Bình Thuận: Đưa giống nho ngoại về trồng xứ thanh long, trái ngọt mà còn sai lúc lỉu

Nguyễn Vy Thứ bảy, ngày 23/10/2021 05:28 AM (GMT+7)
Tỉnh Bình Thuận không có nhiều lợi thế về thời tiết, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp. Nỗ lực vượt khó bằng công nghệ cao không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn phá dần thế độc canh cây thanh long trên mảnh đất khô cằn này.
Bình luận 0

Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Bình An ở xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) là 1 trong những đơn vị tiên phong nhập khẩu giống và xây dựng thành công quy trình trồng nho hữu cơ ở trong nước.

Đưa giống nho ngoại về xứ thanh long Bình Thuận

Bà Phạm Thị Tuyết Mai - Giám đốc Công ty Bình An kể, nho là sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận. Thế nhưng, khi bà đi khảo sát thì hầu hết các giống nho Ninh Thuận đang trồng đã không được cải tiến từ nhiều năm nay. 

Đó là lý do bà Mai nhập khẩu những giống nho ngoại có hương vị thơm ngon, năng suất tốt về nước. Sau hơn 4 năm ròng rã thử nghiệm, những vườn trái nho nhập ngoại đầu tiên đã cho trái ngọt.

Cây nho ở trang trại của Công ty Bình An được chăm chút bằng công nghệ hiện đại trong nhà màng. Bức xạ ánh sáng, lượng nước tưới, độ ẩm đất và không khí... đều được các thiết bị chuyên dụng điều chỉnh. Cây nho cũng được dùng sữa và trứng gà lên men để bổ sung dinh dưỡng. Hiện trang trại đã thu hoạch lứa trái thứ 3, năng suất đạt 80% so với trồng ở nước bản địa.

Công nghệ cao phá thế độc canh cây thanh long - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Tuyết Mai (trái) giới thiệu với khách hàng các giống nho nhập ngoại. Ảnh: Bình An

"Cây thanh long hiện đang bão hòa, không còn là cây xóa đói giảm nghèo nữa. Các sở, ngành cần tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp nông dân đổi mới tư duy sản xuất".

Ông Dương Văn An -

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Với tổng diện tích hơn 100ha được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, Công ty Bình An đang canh tác hơn 60ha thanh long đạt chuẩn Global GAP, 4ha nho hữu cơ đạt chuẩn châu Âu và Mỹ, 5ha dưa lưới nhà màng.

Hiệu quả từ đa dạng cơ cấu cây trồng

Bà Mai kể, cách đây 8 năm, giá thanh long ruột đỏ bán xô tại vườn từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. "Đây là mức giá quá tốt cho bài toán kinh tế doanh nghiệp" - bà Mai nói. Từ 10ha thử nghiệm, năm 2012, sau 2 năm, bà Mai đầu tư trồng thanh long trên diện tích 50ha.

Thanh long ở trang trại Bình An làm theo quy trình GlobalGAP, chưa bao giờ gặp ảnh ế thừa. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở đi, thị trường Trung Quốc có nhiều biến động. Giá trị của trái thanh long không còn cao. Bà Mai cũng quyết định không thể chỉ trồng cây thanh long. 

Nhờ can đảm tiên phong, giờ đây, vườn nho ngoại nhập của công ty đang cho thu hoạch 2 vụ mỗi năm; tăng 1 vụ và tăng năng suất gấp 6-7 lần so với cách thức sản xuất truyền thống.

Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, trong vòng 5 năm qua, đã có nhiều nhà đầu tư tìm đến Bình Thuận để triển khai các dự án nông nghiệp. Tuy chỉ mới đạt được kết quả bước đầu nhưng nhờ ứng dụng công nghệ, bên cạnh cây thanh long truyền thống còn có nhiều loại cây mang lại lợi nhuận cao đang được đầu tư phát triển.

Ông Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua, lần đầu tiên ngành nông nghiệp được xác định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Ứng dụng công nghệ cao gắn liền với tạo chuỗi giá trị cũng được đề cập cụ thể trong Nghị quyết 05, có hiệu lực vào tháng 9/2021 để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, có giá trị kinh tế cao. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem