Bí thư Hà Nội: Cải tạo chung cư cũ đã rất cấp thiết, cán bộ phải "đứng dậy" có trách nhiệm với người dân

Sông Bùi - Bách Thuận Thứ tư, ngày 17/04/2024 06:13 AM (GMT+7)
"Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại, còn nếu cứ chung chung hời hợt, vô cảm thì 5 hay 15 năm sau nó vẫn thế thôi, không làm được".
Bình luận 0

Đó là thông điệp chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại cuộc làm việc cùng đoàn công tác của TP.Hà Nội đi kiểm tra thực tế tình hình triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố, ngày 16/4.

Theo đó, khi thị sát thực tế nhà A – khu chung cư cũ Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình (đây là nhà chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm cấp độ D, hàng chục hộ thuộc đơn nguyên 1 đã được di dời tới nơi tạm cư để bảo đảm an toàn), ông Dũng đã chủ trì cuộc làm việc với các sở, ngành và quận Ba Đình để đôn đốc tiến độ thực hiện đề án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn toàn TP (được phê duyệt vào tháng 12/2021).

Bí thư Hà Nội: Cải tạo chung cư cũ đã rất cấp thiết, cán bộ phải "đứng dậy" có trách nhiệm với người dân- Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nghe báo cáo và có ý kiến về tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô . Ảnh: Viết Thành.

Nhiều vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ

Tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, quá trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội còn rất chậm, không đạt tiến độ đề ra do vướng mắc về quy hoạch. Cụ thể, nhiều vị trí nhà chung cư cũ quy hoạch xác định là khu cây xanh, công viên; chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc thấp 1 - 5 tầng, dân số hiện trạng cao hơn dân số quy hoạch.

"Do bị hạn chế bởi số tầng cao công trình, dân số theo quy hoạch nên rất khó đảm bảo tính hiệu quả đầu tư, không hấp dẫn các nhà đầu tư", ông Phong nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, có một số nội dung thuộc diện chậm như: Chưa phê duyệt quy hoạch 1/500 trong thời hạn hết quý IV-2023; chưa hoàn thành công tác di dời các hộ dân ra khỏi nhà chung cư nguy hiểm; chưa xác định phạm vi, ranh giới dự án và kiểm định nhà, khu chung cư theo nguyên tắc toàn khu...

"Nguyên nhân do một số khó khăn vướng mắc về kiểm định, lập quy hoạch và lập phương án bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng, hạn chế chiều cao công trình", ông Phong nêu thực tế.

Bí thư Hà Nội: Cải tạo chung cư cũ đã rất cấp thiết, cán bộ phải "đứng dậy" có trách nhiệm với người dân- Ảnh 2.

Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn (người đứng) có ý kiến tại buổi làm làm việc của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và đoàn công tác với các cơ quan, đơn vị liên quan về thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Giám đốc Sở Xây dựng cũng thông tin, hiện sở đã có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các quận huyện đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây mới 10 khu chung cư cũ trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, riêng quận Ba Đình và Đống Đa sẽ cải tạo lại 3 khu chung cư cũ gồm Khương Thượng, Trung Tự, Giảng Võ.

Cùng vấn đề trên, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, từ năm 2022, thành phố đã cấp ngân sách cho các quận, huyện để kiểm định, quy hoạch chung cư cũ. Do vậy, tiến độ kiểm định chất lượng chung cư cũ đã được đẩy mạnh.

"Cơ quan chuyên môn của thành phố đang xây dựng tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng chung cư cũ. Nếu làm xong quy hoạch và được sự đồng thuận của nhân dân, dự án sẽ được triển khai ngay", ông Lưu nói.

Chọn quận Ba Đình để tạo đột phá trong việc cải tạo chung cư cũ

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, việc cải tạo chung cư nguy hiểm cấp độ D là rất quan trọng, cấp thiết và đề nghị quận Ba Đình nên tiên phong làm mẫu cho các quận khác trong cải tạo chung cư cũ.

Ông Tuấn cũng đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo sở ngành xây dựng kế hoạch chi tiết tiến độ hoàn thành từng dự án, trong đó ưu tiên xây mới các chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D; tổ chức giao ban hàng tháng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

"Người dân rất quan tâm việc dọn nhà đi thì bao giờ dọn về và chất lượng nhà thế nào. Do vậy, cần thiết chọn năng lực nhà thầu kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng và tiến độ", ông Tuấn nêu rõ quan điểm.

Bí thư Hà Nội: Cải tạo chung cư cũ đã rất cấp thiết, cán bộ phải "đứng dậy" có trách nhiệm với người dân- Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan về thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Đề án cải tạo chung cư cũ là "một trong 3 việc có tính chất đột phá" được TP.Hà Nội chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu từ năm 2021. Tuy nhiên, việc cải tạo chung cư cũ đến nay chậm, lúng túng, nhất là ở khâu tổ chức thực hiện.

"Nguyện vọng của người dân đều muốn có nhà mới, được lên khu mới ở. Nhưng với tiến độ như hiện nay thì có phải trách nhiệm là của chúng ta không?", ông Dũng đặt câu hỏi.

Nhấn mạnh thêm rằng, cải tạo chung cư cũ là vấn đề rất cấp thiết, vô cùng cấp thiết vì liên quan đến đảm bảo điều kiện sinh hoạt và an toàn cho người dân, liên quan đến công tác chỉnh trang, tái thiết đô thị, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, thời gian tới phải "tìm khâu đột phá" và chọn quận Ba Đình làm khâu đột phá trong quá trình cải tạo lại các khu chung cư cũ trên địa bàn.

"Ba Đình có 3 khu và 1 vài nhà riêng lẻ. Chọn vài điểm đột phá, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cao độ vào đây. Chọn đột phá như thế thì từng khu từng cụm phải có tiến độ chi tiết", ông Dũng gợi ý.

"Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, trách nhiệm với người dân thì "gỡ khó" được cải tạo chung cư cũ

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng đề nghị trước hết phải tạo bước đột phá về công tác quy hoạch chi tiết từng khu, cụm nhà chung cư. Mục tiêu là cuối năm 2024 phải chọn được nhà đầu tư để năm 2025 Hà Nội phải khởi công cải tạo, xây dựng lại 1-2 khu chung cư cũ.

Ông Dũng cũng lưu ý, điều quan trọng là phải chọn đúng nhà đầu tư đủ năng lực và có thể thực hiện dự án trong thời gian khoảng 3 năm để người dân không phải tạm cư quá dài, tạo sự lan tỏa, thống nhất, tin tưởng để làm tiếp ở các khu chung cư khác.

Theo người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội, các cấp ngành cần loại bỏ những vấn đề "tự mình cản chân mình" để cải tạo chung cư cũ. Do vậy, việc lập quy hoạch xây dựng chung cư cũ cần nhìn tổng thể để có thể có những diện tích làm trường học, công viên, tăng diện tích cây xanh phục vụ đời sống người dân.

Nhắc lại quan điểm "những gì cứng nhắc thì nên bỏ, cần sự mềm dẻo, thông thoáng", ông Dũng lưu ý trách nhiệm của mỗi cán bộ, lãnh đạo sở, ngành thành phố trong quá trình thực hiện công việc được giao.

"Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Còn nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5 năm, 10 năm hay 15 năm sau nó vẫn thế thôi, không làm được... Đây cũng là trách nhiệm với dân, không thể để thế được!", Bí thư Thành ủy Hà Nội kết lại buổi làm việc.

Đại diện UBND quận Ba Đình cho biết, trên địa bàn quận có khoảng 217 chung cư cũ thuộc diện cải tạo. Đợt 1 kiểm định 74 chung cư cũ. Đợt 2 đã báo cáo Sở Xây dựng kiểm định 60 chung cư cũ.

Hiện quận có 4 nhà chung cư nguy hiểm cấp độ D gồm khu tập thể Bộ Tư pháp, tập thể nhà A Ngọc Khánh, tập thể C8 Giảng Võ, tập thể nhà G6A Thành Công.

Hiện nay các đơn vị tư vấn đang triển khai lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đối với các khu tập thể Ngọc Khánh, Thành Công, Giảng Võ, Liễu Giai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem