Yên Bái: Lạ chuyện hôn nhân của dân tộc Mông, đám cưới phải ăn cơm vệ đường, cúng nhập ma mới đưa dâu vào nhà

Hoàng Hữu Thứ bảy, ngày 07/08/2021 05:11 AM (GMT+7)
Ngày nay, người Mông ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) vẫn lưu giữ được nét đẹp truyền thống trong phong tục cưới hỏi. Đặc biệt, có một tục lệ đặc biệt, không thể thiếu trong đám cưới của người Mông là trên đường về nhà trai, đoàn đón dâu phải ăn 1 bữa cơm ở dọc đường.
Bình luận 0

Clip: Đám cưới của người Mông với phong tục đoàn đón dâu của nhà trai trên đường về phải ăn 1  bữa cơm trên đường. Video được thực hiện tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Phong tục cưới hỏi của dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có rất nhiều nét riêng với những nghi lễ, kiêng kị... rất độc đáo.

Đám cưới phải đủ các nghi lễ dạm hỏi, ăn hỏi và đón dâu, đều được tổ chức vào ngày lành tháng tốt theo quan niệm của đồng bào Mông nơi đây.

Về Yên Bái khám phá đám cưới người Mông ở Mù Cang Chải - Ảnh 2.

Đoàn nhà trai đi đón dâu phải có từ 6 – 8 người, trong đó bắt buộc phải có phù rể, phù dâu. (Ảnh: Hoàng Hữu)

Trong ngày đón đâu, sau khi ông mối nhận đầy đủ đồ lễ từ bố mẹ, đoàn đón dâu sẽ đi sang nhà gái. Tùy vào quãng đường đi mà dừng chân ăn trưa rồi đoàn mới đi tiếp.

Khi đến nhà gái, nếu thấy cửa đóng, ông mối sẽ phải hát 1 bài "Xin mở cửa". Tuy nhiên, gia đình cô dâu thường đã mở cửa, sẵn sàng đón khách.

Về Yên Bái khám phá đám cưới người Mông ở Mù Cang Chải - Ảnh 3.

Chú rể và phù rể quỳ lạy anh em, họ hàng, tổ tiên của 2 bên gia đình. (Ảnh: Hoàng Hữu)

Trước khi vào nhà cô dâu, ông mối sẽ bàn giao một chiếc ô và một cái điếu cày cho đại diện nhà gái.

Đồng thời, chú rể và phù rể đứng giữa nhà quỳ lạy anh em, họ hàng, tổ tiên của 2 bên gia đình. Sau đó, họ mời nhau hút thuốc, uống rượu.

Lạ trong phong tục cưới hỏi của người Mông ở Mù Cang Chải, buộc phải ăn cơm dọc đường - Ảnh 4.

Trên đường về nhà trai, đoàn đón dâu phải bày đồ ăn, thức uống để ông mối làm lễ mời các vị thần. (Ảnh: Hoàng Hữu)

Theo phong tục, khi cô dâu, chú rể đã ra khỏi cửa thì không được quay đầu nhìn lại nhà cha mẹ cô dâu.

Cũng theo phong tục cưới hỏi của người Mông ở Mù Cang Chải, khi đưa cô dâu về nhà chồng, dù ở gần hay ở xa, người Mông đều tổ chức ăn 1 bữa cơm dọc đường. Đây là tục lệ truyền thống, không thể thiếu trong bất kỳ đám cưới nào.

Lạ trong phong tục cưới hỏi của người Mông ở Mù Cang Chải, buộc phải ăn cơm dọc đường - Ảnh 5.

Cơm ăn dọc đường cho đoàn đón dâu về nhà trai gồm 2 con gà, 1 gói xôi to và rượu. (Ảnh: Hoàng Hữu)

Họ cho rằng, bữa cơm đó là để báo cáo với các vị thần linh việc nhà trai đã đón được con gái nhà người ta về làm dâu con trong nhà.

Đồng thời, trước khi bữa cơm dọc đường được người trong đoàn ăn, thấy cúng làm lễ mời các vị thần linh chứng kiến và phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ chịu khó làm ăn, phát tài, sinh được nhiều con cháu.

Lạ trong phong tục cưới hỏi của người Mông ở Mù Cang Chải, buộc phải ăn cơm dọc đường - Ảnh 6.

Việc dừng ăn dọc đường là tục lệ truyền thống, không thể thiếu trong đám cưới của người Mông ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. (Ảnh: Hoàng Hữu)

Trước khi vào nhà trai, cả đoàn phải dừng lại trước cửa để bố của chú rể đón cặp vợ chồng mới. Lúc này, người làm mối sẽ trao cô dâu cho họ nhà trai.

Về Yên Bái khám phá đám cưới người Mông ở Mù Cang Chải - Ảnh 4.

Khi về tới nhà trai, cả đoàn sẽ đứng trước cửa nhà để gia đình nhà trai làm lễ nhập ma cho cô dâu, làm thủ tục báo cáo với tổ tiên, thần linh. (Ảnh: Hoàng Hữu)

Sau khi làm lễ nhập ma, báo cáo với tổ tiên, thần linh, họ lại cùng nhau nâng những chén rượu, chúc tụng những lời tốt đẹp, cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc bền lâu.

Ngày nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng phong tục cưới hỏi vẫn được bà con đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vẫn thành tâm thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem