Chuyên gia giáo dục phản ứng thế nào sau vụ nam sinh lớp 9 cầm dao đâm bạn tử vong?

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 03/04/2021 06:52 AM (GMT+7)
Các chuyên gia giáo dục cho rằng hành vi bạo lực học đường, đỉnh điểm như nam sinh lớp 9 cầm dao sát hại bạn là hành động không thể chấp nhận được.
Bình luận 0

Đây là bạo lực học đường không thể chấp nhận được

Gần hai ngày qua, vụ việc nam sinh lớp 9 trường THCS Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cầm dao đâm học sinh lớp 8 ngay tại sân trường tử vong khiến dư luận bàng hoàng đau xót. 

Chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, trong lúc không kiềm chế được sự nóng giận, nam sinh lớp 9 đã dùng dao đâm gục học sinh khóa dưới. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong.

Chuyên gia giáo dục gay gắt phản ứng nam sinh lớp 9 cầm dao đâm bạn tử vong tại sân trường - Ảnh 1.

Nhiều học sinh trường THCS Hồng Hà sợ hãi sau sự việc nam sinh lớp 9 cầm dao sát hại bạn.

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay đây là vụ việc rất đáng tiếc. Người đau lòng nhất chính là cha mẹ của các em. Ông cũng gay gắt phản đối việc học sinh có hành vi cầm giao giết bạn. 

"Rõ ràng đây là bạo lực học đường không ai có thể chấp nhận được, một điều rất đáng tiếc. Bản thân thầy cô giáo, nhà trường cũng đau đớn vô cùng, không ai muốn trong sự nghiệp trồng người lại xảy ra sự việc đau lòng như vậy", PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

Chuyên gia giáo dục gay gắt phản ứng nam sinh lớp 9 cầm dao đâm bạn tử vong tại sân trường - Ảnh 2.

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, đây là vụ việc rất đáng tiếc. Người đau lòng nhất chính là cha mẹ của các em.

Theo ông Nhĩ, để sự việc đau lòng xảy ra, phía nhà trường hay giáo viên, gia đình không tìm hiểu sâu sắc nguyên nhân từ đâu mà ra. Câu hỏi đặt ra sao học sinh lại có thể nông nổi tự ý mang dao trong người để rồi gây ra vụ việc vô cùng thương tâm?

"Lứa tuổi học sinh cuối cấp 2, các em vẫn rất trẻ con chưa xác định hành vi. Lứa tuổi này nếu người thân, nhà trường lơ là, không quan tâm sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý. Nhiều khi chính những clip bạo lực trên mạng xã hội góp phần tiêm nhiễm vào đầu các em khiến các em mắc những sai lầm đáng tiếc", ông Nhĩ chia sẻ.

Nhà trường cần làm gì sau vụ việc nam sinh cầm dao đâm chết bạn

Cùng quan điểm với PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhấn mạnh, từ vụ việc đáng tiếc trên cho thấy các nhà trường không làm quyết liệt thì bạo lực học đường sẽ còn tiếp diễn.

"Học sinh trung học phổ thông có nhiều biến động cả tâm sinh lý, cơ thể bắt đầu dậy thì, có nhiều yêu cầu, cảm xúc chưa chín chắn. Chính vì vậy nhà trường giáo dục không sâu sát học sinh sẽ dễ tiếp diễn sai lầm.

Chuyên gia giáo dục gay gắt phản ứng nam sinh lớp 9 cầm dao đâm bạn tử vong tại sân trường - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội.

Bộ GD&ĐT trước đó cũng yêu cầu cần có phòng tham vấn học đường trong nhà trường. Tuy nhiên, nhiều trường chưa có điều kiện làm việc đó. Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất lớn. Họ là người tác động, hỗ trợ học sinh rất nhiều", TS. Nguyễn Tùng Lâm thông tin.

Ông Lâm nhấn mạnh 3 việc quan trọng trong giáo dục học sinh. Thứ nhất, giáo viên chủ nhiệm phải sâu sát với học sinh, hiểu biết về học sinh của mình, hoàn cảnh của từng gia đình học trò,… 

Chuyên gia giáo dục gay gắt phản ứng nam sinh lớp 9 cầm dao đâm bạn tử vong tại sân trường - Ảnh 4.

Người thân nam sinh bị sát hại đau lòng sau sự việc xảy ra.

Thứ 2, theo ông Lâm, việc giáo dục của nhiều nhà trường của hiện nay vẫn đại trà, không đi vào tâm tư tình cảm, dạy kỹ năng sống cho học sinh chưa đủ. Thứ 3, nhà trường giáo dục cần xử lý những trường hợp học sinh vi phạm về mặt nhân cách, vi phạm thân thể của bạn, giáo viên...

"Học sinh phải có 5 phong cách cụ thể như tự học sáng tạo, tự chủ, tự tin, tự trọng và cuối cùng tự chịu tráchn nhiệm với hành vi của mình. Thầy cô luôn căn dặn học sinh biết trân trọng giá trị yêu thương, tôn trọng, khoan dung… những điều đó sẽ hoá giải những khúc mắc dễ dàng hơn. 

Các nhà trường phải tạo ra những tình huống để học sinh tự chia sẻ với nhau. Từ đó các em lường trước được nếu việc này sẽ giải quyết thế nào, không vi phạm pháp luật, không gây ra tổn thất tính mạng của bạn…", Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội chia sẻ.

Ông Lâm cho biết, sau sự việc đau lòng vừa xảy ra, nam sinh gây án giết bạn sẽ phải nhận bản án thích đáng về hành vi vi phạm pháp luật của mình. Tuy nhiên, học sinh này phải được tập thể phân tích, không kỳ thị, phải có thời gian để suy ngẫm về hành vi của mình. Hành vi chết người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

"Qua sự việc này nhà trường hết sức chú ý đến học sinh, giáo dục các em. Chính cha mẹ cũng cần góp phần giáo dục con cái đừng để con không gây ra việc tai hại", PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ chia sẻ thêm.

Theo báo cáo hỏa tốc của UBND huyện Đan Phượng, khoảng 8 giờ 50 ngày 1/4, trong giờ ra chơi sau tiết học thứ 2, N.Q.K (15 tuổi, trú xã Hồng Hà, H.Đan Phượng) là học sinh lớp 9C Trường THCS Hồng Hà đã dùng dao bầu đâm vào bụng em H.V.H.D (14 tuổi, trú xã Hồng Hà; là học sinh lớp 8A Trường THCS Hồng Hà), khiến D. gục tại chỗ.

Em D. được đưa đến Trạm y tế xã Hồng Hà sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng cấp cứu nhưng đã tử vong lúc 10 giờ ngày 1/4 tại bệnh viện huyện.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND huyện Đan Phượng đã chỉ đạo khẩn Công an huyện Đan Phượng phối hợp với các bên liên quan điều tra làm rõ nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tương tự.

Trong ngày 1/4, Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng cũng có văn bản chỉ đạo các trường học trên địa bàn đẩy mạnhcông tác an ninh, an toàn trường học.

Cụ thể, Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng yêu cầu các trường học trên địa bàn tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học, các giải pháp an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường; triển khai có hiệu quả các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động ngoài giờ, ngoại khóa.

Ngoài ra, lãnh đạo các trường cần phối hợp với công an địa phương và phụ huynh để đảm bảo tốt nhất công tác an ninh, an toàn trường học. Các giáo viên cần nắm bắt tâm lý của học sinh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Chủ tịch TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan thanh tra, xử lý dứt điểm vụ việc này, làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan trong vụ việc này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem