Alfred Riedl, trái tim đẹp đã ngừng đập!

Đinh Hiệp Thứ năm, ngày 10/09/2020 06:10 AM (GMT+7)
"HLV Alfred Riedl - người thầy, người bạn lớn của bóng đá Việt Nam đã qua đời ở tuổi 70 tại quê nhà Áo. Nhưng những kỷ niệm đẹp về ông vẫn luôn ở trong tim các đồng nghiệp, học trò và giới truyền thông trên dải đất hình chữ S", nhà báo Đinh Hiệp viết riêng cho Dân Việt.
Bình luận 0

Năm 2003, Việt Nam lần đầu tổ chức SEA Games, rất nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam kỳ vọng đội bóng sẽ giành huy chương vàng trên sân nhà. 

Sau khi thất bại với HLV người Pháp Christian Letard và không đạt được thỏa thuận với HLV Henrique Calisto, LĐBĐ Việt Nam trở lại với một lựa chọn an toàn: ông Alfred Riedl, người am hiểu bóng đá Việt Nam sau khi đã có 3 năm dẫn dắt đội tuyển quốc gia 1998-2000.

Để chuẩn bị cho chiến dịch SEA Games, ông Riedl lên kế hoạch cho đội bóng U23 tập huấn và thi đấu giao hữu 1 tuần ở Thái Lan, nối tiếp sau đó là 2 tuần tại Áo, quê nhà của ông Riedl.

Alfred Riedl, trái tim đẹp đã ngừng đập! - Ảnh 1.

Thư điện tử trao đổi giữa HLV Alfred Riedl và nhà báo Đinh Hiệp khi ông chuẩn bị quay lại Việt Nam làm việc thời điểm năm 2005.

Các báo khi đó tất nhiên rất hào hứng với chiến dịch SEA Games, cử người bám chắc các đội tuyển thể thao. 

Tuần báo Thể Thao Ngày Nay, khi đó ra 4 ngày trong tuần,đề-pa cho chiến dịch này khá sớm, khi cố nhà báo Đỗ Hóa lúc đó là tổng thư ký tòa soạn đích thân sang Trung Quốc theo dõi, làm các phóng sự "thao trường đổ mồ hôi" của nhiều đội tuyển tập huấn tại đây trong chiến lược "đi tắt đón đầu" của chiến lược gia Hoàng Vĩnh Giang. 

Bóng đá là một trận địa không thể đi sau các báo khác, nên sau khi hội ý, tòa soạn quyết định đầu tư cho một chuyến đi sang tận Áo bám chân đội U23 của ông Riedl, cử tôi lúc đó là phóng viên mới và trẻ với lý do để có góc nhìn mới mẻ, không đi vào lối mòn kinh nghiệm quá.

Ngặt cái là khi tờ báo quyết định cử phóng viên đi thì đoàn bóng đá đã chốt danh sách, xin visa, mua vé máy bay hết rồi, tức là hoàn tất hết thủ tục, chỉ còn chờ 3 ngày là bay sang Bangkok, bên liên đoàn bóng đá không giúp được gì nữa. 

Cũng vì thời gian gấp quá nên tòa soạn "khoán" luôn cho phóng viên tự đi làm các thủ tục. Lúc đó lại gần cuối tuần. Khó quá. Chỉ còn cách duy nhất là nhờ ông Riedl, dù khi đó ông rất bận rộn với đội bóng. 

Sau khi nghe trình bày từ một phóng viên mà trước đó chưa hề quen biết, ông Riedl lập tức nhận lời, sốt sắng giúp đỡ như làm việc của mình: gọi điện về Áo nhờ gửi bản fax thư mời, gọi điện tới đại sứ quán Áo tại Hà Nội nhờ trợ giúp nhanh. Kết quả là phóng viên được cấp cái visa Schengen nhanh kỷ lục, trong có 24 giờ.

HLV Alfred Riedl luôn nhiệt tình đấu tranh cho quyền lợi các học trò và giúp đỡ các phóng viên. Ảnh: Tuấn Tú

HLV Alfred Riedl luôn nhiệt tình đấu tranh cho quyền lợi các học trò và giúp đỡ các phóng viên. Ảnh: Tuấn Tú

Tờ Thể Thao Ngày Nay khi đó làm theo phong cách tờ Sport Bild của Đức, ngoài chuyên môn sân cỏ còn chú trọng đến các chuyện và hình ảnh hậu trường cầu thủ, không gian văn hóa nơi đội bóng U23 đóng trại tập luyện ởthành phố nhỏ Neufeld cách thủ đô Vienna 40 km, không gian gia đình ông Riedl và cả đời sống của cộng đồng nhỏ người Việt ở Áo. 

Khi nghe tôi trình bày, ông Riedl gọi một cậu quản lý tên Alex Gruber ở trung tâm thể thao Neufeld đến "giao nhiệm vụ": "Cậu cùng lên kế hoạch với cậu này, lấy xe chở cậu này đến những nơi cần đến". 

Nhờ đó mà số báo nào cũng có từ 1,5 đến 2 trang báo khổ A3 đầy sắp sự kiện, hình ảnh, phỏng vấn, biểu đồ. Bây giờ báo mạng nhiều nên kiểu làm báo này không còn lạ, chứ ở Việt Nam thời điểm đó, đây là phong cách làm rất mới và được độc giả đón nhận. Alex sau này trở thành quan chức ở LĐBĐ Áo.

Ông Riedl rất thích những ý tưởng như thế, sau này nhiều lần ông nói bóng đá hay thể thao nói chung cũng là một phần của văn hóa, các cầu thủ có văn hóa càng cao thì tư duy càng tốt, đá bóng càng hay. 

Trong thời gian tập huấn, ông lên kế hoạch cho các cầu thủ đi thăm các di tích ở thủ đô Vienna và thành phố Baden vào ngày nghỉ. Mỗi tối sau giờ tập, ông khuyến khích ban huấn luyện và các cầu thủ đi dạo quanh thị trấn Neufeld để cảm nhận về văn hóa và kiến trúc. 

Thời gian ở Hà Nội, ông rất chăm đi xem các di tích, bảo tàng. Theo chú Dậu, người lái xe riêng cho ông Riedl khi đó (xe và tài xế cho ông Riedl được LĐBĐ cung cấp), mỗi lần ông đi thăm thú như vậy, ông thường gọi taxi, vì ông xem đó là việc riêng của mình, chứ không phải việc công để mà trưng dụng xe. Ông Riedl cũng là HLV ngoại đầu tiên kiên trì đấu tranh chống lại việc "nhốt" các cầu thủ ở trung tâm tập huấn quốc gia Nhổn trong các kỳ tập trung đội tuyển.

HLV Alfred Riedl được rất nhiều đồng nghiệp tôn trọng, trong đó có HLV Mai Đức Chung - người từng có thời gian làm trợ lý cho ông. Ảnh: Tuấn Tú

HLV Alfred Riedl được rất nhiều đồng nghiệp tôn trọng, trong đó có HLV Mai Đức Chung - người từng có thời gian làm trợ lý cho ông. Ảnh: Tuấn Tú

Tôi nhắc lại kỷ niệm trên để những người từng tiếp xúc với ông nhớ về một Alfred Riedl luôn quan tâm đến người khác tới một mức độ rất chi tiết. Tôi đã thấy điều đó từ các nhân viên ở trung tâm tập huấn Neufeld năm ấy, đến sau này khi gặp ông thường xuyên tại nơi ông và bà Jolanda sống là khu biệt thự Sedona bên Hồ Tây, ai cũng quý mến ông. 

Riedl là một người làm từ thiện nhiều và làm từ thiện ngầm, rất ít người biết, không có bầu đoàn thê tử hay gõ mõ khua chiêng gì hết. Tiền trong túi ông thường được đổi ra làm nhiều tờ mệnh giá nhỏ, thỉnh thoảng, dùng cà phê với ông ở quán cà phê Mô-ca trên phố Nhà Thờ, khi ông thấy thấp thoáng bóng người ăn mày ngoài cửa kính, ông rút tờ 20 ngàn ra: "Cậu làm ơn cầm tờ tiền này mang ra cho người ta, làm giúp tôi đi, tôi già rồi, đi lại nhiều không tiện". Một lúc sau, thấy một người khác, ông lại rút tiền, nháy mắt với tôi: "Cậu làm ơn giúp tôi nữa đi". 

Mỗi bận dùng cà phê đều bị gián đoạn mấy lần như vậy. Nói với ông rất nhiều chuyện, nhưng có một chuyện mà ông không nói. Đó là chuyện ông chu cấp cho một người công nhân cắt cỏ trong trung tâm Nhổn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi tháng vài triệu, trong nhiều tháng liền. Tôi chỉ biết chuyện này qua một bạn phóng viên đồng nghiệp, và anh này cũng chỉ biết chuyện qua lời kể của một người cùng làm với chị công nhân cắt cỏ đó.

Năm 2007, ông Riedl rời Việt Nam, tôi làm việc khác nhiều hơn, chúng tôi chỉ trao đổi email khi cần thiết, rồi thưa dần, thưa dần, nhưng sự ngưỡng mộ, quý mến không bao giờ suy giảm. 

Ông luôn để lại hình tượng người thầy dễ mến trong những người ông đã gặp qua, dù người đó có nhiều tuổi. Có lần ông nói: "Thắng hay bại trong một trận bóng hay một cuộc thi nào đó thì có làm sao đâu. Quan trọng nhất là sống hay chết thôi. Phải sống là tất cả. Chết rồi còn biết gì đâu nữa để mà thắng với bại". Ông ngưng giây lát: "Tôi biết, cuối cùng ai cũng chết. Nhưng ý chí cầu sống mới quan trọng". 

Ghép thận, mổ tim rồi chống chọi với ung thư, ông đã thể hiện ý chí cầu sống đó rất mạnh trong đời mình, cho đến khi trái tim đẹp ngừng đập. Nó cần nghỉ ngơi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem