Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản nói gì về phản ứng của người Nhật đối với vải thiều?

Thiên Hương Thứ ba, ngày 08/06/2021 13:55 PM (GMT+7)
Quả vải là loại trái cây thích hợp thổ nhưỡng ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới nên không dễ trồng được ở Nhật Bản. Sau 1 năm xâm nhập thị trường Nhật, quả vải thiều tươi Việt Nam đã gây được tiếng vang. Do đó, vụ vải 2021, các công ty Nhật dự kiến nhập khẩu vải thiều Việt Nam lên gấp nhiều lần.
Bình luận 0

Vải thiều được người tiêu dùng Nhật Bản hồ hởi đón nhận, mua hết veo vì tươi ngon

Sáng nay, 8/6, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại 30 điểm cầu trong nước và quốc tế. Trong đó 22 điểm cầu trong nước, 8 điểm cầu tại các nước: Nhật Bản, Úc, Singapore, Trung Quốc.

Đối với thị trường Trung Quốc, tỉnh tiếp tục duy trì 149 mã số vùng trồng tại 04 huyện (Tân Yên, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn), với diện tích 15.800 ha (chiếm 56,4% tổng diện tích vải thiều); sản lượng ước đạt 95.000 tấn (chiếm gần 52,8% tổng lượng sản lượng vải thiều).

Riêng vùng vải sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc... diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn. Vùng vải thiều sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn, với 260 hộ nông dân tham gia. 

Hiện đã có nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản, như Chánh Thu, Ameii, Rồng Đỏ, Toàn Cầu, Bamboo...

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản: Nhiều người Nhật tiếc hùi hụi vì chưa được ăn vải thiều - Ảnh 1.

Quả vải thiều Bắc Giang được sơ chế, xử lý trước khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: A.T

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, ông Vũ Hồng Nam - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, quả vải rất khó trồng ở Nhật Bản vì đây là nước ôn đới. Sản lượng quả vải trồng tại Nhật chỉ chiếm khoảng 5% thị phần tiêu thụ ở Nhật, do đó vải được coi là mặt hàng cao cấp với giá bán rất cao.

Để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, Nhật Bản phải nhập khẩu quả vải tươi từ nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Mexico, Honduras...

Ông Nam cho biết, khi lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON vào tháng 6/2020, quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật hồ hởi đón nhận. 

Nhiều người Nhật đã dành lời khen cho sự tươi ngon của quả vải Việt Nam và mua tặng gia đình, bạn bè. 

Bên cạnh đó, việc số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây khiến cho nhu cầu và hình ảnh của hàng thực phẩm Việt Nam ngày càng được nâng cao tại thị trường Nhật Bản, trong đó có quả vải thiều.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Nhật Bản, ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu (2020), vải thiều Việt Nam chiếm thị phần khoảng 10% tại thị trường Nhật (xếp thứ 3, sau Trung Quốc và Đài Loan). Do năm 2020 là năm đầu tiên nên các công ty Nhật Bản nhập khẩu dè dặt nhằm thăm dò phản ứng thị trường.

Tuy nhiên, do quả vải Việt Nam gây được hiệu ứng tốt, các công ty Nhật dự kiến tăng lượng nhập khẩu vải thiều Việt Nam trong mùa vụ 2021 lên gấp nhiều lần.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản: Nhiều người Nhật tiếc hùi hụi vì chưa được ăn vải thiều - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường đầu tư các chi phí xử lý, bảo quản quả vải cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Nhật Bản.

Với những kinh nghiệm, kết quả thu được sau năm đầu tiên xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân tại các vùng trồng vải lớn đã sớm có sự chuẩn bị cho mùa vụ năm nay. 

Tỉnh Bắc Giang và Hải Dương cũng đã chỉ đạo gia tăng diện tích vùng trồng vải cũng như số lượng mã số vùng trồng được phép xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu cũng tăng cường đầu tư các chi phí xử lý, bảo quản quả vải cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Nhật Bản.

Ông Nam cho biết, tại Nhật Bản, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh quả vải Việt Nam tại thủ đô Tokyo, Osaka và nhiều địa phương của Nhật Bản. 

Câu chuyện quả vải thiều tươi Việt Nam được trao đổi thường xuyên và trở thành chủ đề "câu chuyện làm quà" trước khi trao đổi công việc chính tại các buổi tiếp xúc với các đối tác Nhật. 

Các tin tức liên quan đến quả vải cũng được phổ biến, chia sẻ rộng rãi trên các trang tin tức của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản, hoặc qua các bài trả lời phỏng vấn các tờ báo uy tín của Việt Nam và Nhật Bản. 

"Bản thân tôi, mùa vải năm ngoái cũng đã mua một số lượng vải tại thị trường để làm quà cho các đối tác cấp cao quan trọng trong Chính phủ của Nhật Bản. Tuy nhiên do là năm đầu tiên nên số lượng vải thiều nhập khẩu vào Nhật Bản không lớn, rất nhiều người Việt cũng như người Nhật tiếc nuối khi chưa được thưởng thức quả vải trong mùa vụ năm ngoái" - ông Nam chia sẻ. 

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản: Nhiều người Nhật tiếc hùi hụi vì chưa được ăn vải thiều - Ảnh 5.

Ban tổ chức công bố Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản. Ảnh: B.B.G

Dự kiến trong năm nay, sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản, quả vải thiều Việt Nam đã trải qua hơn 5 năm đàm phán, nỗ lực đáp ứng các quy định khắt khe mới để vào được Nhật Bản. Vải thiều Việt Nam đã được định vị là loại quả có giá trị cao. Vào được đã khó, nhưng giữ được thị trường còn khó hơn. 

Vì vậy để duy trì thương hiệu quả vải Việt Nam tại Nhật thì điều quan trọng là duy trì chất lượng quả vải sạch, đảm bảo giá thu mua, giá bán và giá xuất khẩu ổn định (đảm bảo sự ổn định của thị trường và cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà nhập khẩu).

Cùng với đó, cần đẩy mạnh hơn nữa khâu quảng bá hình ảnh sản phẩm quả vải Việt Nam tại thị trường Nhật. 

Ông Nam cho biết, Đại sứ quán sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới. Các đầu mối phía Việt Nam có thể cân nhắc phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán tổ chức các sự kiện ăn thử vải tại các siêu thị, để giới thiệu trực tiếp quả vải đến người tiêu dùng Nhật Bản.

Cuối cùng, bên cạnh quả vải tươi thì các nhà sản xuất, xuất khẩu vải cũng nên đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ vải (vải khô, nước ép vải, kem vải…) để tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và góp phần gia tăng giá trị, hình ảnh quả vải Việt Nam tại Nhật Bản.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Trong đó vải chín sớm khoảng 6.050ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem