Bắc Ninh: Chỉ 195 trang trại, tạo ra giá trị 1.100 tỷ đồng

Lực Khương Thứ năm, ngày 16/09/2021 11:34 AM (GMT+7)
Ngày 15/9, UBND tỉnh tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại và thực hiện kế hoạch Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới năm 2021. Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Bình luận 0

Những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện hình thành và phát triển kinh tế trang trại như: Phát triển sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, chuyển dịch ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản, dồn điển đổi thửa, phát triển chăn nuôi trang trại ngoài khu dân cư, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,...  

Bắc Ninh: Chỉ 195 trang trại, tạo ra giá trị 1.100 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ông Vwong Quốc Tuấn- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu chủ trì hội nghị. Ảnh: BNP.

Tính đến tháng 8/2021, toàn tỉnh có hơn 2.800 cơ sở sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại. Trong đó có 195 trang trại đạt đủ tiêu chí theo quy định, với diện tích hơn 910 ha, tổng vốn đầu tư gần 896,6 tỷ đồng. Nhiều chủ trang trại đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. 

Tổng doanh thu của 195 trang trại năm 2020 đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc lưu thông và tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế, giá bán giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh nên tổng doanh thu giảm hơn so với năm 2020. 

Bắc Ninh: Chỉ 195 trang trại, tạo ra giá trị 1.100 tỷ đồng - Ảnh 2.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Trần Văn Tường ở phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh đang sở hữu trang trại gà đẻ 13.000 con, có doanh thu lên tới 20 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Khương Lực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế trang trại còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Các trang trại phát triển sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa liên kết với nhau và tìm đối tác để liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn; việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, thuê đất hoặc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều khó khăn; việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước còn hạn chế...

Về chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2021, tỉnh Bắc Ninh có 6 xã được đưa vào kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Tam Giang (Yên Phong), Cảnh Hưng (Tiên Du), Mộ Đạo (Quế Võ), Đình Tổ (Thuận Thành), Đại Lai (Gia Bình), An Thịnh (Lương Tài). Đến nay, các xã cơ bản đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí xã nâng cao của tỉnh, nhưng một số tiêu chí còn gặp khó khăn. 

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của các ngành chức năng, địa phương, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn biểu dương các ngành, địa phương đã rất tích cực trong việc triển khai phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhất là việc phát triển mô hình kinh tế trang trại và chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Nhấn mạnh vai trò của kinh tế trang trại trong phát triển nông nghiệp giai đoạn hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn yêu cầu các ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, tập trung giải quyết các vướng mắc của các trang trại trên địa bàn tỉnh, nhất là vấn đề đất đai. Giao sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các thủ tục, quy trình, thẩm quyền giải quyết để các địa phương triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, tham mưu thành lập Tổ công tác hỗ trợ mô hình kinh tế trang trại. Thành lập nhóm zalo kết nối các trang trại để kịp thời nắm bắt tình hình, khó khăn, vướng mắc của các trang trại, đồng thời tạo sự kết nối giữa các trang trại. Rà soát các nội dung còn vướng mắc, bất cập trong triển khai chính sách để tham mưu điều chỉnh cho phù hợp. Nâng cao hiệu quả áp dụng khoa học kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, tăng cường kết nối, liên kết, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp.

Sở Xây dựng rà soát, báo cáo UBND tỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh; công bố công khai các quy hoạch để các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp tiếp cận đầy đủ và yên tâm đầu tư.

Các huyện, thị xã, thành phố thành lập Tổ hỗ trợ mô hình kinh tế trang trại của huyện; quan tâm đầu tư hạ tầng cho các dự án phát triển kinh tế trang trại. 

Các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Trung ương, của tỉnh để các tổ chức, cá nhân tiếp cận đầy đủ các chính sách. 

Về chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các địa phương đã đăng ký xã nông thôn mới nâng cao phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong năm 2021.

Đồng chí cũng lưu ý, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao cần kết hợp hài hoà với phát triển đô thị. Đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, chú trọng cải thiện các tiêu chí về môi trường, văn hoá, thu nhập. 

Các hội, đoàn thể tiếp tục phát động sâu rộng phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo sự lan tỏa đến toàn thể hội viên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem