Anh bác sĩ Nghệ An chinh phục đồi trọc, lập vườn cây thuốc quý nơi “chảo lửa”

Tập Thỏa Thứ ba, ngày 08/08/2023 06:30 AM (GMT+7)
Cách đây 20 năm, thấy vợ mình sau sinh bị bệnh nhưng điều trị bằng thuốc Tây y không hiệu quả, bác sĩ chuyên khoa da liễu Vũ Duy Sơn (SN 1975) đã quyết tâm biến quả đồi trọc rộng 33ha tại quê nhà ở xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An thành vườn thảo dược quý.
Bình luận 0
Anh bác sĩ Nghệ An chinh phục đồi trọc, lập vườn cây thuốc quý nơi “chảo lửa”   - Ảnh 1.

Lương duyên với nghề thuốc

Ở "chảo lửa" miền Trung nắng gió, ít ai nghĩ rằng trên một thung lũng rộng 33ha khô cằn tại xã Tiến Thành, lại có một vườn thảo dược quý, phát triển xanh tốt.

Anh Vũ Duy Sơn là con trai thứ 3, sinh ra trong một gia đình thuần nông có 5 anh chị em. Con nhà nông, từ nhỏ anh Sơn đã gắn bó với ruộng đồng, cây cối. Năm 1992, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Sơn quyết định đi du học tại Pháp. Anh theo học tại Đại học Paris-Sorbonne, chuyên ngành dinh dưỡng học. Sau 4 năm ngồi trên ghế nhà trường, anh Sơn tiếp tục làm việc tại Pháp.

Chinh phục đồi trọc, lập vườn cây thuốc quý nơi “chảo lửa”   - Ảnh 1.

Anh Vũ Duy Sơn - người “khai sinh” vườn thảo dược quý ở huyện lúa. Ảnh: L.T

Công ty TNHH Dược France là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu y học nói chung và trong chuyên khoa da liễu nói riêng. Sản phẩm của công ty mang thương hiệu OMC, với các sản phẩm chăm sóc da có thành phần chủ yếu là các chiết xuất từ thảo dược đặc hữu, đã được y văn thế giới ghi nhận về tác dụng điều trị các bệnh lý ngoài da như; mụn trứng cá, nám, lão hóa da…

Năm 2001, anh Sơn trở về Việt Nam và trải qua nhiều công việc khác nhau. "Tôi bôn ba nhiều nơi, làm qua nhiều công việc khác nhau, thất bại thì nhiều thành công thì ít. Tuy nhiên, xuất thân từ con nhà nông nghèo, bản tính chịu khó, ham làm, chất nhà nông vẫn ăn sâu trong máu, tôi đã không thể xa quê được, cuối cùng lại quay về làm người nông dân thực sự, yêu vườn, yêu cây hơn. Khi vợ tôi sinh đứa con đầu lòng, trên mặt nổi nhiều mụn, điều trị bằng đủ loại thuốc Đông y, Tây y mà không hiệu quả. Thương vợ, tôi đã thử tìm mọi cách, đọc nhiều tài liệu, sách báo… để chữa bệnh giúp vợ. Càng tìm hiểu sâu, tôi lại đam mê, và trở thành… bác sĩ chuyên khoa da liễu lúc nào chẳng hay" - anh Sơn cho hay.

Vườn thảo dược xanh tốt giữa "chảo lửa"

Chinh phục đồi trọc, lập vườn cây thuốc quý nơi “chảo lửa”   - Ảnh 3.

Vườn thảo dược OMC được quy hoạch bài bản, đẹp mắt, đang là nơi thu hút nhiều người đến tham quan. Ảnh: Lê Tập.

Tuy chưa trực tiếp mở cửa đón khách du lịch nhưng vườn thảo dược OMC thu hút đông đảo người dân trong và ngoài huyện Yên Thành đến tham quan, trải nghiệm. Trong tương lai, đây sẽ là một điểm đến thú vị trong phát triển du lịch huyện lúa Yên Thành.

Từ TP.Vinh, chúng tôi vượt hơn 65km, đi qua nhiều đoạn đường đèo dốc quanh co, khó đi tìm về xã Tiến Thành để thăm vườn thảo dược OMC của anh Vũ Duy Sơn.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh vườn thảo dược, tay chỉ về phía cuối chân đồi, anh Sơn nói: "Khu vực mà ta đang đứng, trước đây là đồi núi đất cằn, sỏi đá, không có người sinh sống. Lúc tôi vay tiền mang về mua đất, vợ con, người thân cho đến hàng xóm nói tôi là đồ điên, thừa tiền. Nhưng ai nói mặc kệ, tôi đã quyết là làm. Tôi hiện làm rất nhiều công việc, vừa là bác sĩ, vừa chủ doanh nghiệp nhưng các bạn hãy xem tôi là nông dân. Tôi thích mình là một ông nông dân chăm chỉ".

Theo anh Sơn, khi đặt những nhát cuốc đầu tiên tại mảnh đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi", đến lưỡi cuốc cũng cong vênh, bàn tay chai sạn, da đen nhẻm…, nhiều lúc anh cũng muốn bỏ cuộc. Sau 5 năm lao động không biết mệt mỏi, giờ đây anh đã hình thành được một vườn thảo dược quy mô, nhiều loài cây thuốc quý.

Nhìn từ trên cao, vườn thảo dược OMC trải rộng trên diện tích lớn, bao quanh là màu xanh của cây rừng và núi non. Chia sẻ về cơ duyên tạo nên khu vườn "đặc biệt" này, anh Sơn nói: "Năm 1999, khi về quê hương, tôi chứng kiến bà con tại xã Tiến Thành đốt rừng làm rẫy, chặt phá, khai thác rừng quá mức khiến khu vực này trở thành đồi trọc. Thấy thế, tôi đã vay mượn tiền của gia đình, bạn bè, sau đó thuyết phục 12 hộ dân để mua lại vùng đất đồi kia với tổng diện tích 33ha, với hy vọng sau này có điều kiện sẽ làm rừng sống lại".

Chinh phục đồi trọc, lập vườn cây thuốc quý nơi “chảo lửa”   - Ảnh 5.

Vườn thảo dược quý OMC nhìn từ trên cao. Ảnh: L.T

Nhận thấy nguồn giống các cây quý, cây thảo dược trong tự nhiên ngày càng khan hiếm, có nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng, anh Sơn nhận định vùng đất đồi núi mà mình mua gần 20 năm trước có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp và quyết định xây dựng mô hình trồng cây thảo dược. Dám nghĩ dám làm, anh quyết tâm lên núi khai hoang, cải tạo đất để trồng thảo dược. Bắt tay vào công việc, anh gặp rất nhiều khó khăn vì điều kiện địa lý và môi trường tự nhiên nơi này.

"Khu vực này trước đây không điện, không nước, không sóng điện thoại, ít người sinh sống. Để có vườn đẹp như ngày hôm nay, chúng tôi đã phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức, tiền bạc vào đây mới có được. Đất ở đây nhiều sỏi đá, địa hình không bằng phẳng, tôi cải tạo lại rất nhiều mới có thể có vườn thảo dược tươi tốt như hiện tại" - anh Sơn tâm sự.

Vườn bảo tồn thảo dược quý

Tại khu vườn trồng thảo dược OMC, anh Vũ Duy Sơn trồng hàng trăm loại cây đến từ nhiều vùng miền, chia thành từng nhóm cây và tạo lối đi riêng. Phía trên đồi, anh Sơn trồng nhiều loại cây thân gỗ bản địa và của các địa phương khác mà giống ngày càng cạn kiệt dần. Tất cả các loại cây được anh quy hoạch trồng rất bài bản, trên cơ sở tôn trọng sự sinh trưởng tự nhiên, không dùng đến hóa chất để chăm sóc cây.

Tại vườn thảo dược OMC, nhiều loại cây có tác dụng chữa bệnh như: Dạ hương, hà thủ ô, dâm bụt, bứa, lội, lục lối, trám đen, mẫu đơn, măng, gừng, nghệ, sả… đang lên xanh tốt. "Nền y học cổ truyền của chúng ta gắn liền với nhiều kinh nghiệm dân gian, các bài thuốc quý từ cây, con vật hoặc dược liệu để chữa bệnh, cải thiện sức khỏe. Dược liệu chính là nguồn nguyên liệu chính để bào chế các bài thuốc có rất nhiều giá trị trong đời sống của con người. Trên thị trường có hàng trăm nhãn hàng mỹ phẩm được quảng bá có yếu tố organic, nguyên liệu sạch... Tuy nhiên, muốn tạo ra được sản phẩm sạch thì chúng ta phải có nguyên liệu sạch, ngay cả đất, nước và không khí nơi trồng thảo dược cũng phải sạch" - anh Sơn chia sẻ.

Qua 5 năm xây dựng và phát triển vườn thảo dược, những giọt mồ hôi của anh Sơn và các cộng sự đã giúp mảnh đất khô cằn đã nảy ra mầm cây và phát triển tươi tốt. Hiện nay, vườn thảo dược OMC có hàng trăm giống cây thuốc quý, cho năng suất hàng chục tấn thảo dược/năm. Các loại thảo dược anh Sơn trồng có nhiều màu sắc, tạo nên hình ảnh của một vườn cây và hoa rực rỡ giữa vùng đồi núi.

Anh Vũ Duy Sơn cho biết: "Tôi mong muốn xây dựng mô hình trồng cây dược liệu, dần hình thành các vùng trồng cây dược liệu hàng hóa nhằm phục hồi, bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu quý, cung cấp dược liệu cho các bài thuốc chữa bệnh trong nhân dân. Các thảo dược mà tôi trồng tại đây cũng là nguyên liệu để Công ty TNHH Dược France chế biến các loại thuốc chữa bệnh cho mọi người". 

Bài dự thi tham dự Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"

- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.

- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.

- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.

- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).

Địa chỉ nhận tác phẩm:

Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.

Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem