Đảm bảo mức sống cho người bị thu hồi đất

Thứ ba, ngày 30/10/2012 09:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Lang - Ủy viên Hội đồng tư vấn kinh tế Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam xung quanh tình trạng khiếu kiện, mất công bằng đối với người dân có đất.
Bình luận 0

GS Nguyễn Lang cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc người dân thực hiện khiếu nại tố cáo (KNTC) kéo dài, ngày càng phát triển, về cơ bản do có quan điểm phổ biến và sai lầm coi nguyên nhân dẫn đến KNTC vì người dân không có quyền sở hữu đất đai. Tuy nhiên, thực tế lịch sử, từ thời cổ đại đến nay cho thấy, quyền lợi hợp pháp của người dân bị xâm hại là do một bộ phận người có chức, có quyền đã lạm dụng quyền lực được giao để chiếm đoạt tài sản, vi phạm lợi ích hợp pháp của người dân.

img
Tình trạng lạm dụng quyền lực của cán bộ quản lý đất đai xảy ra khá phổ biến (ảnh minh họa).

Như vậy có nghĩa là, dù có trao quyền sở hữu cho người nông dân mà không khắc phục tình trạng lạm dụng quyền lực thì KNTC vẫn cao?

- Đúng là như vậy!

Theo ông, liệu có phải do chính sách quản lý đất đai của ta đang còn mù mờ?

- Sở dĩ đội ngũ cán bộ có trách nhiệm vẫn có thể vi phạm quyền lợi hợp pháp của người dân vì khi thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai (cũng như các luật khác) đều có quy định là luật mới thay thế các luật cũ đã ban hành.

Thế nhưng khi ban hành luật mới, lại không tiến hành rà soát, điều chỉnh hàng trăm văn bản pháp quy để thực thi các luật cũ nên đã xảy ra tình trạng các cơ quan có trách nhiệm vẫn căn cứ vào các văn bản pháp quy đã hết hiệu lực để xử lý việc thu hồi, cưỡng chế đất đã giao quyền sử dụng cho người dân.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ có trách nhiệm và quyền hạn quản lý đất đai có tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Trong lĩnh vực này, có trách nhiệm của hệ thống các cơ quan tổ chức.

“Dù trao quyền sở hữu đất cho người nông dân mà không khắc phục được tình trạng lạm dụng quyền lực của đội ngũ cán bộ có trách nhiệm quản lý đất đai thì vẫn không thể nào khắc phục được tình trạng KNTC”.

Hiện nay, các cơ quan thống kê độc lập đưa ra con số đền bù đất bằng 1/10 giá thị trường. Vậy theo ông chúng ta cần giải quyết và khắc phục tình trạng này thế nào?

- Trước hết phải nhắc lại Điều 4, Khoản 23 của Luật Đất đai 2003 quy định: “Giá quyền sử dụng đất, được gọi là giá đất”. Do đó khi nói đến giá đất, không thể đồng nhất coi đó là giá mua - bán quyền sở hữu đất. Giá thị trường xoay quanh giá trị của hàng hóa và giá trị của hàng hóa phải phù hợp với hao phí lao động xã hội cần thiết.

Thế nhưng trên thị trường, có hoạt động đầu cơ tích trữ lũng loạn thị trường của một nhóm người chạy theo lợi nhuận siêu ngạch, họ đã đẩy giá thị trường lên không phù hợp với quy luật kinh tế. Do đó, đề xuất Chính phủ quy định giá đất theo sát giá thị trường là một quy định mang tính chất phục vụ lợi ích nhóm đầu cơ tích trữ.

Việc xác định giá đất tại Luật Đất đai sửa đổi phải đưa vào một nguyên tắc đã được thực hiện là “bảo đảm cho người bị thu hồi đất có điều kiện và mức sống tối thiểu ngang bằng mức có trước khi bị thu hồi đất”.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem