9 dấu hiệu rối loạn nhân cách cần đi khám của trẻ vị thành niên

Diệu Linh Thứ năm, ngày 28/03/2024 06:08 AM (GMT+7)
Trẻ bị rối loạn tâm thần nhưng nhiều cha mẹ chỉ cho rằng đó là thay đổi của tuổi vị thành niên, ít quan tâm.
Bình luận 0

Bác sĩ Lê Công Thiện, Phó trưởng bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng phòng điều trị Tâm thần Nhi (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người.

Dấu hiệu rối loạn nhân cách ranh giới

Với tình trạng này, trẻ rất khó kiểm soát cảm xúc, tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. 

9 dấu hiệu rối loạn nhân cách cần đi khám của trẻ vị thành niên- Ảnh 1.

Triệu chứng điển hình của rối loạn nhân cách ranh giới là người bệnh thường thể hiện sự bốc đồng, thay đổi cảm xúc thường xuyên; có hành vi tự sát lặp đi lặp lại hoặc hành vi tự hủy hoại bản thân. Ảnh minh họa clearforkacademy

Các yếu tố môi trường đã được xác định là các điều kiện dễ dẫn đến rối loạn nhân cách ranh giới sớm bao gồm các hành vi ngược đãi trong gia đình, tâm lý của các thành viên trong gia đình và mối quan hệ xung đột giữa cha mẹ và con cái.

"Triệu chứng điển hình của rối loạn nhân cách ranh giới là người bệnh thường thể hiện sự bốc đồng, thay đổi cảm xúc thường xuyên; có hành vi tự sát lặp đi lặp lại hoặc hành vi tự hủy hoại bản thân; '

Biểu hiện bất ổn về cảm xúc mang tính phản ứng rõ rệt (ví dụ: cảm giác khó chịu từng đợt dữ dội, cáu kỉnh hoặc lo âu thường kéo dài vài giờ và hiếm khi kéo dài hơn vài ngày); biểu hiện sự tức giận dữ dội, không thích hợp hoặc khó kiểm soát cơn giận", bác sĩ Thiện chia sẻ. 

Rối loạn nhân cách ranh giới không phải "nổi loạn tuổi dậy thì"

Theo bác sĩ Thiện, nhiều gia đình phàn nàn phải "nhịn con như nhịn cơm sống" vì tính bướng bỉnh của lứa tuổi dậy thì. 

Tuy nhiên, làm sao để phân tích, đó là điều bình thường, phải trải qua của trẻ nhỏ ở lứa tuổi này hay là điều bất thường cảnh báo nguy cơ rối loạn nhân cách ranh giới.

Bác sĩ Thiện cho biết, ở tuổi vị thành niên, hầu hết trẻ em đều phải trải qua giai đoạn bướng bỉnh, muốn thể hiện cái tôi bản thân, thậm chí có hành vi chống đối, cãi lại lời người lớn. '

Tuy nhiên, cha mẹ đừng coi thường những dấu hiệu "nổi loạn" của con mà cần phân tích, xem xét tình huống sự nổi loạn đó thực chất có nguyên nhân gì, có tác động từ bên ngoài hay không. 

Nếu đứa trẻ chỉ ương bướng với bố, mẹ thì bình thường, không đáng lo ngại nhưng nếu ương bướng, quậy phá với mọi người, mọi lúc thì lại không còn bình thường nữa. 

Theo bác sĩ Thiện, rất nhiều cha mẹ lúng túng, không biết sự "nổi loạn" của con có phải là sinh lý lứa tuổi (nổi loạn bướng bỉnh, muốn được thể hiện, chú ý, công nhận) hay là bệnh lý tâm thần. 

"Rối loạn nhân cách ở trẻ có nhiều biểu hiện tương đồng với tình trạng nổi loạn của trẻ ở lứa tuổi dậy thì. Nhiều cha mẹ rất lúng túng khi thấy con có những biểu hiện bất thường ở độ tuổi này và liệu không biết con có phải đang gặp vấn đề về tâm thần hay không?.

Tuy nhiên, có một số điểm mà cha mẹ cần chú ý theo dõi con ở độ tuổi này để phát hiện những bất thường ở trẻ. 

9 dấu hiệu rối loạn nhân cách cần đi khám của trẻ vị thành niên- Ảnh 2.

Rối loạn nhân cách ở trẻ có nhiều biểu hiện tương đồng với tình trạng nổi loạn của trẻ ở lứa tuổi dậy thì. Ảnh minh họa keranews

Theo đó, khác với sinh lý lứa tuổi, thì trẻ gặp vấn đề tâm thần khi có những hành vi tự hại như tự rạch tay. Nếu hành động này lặp đi lặp lại, lúc này không phải là hành vi bình thường nữa", bác sĩ Thiện tư vấn.

Theo bác sĩ Thiện, người lớn cũng cần quan sát trẻ, nếu thấy nghi ngờ, trẻ có biểu hiện giấu giếm như mặc áo dài tay, hành vi tự làm đau... thì bản thân hành vi này không còn là hành vi sinh lý lứa tuổi.

Có trẻ có những hành vi nổi loạn bộc lộ cả ở nhà và ở trường, cảm xúc thay đổi thường xuyên trong ngày, như vừa vui nhưng chỉ vài tiếng sau đã buồn. Và trẻ bộc lộ cảm xúc rất mãnh liệt và thời gian kéo dài.

Trong trường hợp này, trước tiên, cha mẹ nên theo dõi con thật sát, chú ý xem trẻ có đang gặp vấn đề gì không, trải qua biến cố như chuyển cấp, chuyển trường, gia đình có biến cố... Sau đó, cha mẹ nên chia sẻ với trẻ, nhận biết mức độ mà con đang gặp phải, nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ.

"Khi nhận thấy con có các dấu hiệu bất thường thì cha mẹ nên là người đi tư vấn tâm lý trước để chia sẻ với bác sĩ về tình huống của chính mình và con để hiểu được rõ mức độ trầm trọng hay không của con và có cách xử lý kịp thời. 

Trên thực tế, không ít trường hợp chúng tôi phải tư vấn, giải quyết vấn đề tâm lý của bố mẹ trước khi tư vấn cho trẻ", bác sĩ Thiện khuyến cáo. 

9 dấu hiệu điển hình của rối loạn nhân cách ranh giới

Theo bác sĩ Thiện: một người có 5/9 dấu hiệu dưới đây có thể mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới.

- Người bệnh nhạy cảm với hoàn cảnh môi trường, có suy nghĩ bị bỏ rơi dữ dội.

- Người bệnh có thể lý tưởng hóa những người chăm sóc hoặc người yêu tiềm năng trong lần gặp đầu tiên hoặc lần thứ hai. Người bệnh có thể yêu cầu đối phương dành nhiều thời gian cho nhau và chia sẻ những chi tiết thân mật nhất trong thời gian đầu của một mối quan hệ.

- Người bệnh có thể có rối loạn nhận dạng đặc trưng bởi hình ảnh hoặc ý thức về bản thân không ổn định rõ rệt và dai dẳng.

9 dấu hiệu rối loạn nhân cách cần đi khám của trẻ vị thành niên- Ảnh 3.

Nếu con bạn hoặc người nhà, người thân có các dấu hiệu liên quan đến rối loạn nhân cách ranh giới cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần để tư vấn và khám. Ảnh minh họa peregianfamilymedical

- Người bệnh thường thể hiện sự bốc đồng trong ít nhất hai lĩnh vực và có khả năng tự gây tổn hại cho bản thân: Họ có thể đánh bạc, tiêu tiền một cách vô độ, ăn uống vô độ, lạm dụng chất gây nghiện, quan hệ tình dục không an toàn hoặc lái xe một cách thiếu thận trọng.

- Người bệnh có thể có hành vi tự sát lặp đi lặp lại hoặc hành vi tự hủy hoại bản thân.

- Người bệnh có biểu hiện bất ổn về cảm xúc mang tính phản ứng rõ rệt (ví dụ: cảm giác khó chịu từng đợt dữ dội, cáu kỉnh hoặc lo âu thường kéo dài vài giờ và hiếm khi kéo dài hơn vài ngày).

- Người bệnh xuất hiện cảm giác trống rỗng triền miên và dễ cảm thấy buồn chán. Họ có thể liên tục tìm kiếm việc gì đó để làm.

- Người bệnh có biểu hiện sự tức giận dữ dội, không thích hợp hoặc khó kiểm soát cơn giận.

- Trong những giai đoạn căng thẳng tột độ, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng hoang tưởng thoáng qua hoặc các triệu chứng phân ly (ví dụ: rối loạn cá nhân hóa).

"Để điều trị cho trẻ, ngoài yếu tố từ bệnh nhi, cha mẹ cũng được khuyến cáo tư vấn bác sĩ tâm lý để có thể nhìn nhận, đánh giá, điều hòa cảm xúc tốt hơn, tránh những xung đột với trẻ về lối sống, học hành... dẫn đến căng thẳng, làm tăng nguy cơ trẻ tự hủy hoại bản thân. 

Nếu con bạn hoặc người nhà, người thân có các dấu hiệu liên quan đến rối loạn nhân cách ranh giới hoặc các vấn đề về sức khỏe tinh thần, muốn tư vấn cách phòng ngừa, điều trị thì có thể đến khám và tư vấn ở các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần để được điều trị kịp thời", bác sĩ Thiện chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem