Cũng là quả bưởi, cây mía, chỉ sản xuất theo cách mới mà nông dân Hòa Bình bán sang tận Âu, Mỹ

Minh Huệ Thứ sáu, ngày 12/01/2024 18:31 PM (GMT+7)
Liên tiếp trong khoảng 2 năm gần đây, các sản phẩm nông sản nổi tiếng của đất Mường (Hòa Bình) như bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, mía tươi, tinh bột nghệ… được xuất khẩu sang nước ngoài.
Bình luận 0

Điều này không chỉ đem lại giá trị kinh tế cho người dân và doanh nghiệp, mà còn mở ra nhiều cơ hội đưa nông sản tỉnh Hòa Bình đến nhiều thị trường lớn.

Mía ngọt đất Mường "bay" sang trời Tây

Vẫn là con gà ri bản địa, cá sông Đà, cây bưởi Diễn hay những cây mía quen thuộc từ bao năm nay, song khi các doanh nghiệp, HTX, người dân bắt tay sản xuất theo quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm, hữu cơ, giá trị nông sản của tỉnh Hòa Bình ngày càng được nâng cao, thị trường tiêu thụ mở rộng.

Mới đây nhất, ngày 5/12/2023, Sở NNPTNT Hòa Bình phối hợp UBND huyện Lương Sơn, Công ty cổ phần RYB tổ chức lễ xuất hàng chuyến container bưởi Diễn Hòa Bình đầu tiên sang thị trường Mỹ. Lô hàng có số lượng trên 16 tấn, do thành viên 2 HTX và 1 tổ hợp tác tham gia sản xuất (HTX nông nghiệp Mỹ Tân, HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Thành, xã Cao Dương; tổ hợp tác trồng cây có múi Thanh Hà, xã Thanh Sơn), được thu mua, sơ chế bởi Công ty cổ phần RYB. Trước đó, quả bưởi đã được lấy mẫu kiểm định và đều đạt yêu cầu kỹ thuật với 900 chỉ tiêu kiểm định về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu…

Cũng là quả bưởi, cây mía, chỉ sản xuất theo cách mới mà nông dân Hòa Bình bán sang tận Âu, Mỹ- Ảnh 1.

Sơ chế mía tươi để xuất khẩu tại Công ty Đầu tư thương mại Tiến Ngân (Hòa Bình). Ảnh: T.N

Năm 2023, tỉnh Hòa Bình đã triển khai cấp 44 mã số vùng trồng, 1 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường New Zealand, tăng 130% so với kế hoạch, nâng lên con số 71 mã số vùng trồng với diện tích 600ha và 5 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu để xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Trung Quốc, New Zealand.

Ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2022, doanh nghiệp mới xuất khẩu được 1 container bưởi đỏ Tân Lạc để chào hàng sang thị trường Anh, thì năm nay đã có hợp đồng đến từ một số nước EU, đặc biệt có 3 đơn hàng đến từ thị trường Mỹ. Sự mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nhanh sản lượng xuất khẩu là minh chứng rõ nét cho nỗ lực, cố gắng của bà con nông dân, của các HTX trồng bưởi, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn của tỉnh; bên cạnh đó là sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NNPTNT…

Đến nay, Hòa Bình có 3 huyện trồng bưởi tập trung để phục vụ các thị trường xuất khẩu và địa phương đang đặt kỳ vọng bưởi sẽ trở thành loại trái cây mang lại nguồn thu lớn cho nông dân thời gian tới. 

"Cùng với các doanh nghiệp, chúng tôi đang tập trung hỗ trợ các nhà vườn xây dựng mã số vùng trồng, tư vấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng các điều kiện xuất khẩu" - ông Nguyễn Văn Nhuận - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình cho biết.

Chỉ tính riêng tại huyện Tân Lạc, đến nay đã có 240ha bưởi đỏ được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, trong đó có 140ha trồng tập trung đã được cấp 6 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường EU. Các vùng trồng được giám sát nghiêm ngặt về dịch bệnh và kỹ thuật canh tác.

Cũng là quả bưởi, cây mía, chỉ sản xuất theo cách mới mà nông dân Hòa Bình bán sang tận Âu, Mỹ- Ảnh 2.

Đóng hộp mía tươi để xuất khẩu tại Công ty Đầu tư thương mại Tiến Ngân (Hòa Bình). Ảnh: T.N

Trao đổi với phóng viên, ông Nhuận cho biết, đến hết năm 2023, diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh đạt 10,24 nghìn ha, trong đó diện tích kinh doanh đạt 9,17 nghìn ha; sản lượng niên vụ 2022-2023 ước đạt 21 vạn tấn, giá trị thu nhập bình quân ước đạt 330-350 triệu đồng/ha/năm. 

Tại các vùng trồng cam, bưởi tập trung, người dân tích cực đầu tư thâm canh, thực hiện hàng loạt các giải pháp kỹ thuật nhằm cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm phục vụ việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của đề án tái canh cây ăn quả có múi.

Tiềm năng rộng mở

Ngoài sản phẩm bưởi, tỉnh Hòa Bình còn có nhiều nông sản đặc sản, chủ lực có tiềm năng xuất khẩu như: Cam, chuối, chè, các loại củ quả muối, măng, mía tím và mía trắng...

Ông Nguyễn Văn Nhuận cho biết thêm, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất trồng trọt có giá trị kinh tế cao, tiêu biểu như chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu mía ăn tươi cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha; chuỗi liên kết xây dựng vùng nguyên liệu trồng ớt, chanh leo tại các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy, quy mô 20-50ha; liên kết sản xuất các loại rau họ bầu bí (bí xanh, dưa chuột, rau lấy quả khác) tại các huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn cho thu nhập bình quân 150 triệu đồng/ha/năm; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu bưởi đỏ ở Tân Lạc, bưởi diễn ở Yên Thủy... thu nhập trên 350 triệu đồng/ha.

Trong năm 2023, tỉnh Hòa Bình có 14 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác đã có sản phẩm nông sản, lâm sản được xuất khẩu với tổng doanh thu đạt 978,45 tỷ đồng. Các sản phẩm nông sản đã qua chế biến thường được xuất khẩu trực tiếp, chiếm 70-90% tổng sản lượng xuất khẩu (như cháo sen bát bảo Minh Trung; măng các loại)...

Anh Bùi Thanh Long - Phó Giám đốc HTX Tùng Dương (huyện Tân Lạc) cho biết, có doanh nghiệp đặt mua mía của HTX cả năm, nhưng cây mía trắng mà bà con đang trồng vẫn là giống cũ, sau nhiều năm mía đã thoái hóa nên chất lượng và sản lượng không tăng lên. 

"Cây mía tím đã làm được cây phôi, chỉ có giống mía trắng chưa làm được cây phôi nên bà con vẫn sản xuất giống theo phương pháp truyền thống là dâm cành. Trong khi đó, sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi chất lượng, hình thức đồng đều, do đó rất mong chính quyền hỗ trợ về giống mía chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm mía xuất khẩu" - anh Long cho biết.

Ông Nguyễn Lê Điệp – Giám đốc Công ty Đầu tư thương mại Tiến Ngân – đơn vị đầu tiên xuất khẩu thành công lô mía tươi sang Mỹ, kể thêm: Sau chuyến khảo sát tận ruộng của đối tác Mỹ, từ đó đến nay họ mua liên tục. Cả năm 2023, đơn vị xuất khẩu gần 500 tấn mía tươi sang thị trường nước ngoài và ước tính, năm 2024 sẽ xuất khẩu từ 800 - 1.000 tấn mía. "Theo tôi tìm hiểu, thị trường có nhu cầu tiêu thụ mía rất lớn, vì vậy chúng tôi mong muốn được UBND huyện Lạc Sơn hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kho bãi sơ chế, đóng gói, cấp mã số vùng trồng xuất khẩu…" - ông Điệp nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem