống lợn địa phương có tầm vóc nhỏ, tỷ lệ thịt xẻ thấp nhưng có khả năng sinh sản tốt để tạo ra con lai phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở trình độ thâm canh thấp nhưng năng suất và chất lượng thịt được cải thiện.

Sau năm 2000, chương trình nạc hóa đàn lợn đã chuyển sang giai đoạn mới cao hơn, đó là phát triển chăn nuôi lợn ngoại trang trại với quy mô vừa và lớn. Theo đó chương trình khuyến nông đã hỗ trợ nhiều địa phương tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn, tiếp tục đưa các giống ngoại chất lượng cao để tạo các giống ngoại lai, đáp ứng nhu cầu chất lượng thịt ngày càng cao của người tiêu dùng.

Dấu ấn sâu đậm của khuyến nông chăn nuôi, nâng cao tầm vóc đàn bò, đột phá nuôi lợn lai - Ảnh 2.

Chương trình nạc hóa đàn lợn hiện nay đã chuyển sang giai đoạn mới cao hơn, đó là phát triển chăn nuôi lợn ngoại trang trại với quy mô vừa và lớn. Ảnh: sonnptntcamau

Hàng năm các dự án khuyến nông hỗ trợ vật tư thụ tinh nhân tạo hoặc lợn đực giống ngoại để khai thác tinh, lợn nái ngoại. Lực lượng khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện chương trình này, triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các mô hình trình diễn để chuyển giao kỹ thuật lai tạo giống, chăn nuôi lợn lai đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao và nhân rộng mô hình.

Tổng đàn lợn cả nước năm 1995 mới có 16,5 triệu con, đến năm 2022 đã đạt 29 triệu con, tăng 1,76 lần. Tỷ lệ đàn lợn lai tăng nhanh: Từ 50% máu ngoại hiện đã đạt trên 90%, vùng đồng bằng, ven đô thị xấp xỉ 100%. Ưu thế của lợn lai đã tạo bước đột phá về chất lượng. Cụ thể:

Chương trình nạc hoá đàn lợn đã góp phần làm tăng số lứa đẻ từ 1,7 lứa lên 2,3 lứa/nái/năm; tăng số lợn con cai sữa từ 7 con lên 11,5 con/nái/lứa.

Tỷ lệ nạc được cải thiện từ 30 – 36% ở các giống nội lên 50 - 62% đến ở các giống lợn ngoại, lợn lai ngoại.

Nhiều địa phương đã đưa giống lợn ngoại, lợn lai máu ngoại vào sản xuất với quy mô lớn như các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, TP. HCM, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, hình thành các vùng sản xuất lớn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Dấu ấn sâu đậm của khuyến nông chăn nuôi, nâng cao tầm vóc đàn bò, đột phá nuôi lợn lai - Ảnh 3.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang chủ trì thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn ngoại theo hướng an toàn sinh học tại các tỉnh Nam bộ". Dự án được triển khai thực hiện trong 3 năm (từ 2019 - 2021) tại 4 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Trà Vinh. Trong ảnh: Nông dân xã Tân Phú nuôi heo giống ngoại do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ tỉnh Tiền Giang chuyển giao. Ảnh: Trần Đáng


Từ năm 2009 đến nay chăn nuôi lợn đã phát triển mạnh mẽ thông qua chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy chăn nuôi quy mô lớn phát triển và từng bước chuyển mình từ lượng sang chất thông qua các dự án khuyến nông về chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chăn nuôi lợn chứng nhận VietGAHP, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Chương trình đã góp phần đưa ngành chăn nuôi lợn phát triển theo hướng công nghiệp, tập trung, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Dấu ấn sâu đậm của khuyến nông chăn nuôi, nâng cao tầm vóc đàn bò, đột phá nuôi lợn lai - Ảnh 4.

Mô hình nuôi lợn Bành Tỷ của gia đình ông Nguyễn Ngọc Danh ở xóm Cuông xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: nghiadan.gov,vn

Công nghệ mới đưa chăn nuôi gia cầm là ngành hàng chính

Ngành chăn nuôi gia cầm nước ta hiện đang chiếm vị trí thứ hai về giá trị sản xuất và tạo sinh kế cho nông dân, sau ngành chăn nuôi lợn, vì vậy, công tác khuyến nông không thể tách rời ngành hàng quan trọng này.

Những năm vừa qua, thông qua các chương trình khuyến nông trong lĩnh vực gia cầm, hàng ngàn mô hình khuyến nông trung ương và địa phương đã được triển khai rộng khắp cả nước. Kết quả đã góp phần tạo ra sự đột phá về tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm nước ta theo hướng chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông không có kiểm soát sang loại hình chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, vừa và lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Những đóng góp quan trọng của khuyến nông cho ngành gia cầm được thể hiện ở các lĩnh vực như:

Dấu ấn sâu đậm của khuyến nông chăn nuôi, nâng cao tầm vóc đàn bò, đột phá nuôi lợn lai - Ảnh 5.

Năm 2023, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp Quảng Xương phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh Thanh Hoá xây dựng mô hình: “Mô hình chăn nuôi gà thịt gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm” tại Thị trấn Tân Phong huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Mỗi hộ chăn nuôi 550 con gà giống ri lai, thu lãi trung bình hơn 20 triệu đồng. Ảnh: Lê Ngân

- Đã chuyển giao các giống gia cầm vào sản xuất như Ri lai, Mía lai, Chọi lai, MD... thích nghi với điều kiện chăn nuôi đa dạng, cho năng suất cao, chất lượng thịt thơm ngon được thị trường ưa chuộng; giống vịt siêu thịt V52, V57, VSM6… có năng suất chất lượng cao, vịt thương phẩm có thời gian nuôi ngắn, giống vịt biển có khả năng phát triển trong điều kiện nước mặn, nước lợ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Việc triển khai các mô hình khuyến nông chăn nuôi gia cầm áp dụng các giải pháp đồng bộ từ con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi đã và đang góp phần quan trọng trong việc kiểm soát, đẩy lùi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các nông hộ và trang trại chăn nuôi trong cả nước, góp phần xây dựng nông thôn mới. 

-Hiệu quả kinh tế mô hình nuôi gia cầm tăng 11-17,5%, lợi nhuận tăng từ 3-7 triệu đồng/1.000 gà thịt so với chăn nuôi truyền thống.

- Phát triển chăn nuôi gia cầm trang trại, tập trung, có kiểm soát, an toàn dịch bệnh, tạo vùng nguyên liệu, chăn nuôi theo VietGAHP, theo hướng hữu cơ gắn liên kết, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và phát triển chăn nuôi bền vững.

Đóng góp quan trọng vào tái cơ cấu ngành chăn nuôi

Thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045 theo quyết định 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020, hệ thống khuyến nông cả nước đã và đang triển khai các chương trình dự án nhằm tiếp tục góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm với mức độ tăng trưởng lớn nhất trong các loại vật nuôi. Mục tiêu đến năm 2025, sản lượng thịt gia cầm chiếm 26-28%, tỷ lệ giết mổ tập trung công nghiệp đạt 40%; sản lượng trứng 18 - 19 tỷ quả, bình quân/người/năm là 180 - 190 quả.

Hằng năm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo ở trung ương và hệ thống khuyến nông địa phương tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi và xây dựng tài liệu cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và người chăn nuôi. 

Hoạt động đào tạo, huấn luyện được triển khai đa dạng, phong phú gồm tập huấn kỹ thuật theo chuyên ngành, tập huấn nghiệp vụ kỹ năng khuyến nông, xây dựng học liệu, tài liệu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tổ chức tham quan học tập trong và ngoài nước. 

Tập huấn kỹ thuật lai tạo giống, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến nhằm nâng cao năng suất và chất lượng vật nuôi, chăn nuôi theo VietGAHP,chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ biogas để xử lý chất thải, công nghệ chống nóng, chống rét cho vật nuôi …, góp phần tạo sinh kế và tăng thu nhập cho hàng triệu hộ chăn nuôi.

Thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, hội thi, tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng, ấn phẩm khuyến nông đã giúp người chăn nuôi được tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ mới, những mô hình chăn nuôi có hiệu quả, được chia sẻ kinh nghiệm cũng như giải đáp các vấn đề liên quan cùng chuyên gia, các nhà quản lý. 

Các Hội thi nông dân chăn nuôi giỏi, cán bộ khuyến nông giỏi như "Người chăn nuôi gia cầm giỏi", "Chăn nuôi lợn giỏi", "Chăn nuôi bò giỏi"... đã tạo một "sân chơi" để giao lưu, học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ khuyến nông; chuyển tải tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi đến đông đảo bà con nông dân; kịp thời động viên, tôn vinh nông dân điển hình, cán bộ khuyến nông giỏi, tiêu biểu.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Tiếng nói Việt Nam, VTV1 (Chào buổi sáng), VTV2 (Nhịp cầu khuyến nông), VTC16 (Khuyến nông, Hãy hỏi để biết), các Báo Nông nghiệp Việt Nam và Nông thôn ngày nay, trang web Khuyến nông Việt Nam... đã góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật, hiểu và vận dụng đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung và chăn nuôi nói riêng. Đặc biệt, các ấn phẩm, Bản tin Khuyến nông Việt Nam,... đã trở thành "cẩm nang" của cán bộ khuyến nông cơ sở nói chung và bà con nông dân nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem