An ninh lương thực là vấn đề “nóng bỏng” của APEC

Hà Vũ Thứ năm, ngày 17/08/2017 11:39 AM (GMT+7)
“Một trong những trụ cột phát triển của nền kinh tế bền vững là an ninh lương thực. Nếu không đảm bảo được an ninh lương thực thì kinh tế không đảm bảo chứ đừng nói đến chuyện phát triển” - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định như vậy khi trao đổi về Tuần lễ an ninh lương thực APEC 2017, sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 25.8 tại TP.Cần Thơ.
Bình luận 0

Sẻ chia khó khăn, thúc đẩy hợp tác

Lý giải về việc trong khuôn khổ “Năm APEC 2017”, Việt Nam đưa ra 4 chủ đề ưu tiên, trong đó đối với ngành NNPTNT có chủ đề về an ninh lương thực (ANLT) và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “ANLT là vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu không thể chủ quan, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra ở khu vực vành đai châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, tất cả các quốc gia trong khu vực phải cố gắng vượt bậc bằng nhiều giải pháp tổng thể chứ không phải chỉ riêng trong lĩnh vực nông nghiệp thì chúng ta mới giải quyết căn bản vấn đề ANLT cho người dân của khu vực chúng ta”.

img

 An ninh lương thực là chủ đề nóng bỏng của APEC.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) đã ước tính, hiện nay trên thế giới vẫn còn gần 800 triệu người thiếu đói và hơn 160 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, lâm vào tình trạng chậm phát triển. Trong khi đó, châu Á – Thái Bình Dương chịu tác động của thiên tai lớn nhất trong các khu vực trên thế giới. “Cùng với đó, tác động BĐKH hiện nay diễn ra rất nhanh trên cả mức chúng ta dự kiến, khiến vấn đề đảm bảo ANLT, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững thích ứng với BĐKH càng đặt ra nóng bóng” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.

Hiện nay, 21 nền kinh tế thành viên APEC là khu vực có sản lượng sản xuất nông nghiệp lớn và xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, với phạm vi địa lý rộng lớn, dân số khoảng 2,8 tỷ người (khoảng 40% dân số thế giới) và chiếm 57% GDP của thế giới. Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực, công nghệ và thị trường đang tạo ra các rào cản đối với việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất vùng.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường.

Nhiều mục tiêu kỳ vọng

Hiện nay, 70% dân số nước ta sống ở vùng nông thôn, chúng ta có khoảng 20 triệu dân vùng miền núi, chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người nên chúng ta phải quan tâm để đảm bảo sự phát triển đồng đều, làm cho khoảng cách của các khu vực ngắn lại. Do vậy, việc xác định xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay càng bức xúc, càng trúng hướng và đúng mục tiêu”.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường

Tại Việt Nam, trong năm 2016 thiên tai diễn ra khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam từ đầu năm đến cuối năm, gây thiệt hại về kinh tế khoảng 1% GDP. Điều đó cho thấy Việt Nam đang là một trong những tâm điểm chịu tác động của BĐKH. Chính vì thế, Việt Nam đặt ra rất nhiều kỳ vọng ở diễn đàn APEC, nhất là thông qua Tuần lễ ANLT và Đối thoại chính sách cao cấp tại TP.Cần Thơ lần này.

Tại diễn đàn này, Việt Nam mong muốn thông qua được 3 thông điệp chuyên đề: Kế hoạch hành động chung của khu vực về chương trình phát triển ANLT gắn với nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH; kế hoạch hành động thực hiện Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn – đô thị bền vững để tăng cường ANLT và tăng trưởng có chất lượng; và Tuyên bố Cần Thơ - đây là Tuyên bố cấp Bộ trưởng nông nghiệp APEC về Tăng cường ANLT, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH.

“Khi chính sách của Nhà nước được ban hành, chúng ta kỳ vọng sẽ phối hợp chặt chẽ với việc huy động tổng nguồn lực của xã hội qua hình thức đầu tư công – tư (PPP) để có nhiều nguồn lực hơn, không chỉ là nguồn tài chính mà chúng ta thu hút được nguồn quản trị trong khu vực nông nghiệp để thúc đẩy nông nghiệp trong toàn khối nói chung và trong đó có Việt Nam” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ. /.

Các  hoạt động, sự kiện chính tại Tuần lễ ANLT APEC 2017 tại Cần Thơ

- Đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì).

- Đối thoại giữa các Bộ trưởng và các CEO về sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để tăng cường sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vữngdo Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì với sự tham gia của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC).

- Cuộc họp thường niên của các nhóm Công tác APEC: Chính sách ANLT (PPFS), Đại dương và Nghề cá (OFWG), Công nghệ sinh học nông nghiệp (HLPDAB), Hợp tác kỹ thuật nông nghiệp (ATCWG) và cuộc họp chung của 4 nhóm trên.

- Các Hội thảo kỹ thuật chuyên đề trong khuôn khổ hoạt động của các nhóm Công tác và do các nền kinh tế, các tổ chức quốctế tổ chức: Biến đổi khí hậu liên quan đến nông nghiệp; Giống cây trồng trong khuôn khổ HLPDAB; Giảm thất thoát lương thực cho hệ thống lương thực APEC bền vững; Phát triển nông thôn; Sáng kiến nông nghiệp thông minh vì tăng trưởng bền vững; Chuỗi giá trị lương thực, thực phẩm và thúc đẩy phát triển nông thôn-thành thị khu vực Châu Á -Thái Bình Dương.

- Diễn đàn nông nghiệp APEC về khởi nghiệp và sáng tạo (Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì);

- Triển lãm APEC về nông nghiệp trong nước và quốc tế tại khu vực diễn đàn đối thoại cao cấp.

- Tham quan thực địa: sẽ được tổ chức ở 3 địa điểm: Vườn trái cây Vàm Xáng, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ; Mô hình nuôi trồng và chế biến thủy sản củaCông ty Vĩnh Hoàn, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Trung tâm khảo nghiệm sản xuất lúa và nghiên cứu phân bón của Viện nghiên cứu Lúa đồng bằng sông Cửu Long tại Huyện Thới Lai và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, huyện Thốt Nốt, TP. Cần Thơ./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem