Cổ phiếu "con cưng" Bộ Xây dựng trước thềm thoái vốn: Thị giá bằng nửa "cốc trà đá"

Quang Dân Thứ ba, ngày 01/12/2020 07:45 AM (GMT+7)
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SHG được xếp vào danh mục “cổ phiếu trà đá”, thị giá chỉ ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá khởi điểm mà Bộ Xây dựng đưa ra trong đợt thoái vốn này gấp 5 lần thị giá.
Bình luận 0

Giá khởi điểm gấp 5 lần thị giá 

Theo danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 ban hành theo Quyết định 908/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Tổng công ty Sông Hồng  (mã chứng khoán SHG - UPCoM) là 1 trong 4 doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thoái vốn (Bộ Xây dựng) trước ngày 30/11/2020 bên cạnh Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP, Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP và Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO).

Theo đó, Bộ Xây dựng sắp bán đấu giá hơn 13,2 triệu cổ phần đang sở hữu tại “con cưng” Sông Hồng tương đương 49% vốn điều lệ. Giá khởi điểm bằng với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng tối thiểu Bộ Xây dựng sẽ thu về nếu thoái vốn thành công là hơn 132 tỷ đồng. Buổi đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 25/12 tới đây tại HNX.

Cổ phiếu "con cưng" Bộ Xây dựng trước thềm thoái vốn: Thị giá bằng nửa "cốc trà đá" - Ảnh 1.

Tình hình kinh doanh của Sông Hồng kể từ khi cổ phần hóa đến nay rất tiêu cực, liên tục báo lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Đáng nói, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SHG được xếp vào danh mục “cổ phiếu trà đá”, thị giá chỉ ở mức 2.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá khởi điểm mà Bộ Xây dựng đưa ra trong đợt thoái vốn này gấp 5 lần thị giá.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, Tổng công ty Sông Hồng ra đời cách đây 60 năm, tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì, trực thuộc Bộ Xây dựng.

Doanh nghiệp này đã xây dựng một loạt các công trình lớn như nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá), sân bay Nội Bài (Hà Nội)...các khu chung cư ở Hà Nội như Kim Liên, Giảng Võ...

Cổ phiếu SHG được niêm yết trên sàn UPCoM từ năm 2015. Tuy nhiên, đến nay thị giá giảm còn 1/5 so với mệnh giá, giao dịch trong vùng 2.000 đồng/cổ phiếu, đồng thời bị mất thanh khoản do nằm trong diện hạn chế giao dịch vì lỗi chậm công bố công tin.

Kinh doanh bết bát

Đà đi xuống của cổ phiếu bởi kết quả kinh doanh khá bết bát, liên tục thua lỗ từ 2015 đến nay. Thực tế, trong vòng 10 năm trở lại, hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty Sông Hồng liên tục đi xuống.

Nếu như năm 2012, doanh thu đạt 1.484 tỷ đồng, năm 2013 giảm xuống còn 1.336 tỷ đồng, thì tới năm 2019 rớt xuống còn vỏn vẹn hơn 63,1 tỷ đồng.

Tỷ lệ thuận với sự lao dốc của doanh thu là sự đi xuống của lợi nhuận. Năm 2013, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty bắt đầu âm 3 tỷ đồng, mức lỗ tăng dần qua các năm và đến năm 2019, số lỗ lũy kế lên tới hơn 666 tỷ đồng.

Bước sang năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19, cùng với việc không có khả năng thanh toán khoản nợ, bị ngân hàng xếp vào tín dụng xấu, nên doanh nghiệp không đủ điều kiện về năng lực để tham gia các gói thầu nhằm tạo thêm nguồn tài chính.

Do vậy, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty sông Hồng tiếp tục bết bát khi nửa đầu năm tổng công ty mới ghi nhận 24,4 tỷ đồng doanh thu, giảm 40% so với cùng kỳ 2019. Vốn chủ sở hữu tính tại ngày 30/6/2020 đã âm gần 700 tỷ đồng, do khoản lỗ lũy kế trên 1.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu "con cưng" Bộ Xây dựng trước thềm thoái vốn: Thị giá bằng nửa "cốc trà đá" - Ảnh 3.

SHG lỗ liên tiếp từ 2016 đến nay, lỗ lũy kế đã vượt 1.000 tỷ đồng.

Kiểm toán cho biết, do nợ xấu tín dụng nên tổng công ty không đủ điều kiện năng lực để tham gia các gói thầu. Doanh thu và sản lượng chủ yếu của các công trình chuyển tiếp dở dang từ các năm trước chuyển sang có hiệu quả thấp, lãi vay lớn. Công ty mẹ và tổ hợp các công ty thành viên mất khả năng thanh toán nghiêm trọng do nợ phải trả tiếp tục tăng từ phát sinh lãi vay phải trả cho công trình Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, nợ phải trả cho nghĩa vụ bảo lãnh các công ty con.

Do đó, kiểm toán "nghi ngờ đáng kể" về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Tuy nhiên, ban tổng giám đốc công ty cho biết tổng công ty sông Hồng sẽ tiếp tục hoạt động trong ít nhất 12 tháng bằng việc thu hồi các khoản công nợ, kinh doanh cho thuê mặt bằng và hỗ trợ nguồn vốn từ các cổ đông.

Trước đó, tháng 9/2019, Tổng công ty Sông Hồng đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin bán vốn ngay trong năm 2019 vì doanh nghiệp đã âm vốn điều lệ đến 600 tỷ đồng.

Tổng công ty Sông Hồng khẳng định nếu tình trạng kinh doanh bết bát kéo dài trong một thời gian ngắn nữa thì buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ vốn nhà nước.

Để “vớt vát” phần vốn nhà nước còn sót lại, thời gian qua, tổ đại diện phần vốn nhà nước tại tổng công ty đã hoàn thành và trình Bộ Xây dựng phê duyệt hồ sơ thoái vốn doanh nghiệp để thực hiện đấu giá phần vốn nhà nước.

Trước tình hình thực tế khó khăn, Bộ Xây dựng đã có báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận đưa Tổng công ty Sông Hồng vào danh mục thoái vốn nhà nước hết năm 2020.

Tính đến ngày 30/6/2020, vốn điều lệ của Tổng công ty là 270 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước do Bộ Xây dựng đại diện sở hữu chiếm 49,04%, ngoài ra là các cổ đông lớn khác như ông Phan Việt Anh (sở hữu 14,9%), bà Phạm Thị Phương Thúy (sở hữu 11,06%) và ông Lã Tuấn Hưng (sở hữu 9,25%).






Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem