Yên Bái: Nơi núi cao, trồng thứ cây nhập ngoại trên đất hoang, dân rủng rỉnh tiền tiêu

Minh Ngọc - Ngọc Hải Thứ sáu, ngày 31/07/2020 13:00 PM (GMT+7)
Trong 2 năm trở lại đây, trồng cây sả Java để nấu lấy tinh dầu đã mang lại thu nhập khá cho đồng bào Mông huyện vùng cao Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái). Thu nhập từ trồng trồng sả có thể đạt 35 - 45 triệu đồng/ha.
Bình luận 0

Ông Lò Văn Chanh, Giám đốc HTX Hương Chanh cho biết, nhận thấy địa phương còn nhiều đất trống bỏ hoang, năm 2018, ông đã tìm đến HTX Hương Nghiệp tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai để tìm hiểu thêm về cách trồng và chăm sóc cây sả Java rồi đưa về trồng thử nghiệm.

Ngay trong năm đó, ông Chanh đã đầu tư vốn mua giống về vận động bà con cùng trồng sả thay cho trồng ngô, trồng sắn. Lứa đầu trồng cây sả Java đạt hiệu quả tốt nên ông Chanh tiếp tục lấy thêm giống về trồng trên 7 ha. Do điều kiện cơ sở vật chất chưa có nên khi thu hoạch cây sả Java, ông Chanh đưa số sả thu hoạch được chuyển sang chế biến lấy tinh dầu ở HTX Hướng Nghiệp, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Dân ở đây trồng cây mọc từng khóm để lấy tinh dầu, trồng đến đâu có người lo đến đó - Ảnh 1.

Gia đình bà Mùa Thị Chu (xã Bản Mù) đã có thu nhập khá từ khi tham gia trồng sả Java.

Đến nay, tổng diện tích trồng sả tại huyện Trạm Tấu là trên 50 ha tại các xã Bản Mù, Hát Lừu và xã Bản Công. Điều đáng mừng là hiện nay nhiều hộ gia đình ở huyện Trạm Tấu đều đã muốn trồng cây sả trên đồi thay cho cây ngô, cây sắn.

"Thu nhập từ trồng ngô, lúa nương chỉ đạt 6 triệu đồng/ha, trong khi trồng sả có thể đạt 35 - 45 triệu đồng/ha. Trồng sả để lấy tinh dầu, mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nông dân địa phương" - ông Chanh chia sẻ.

Dân ở đây trồng cây mọc từng khóm để lấy tinh dầu, trồng đến đâu có người lo đến đó - Ảnh 2.

Hệ thống chiết xuất tinh dầu sả của HTX Hương Chanh (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, Yên Bái).

Ông Chanh cho biết, để giúp người dân chuyển đổi sang trồng sả Java , HTX đã cấp giống miễn phí cho bà con nông dân và thành viên 1 ha khoảng 800 - 1.000 kg giống. Bà con nông dân có đất và bỏ công trồng, chăm sóc, thu hoạch, HTX sẽ thu mua toàn bộ lá nguyên liệu.

Hiện nay, HTX Hương Chanh đã có 54 thành viên. Trong tháng 7 vừa qua đã triển khai mở rộng vùng nguyên liệu trồng sả Java thêm 15ha. Dự kiến năm 2021 HTX sẽ mở rộng diện tích trồng sả lên 80% trên địa bàn huyện Trạm Tấu.

Dân ở đây trồng cây mọc từng khóm để lấy tinh dầu, trồng đến đâu có người lo đến đó - Ảnh 3.

Từ khi tham gia vào HTX trồng sả, người dân ở xã Bản Mù đã không phải lo đầu ra, thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng.

Cuối tháng 8/2019, dưới sự tư vấn, giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, công trình nhà xưởng chưng cất tinh dầu sả của HTX Hương Chanh tại thôn Trông Dềnh, xã Bản Mù đã hoàn thành đưa vào sử dụng với công suất 1 tấn lá khô/nồi, có thể chưng cất 16 kg tinh dầu/tấn nguyên liệu.

"Để bảo đảm quyền và lợi ích của các bên, giữa các HTX với nhau và giữa HTX với các hộ thành viên, nông dân tham gia, HTX đã ký hợp đồng liên doanh, liên kết mang tính ràng buộc trách nhiệm của các bên như: 3 HTX cùng bỏ tiền mua giống sả Java, cấp miễn phí cho bà con trồng và có trách nhiệm thu mua 100% lá sả sản xuất ra. Đối với bà con đã ký hợp đồng và nhận giống về trồng nếu tự phá bỏ thì phải bồi thường cho HTX 100% giá trị giống đã đầu tư" - ông Chanh cho biết.

Hiện, 1 năm HTX Hương Chanh có thể chiết xuất 1,5 tấn tinh dầu sả. "Thị trường hiện tại 70% là xuất đi Trung Quốc, giá khi xuất bán giao động ở mức 500.000 đồng - 550.000 đồng/kg tinh dầu sả. Trong thời gian tới, HTX sẽ làm hồ sơ đăng ký sản phẩm tinh dầu sả là sản phẩm OCOP".

Dân ở đây trồng cây mọc từng khóm để lấy tinh dầu, trồng đến đâu có người lo đến đó - Ảnh 4.

Theo ông Lò Văn Chanh, Giám đốc HTX Hương Chanh cho biết, mỗi năm HTX có thể chiết xuất ra khoảng 1,5 tấn tinh dầu sả.

Gia đình bà Mùa Thị Chu (xã Bản Mù) cho biết, gia đình bà tham gia trồng sả Java từ những ngày đầu tiên, đến nay diện tích trồng sả của gia đình bà Chu đã tăng lên 1ha. 

"Ngày trước gia đình tôi chỉ trông chờ vào cây ngô, cây lúa trên nương. Có năm thì bị chuột cắn phá gần hết, trong nhà chẳng có gì để ăn. Nhưng từ khi có HTX Hương Chanh vận động bà con trồng sả, đầu ra thì đã có HTX lo cho rồi, nên bà con ở đây yên tâm lắm, không còn lo mất mùa, thiếu gạo nữa" - bà Chu nói.

Bà Chu cho biết thêm, cây sả là loại cây tương đối dễ trồng, dễ thích nghi và tốn ít công chăm sóc, cây sả có ưu điểm chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục 9 đến 10 năm liền. Cây sả Java chỉ phải làm cỏ năm đầu, từ năm thứ hai trở đi sả đã kín đất, không phải làm cỏ, đặc biệt không phải dùng phân bón và thuốc hóa học. Nếu như thu nhập từ trồng ngô, lúa nương đạt 6 triệu đồng/ha thì trồng sả cho thu nhập trên 30 triệu đồng/ha.

Yên Bái: Người Mông trên núi cao, trồng cây mọc từng khóm, nấu tinh dầu, thu tiền đều tay - Ảnh 5.

Hiện nay HTX Hương Chanh đã có 54 thành viên, với diện tích trồng sả trên 50ha.

Ông Giàng A Chú, Chủ tịch UBND xã Bản Mù cho biết, xã Bản Mù với dân số đa phần là đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống đều phụ thuộc vào trồng lúa, ngô. 

Yên Bái: Người Mông trên núi cao, trồng cây mọc từng khóm, nấu tinh dầu, thu tiền đều tay - Ảnh 6.

Trồng sả để chiết xuất ra tinh dầu đã mang lại nhiều thay đổi trong đời sống kinh tế của đồng bào Mông ở xã Bản Mù.

Từ năm 2018 đến nay, HTX Hương Chanh xây dựng mô hình trồng sả Java và hệ thống chiết xuất tinh dầu trên địa bàn xã đã nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Trong thời gian sắp thới, UBND xã tiếp tục tuyên truyền đến bà con, từ đó thay đổi tư duy canh tác nông nghiệp, trồng cây, con phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem