Cà Mau: Giá cá sặc rằn rẻ chưa từng thấy lại gặp "cái nạn" này, nông dân chịu “1 cổ 2 tròng”

Chúc Ly Thứ tư, ngày 03/03/2021 06:07 AM (GMT+7)
Tại tỉnh Cà Mau, giá cá sặc rằn (cá bổi) rẻ chưa từng thấy, thấp kỷ lục, trong khi đó thương hiệu “khô cá bổi U Minh” đang bị làm giả, khiến nhiều nông dân phải lao đao. Tình cảnh khốn khổ của nông dân nuôi cá bổi ở Cà Mau ví như "1 cổ 2 tròng".
Bình luận 0

Giá cá bổi rẻ chưa từng thấy

Nghề nuôi cá sặc rằn (cá bổi) từng đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân ở tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, những năm gần đây giá cá bổi khá bấp bênh. Hiện nay giá cá sặc rằn thấp kỷ lục, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều nông dân.

Cà Mau: Giá cá bổi thấp kỷ lục lại bị giả thương hiệu, nông dân chịu “một cổ hai tròng” - Ảnh 1.

Nghề nuôi cá sặc rằn (cá bổi) từng đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân ở tỉnh Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly.

Theo thống kế của ngành nông nghiệp tỉnh, đỉnh điểm vào năm 2017, toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 300ha nuôi cá sặc rằn thâm canh (riêng huyện Trần Văn Thời có 217ha), với năng suất đạt bình quân từ 15 - 20 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 5.000 - 6.000 tấn.

Bên cạnh đó, thời điểm này thị trường tiêu thụ cá bổi ổn định, sản phẩm cá bổi khi thu hoạch không gặp trở ngại. Tuy nhiên, sau năm 2017 do nhiều nguyên nhân tác động làm cho nghề nuôi cá bổi thâm canh gặp khó khăn, diện tích nuôi giảm dần.

Đến cuối năm 2020 toàn tỉnh Cà Mau còn khoảng 120ha nuôi cá bổi, tập trung chủ yếu tại huyện Trần Văn Thời (110ha) và U Minh.

Sản lượng cá bổi năm 2020 ước lượng khoảng 2.600 tấn. Vào thời điểm khoảng giữa tháng 1/2021, sản lượng tiêu thụ khoảng 600 tấn cá bổi, sản lượng còn lại trong ao nuôi của các hộ nuôi khoảng 2.000 tấn, chủ yếu tập trung tại huyện Trần Văn Thời.

Thời điểm này, người nuôi cá sặc rằn gặp rất nhiều khó khăn do giá cá sặc rằn thương phẩm loại 8 con/kg vào cuối tháng 12/2020 bắt đầu giảm sâu, chỉ còn khoảng 28.000 - 30.000 đồng/kg, giảm hơn so với cùng kỳ năm 2019 khoảng 20.000 – 26.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí sản xuất 1kg cá bổi cả loại 8 con/kg khoảng 42.000 - 45.000 đ/kg.

Cà Mau: Giá cá bổi thấp kỷ lục lại bị giả thương hiệu, nông dân chịu “một cổ hai tròng” - Ảnh 2.

Cà Mau: Giá cá bổi thấp kỷ lục lại bị giả thương hiệu, nông dân chịu “một cổ hai tròng” - Ảnh 3.

Gia đình ông Hà (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thu hoạch cá bổi và bán với giá rẻ chưa từng thấy, thấp kỷ lục.

Ông Nguyễn Hữu Khải - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Hợi, thông tin: Toàn xã có khoảng 87ha nuôi cá bổi của hơn 100 hộ dân. Từ trước Tết, giá cá bổi tại địa phương đã sụt giảm mạnh. Nếu như ở năm trước, loại cá 8 con/kg có giá hơn 45.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn khoảng 28.000-30.000 đồng/kg.

"Với giá này, đa số nông dân chỉ huề vốn và lỗ. Hiện tại xã còn khoảng 30% diện tích cá bổi chưa thể bán được", ông Khải thông tin thêm.

Vừa mới thu hoạch 2 ao cá bổi, ông Lê Văn Xệ (ngụ ấp 1, xã Trần Hợi), chia sẻ: "Gia đình tôi mới thu về 10 tấn cá, với giá 24.000 đồng/kg và 27.000 đồng/kg (loại cá 8 con/kg); trong khi năm rồi tôi bán với giá 45.000 đồng/kg. Sau gần 8 năm theo nghề, đây là lần đầu tiên tôi thấy giá cá bổi giảm kỷ lục như vậy. Với giá hiện tại thì nhiều hộ nuôi lỗ vốn".

Trong khi đó, ông Lê Mạnh Hà – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (ấp 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), cho biết: "Gia đình tôi may mắn bán được cá bổi trước Tết với giá 28.000 đồng/kg, loại 8 con/kg. Với giá này, gia đình tôi thu về gần 160 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thì lỗ khoảng 20 triệu đồng. Cũng vì tình hình cá bổi bấp bênh nên một số hộ trong hợp tác xã đã bỏ nghề. Hiện hợp tác xã cũng đành phải tạm dừng hoạt động".

Cũng theo ông Hà, hiện nhiều hộ vẫn chưa bán được cá bổi do không có thương lái mua hoặc mua rất ít. Với giá thức ăn như hiện tại, thì nông dân chỉ có lãi khi giá cá bổi loại 8 con từ khoảng 35.000 đồng/kg.

Thống kế từ Phòng NNPTNT huyện Trần Văn Thời, trước Tết huyện có khoảng 93,7ha cá bổi với 351 hộ nuôi, sản lượng ước đạt hơn 1.500 tấn. Hiện nay còn khoảng 26ha cá bổi chưa thu hoạch. Giá cá loại 8 con/kg từ trước Tết đến nay giữ mức khoảng 27.000 đồng/kg.

"Đây là thời điểm nông dân bắt buộc phải thu hoạch hết cá trong ao, vì sắp bước qua vụ mới. Cá bổi để càng lâu thì càng tốn nhiều chi phí thức ăn trong khi đến lứa mang trứng thì cá không lớn thêm", ông Duy Quốc Tuấn – Trưởng NNPTNT huyện Trần Văn Thời cho biết.

Thương hiệu "khô cá bổi U Minh" bị làm giả

Theo thống kê từ ngành chức năng, toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 55 cơ sở thu mua và chế biến cá khô bổi, tập trung hầu hết ở hai huyện Trần Văn Thời và U Minh. Riêng huyện Trần Văn Thời có 42 cơ sở, trong đó có 3 cơ sở đăng ký thương hiệu "khô cá bổi U Minh".

Nhận định từ Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2020, hầu hết các cơ sở thu mua chế biến cá bổi làm khô hoạt động cầm chừng. Do dịch bệnh Covid-19 dẫn đến sản lượng tiêu thụ giảm mạnh so với năm 2018, 2019.

Bên cạnh đó, nhiều nông dân tại địa phương cũng cho biết, hiện các cơ sở thu mua cá bổi trong tỉnh khá ít, số lượng còn lại được thu mua từ các tỉnh ngoài. Nguyên nhân do giá cá ngoài tỉnh rẻ hơn cá trong tỉnh từ 2.000 – 3.000 đồng/kg (cá bổi ở các tỉnh ngoài có đặc điểm nuôi lớn nhanh, thịt dày, lượng mỡ nhiều), các thương lái ngoài tỉnh cung cấp hàng nhanh chóng và giao hàng tận cơ sở.

Cà Mau: Giá cá bổi thấp kỷ lục lại bị giả thương hiệu, nông dân chịu “một cổ hai tròng” - Ảnh 4.

Ngoài chịu cảnh giá cá bổi thấp kỷ lục, nông dân nuôi cá sặc rằn huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) còn bị ảnh hưởng khi thương hiệu "khô cá bổi U Minh" bị làm giả. Ảnh: Chúc Ly.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, sản phẩm chế biến từ cá bổi hiện chủ yếu làm thủ công, cá sau khi làm sạch, phơi khô, sấy, đóng gói đem tiêu thụ, thị trường chính là nội tỉnh và một số tỉnh khu vực ĐBSCL.

Ngoài ra, theo Sở NNPTNT tỉnh, thương hiệu "khô cá bổi U Minh", thời gian qua bị nhiều cơ sở thu mua, chế biến cá khô lợi dụng, gian lận thương hiệu bằng cách mua cá bổi nguyên liệu từ các tỉnh với giá rẻ về làm khô, sau đó lấy thương hiệu "khô cá bổi U Minh" mang đi tiêu thụ các nơi.

Do cá bổi nguyên liệu các tỉnh có đặc điểm nuôi lớn nhanh, thịt dày, lượng mỡ nhiều nên các cơ sở phải chế biến cá khô có độ mặn cao để bảo quản được lâu. Điều này làm cho chất lượng cá khô bị quá mặn và không còn độ béo, khi bán cho người tiêu dùng, giả thương hiệu "khô cá bổi U Minh". Từ đó làm ảnh hưởng tới thương hiệu của địa phương và khả năng tiêu thụ sản phẩm của các hộ nuôi trong tỉnh Cà Mau.

Ngoài ra, năm 2020, thời tiết diễn biến gay gắt, bất thường nên ảnh hưởng đến việc nuôi cá bổi của các hộ dân. Các hộ nuôi phải đầu tư nhiều chi phí chăm sóc, điều trị bệnh cũng như kéo dài thời gian nuôi.

Hiện sản phẩm cá bổi sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh Cà Mau chỉ duy nhất có một mặt hàng là làm khô nguyên con. Trong khi đó hoạt động xây dựng liên kết chuỗi thời gian qua đã và đang được các ngành, các cấp chỉ đạo, từng bước hỗ trợ cho người nuôi, nhưng chưa đạt được như kỳ vọng.

Để giúp nông dân tiêu thụ được sản lượng cá bổi, Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cũng cho rằng cần nhanh chóng thành lập "Tổ hỗ trợ nông dân tiêu thụ cá bổi". Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai kế hoạch tiêu thụ sản phẩm cá bổi một cách cụ thể.

Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cũng đề nghị huyện Trần Văn Thời thành lập đoàn kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể "khô cá bổi U Minh" của các cơ sở thu mua, chế biến và thương mại sản phẩm có gắn nhãn hiệu tập thể trên địa bàn. Từ đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp có tính chất xâm hại nhãn hiệu tập thể "khô cá bổi U Minh".

Về lâu dài, ngành chức năng phối hợp với các huyện cần quy hoạch lại diện tích nuôi cá bổi thâm canh phù hợp với điều kiện tại địa phương và khả năng cung cầu trong giai đoạn sắp tới.



 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem