Xuất khẩu xoài sang Trung Quốc: Nguy cơ Campuchia sẽ vượt mặt Việt Nam?

Nguyễn Vy Thứ hai, ngày 14/06/2021 18:34 PM (GMT+7)
Xuất khẩu xoài của Việt Nam vốn đã phải cạnh tranh với nhiều đối thủ. Việc quả xoài Campuchia được phép trực tiếp xuất khẩu vào Trung Quốc biến loại nông sản của nước này thành đối thủ đáng gờm với trái xoài Việt Nam.
Bình luận 0

Xuất khẩu xoài đình trệ vì Covid-19

Đây là năm Covid-19 lần hai, ông Lê Hồng Cánh ở huyện Vĩnh Cửu lặng nhìn các vườn cây ăn trái khắp miền Đồng Nai rớt giá hàng loạt. 

Ông Cánh so sánh, sầu riêng chín rụng được coi là đặc sản, chứ xoài chín rụng là hàng thừa mứa. Đem cho không ai nhận nói gì đến gọi thương lái thu mua.

Ở Đồng Nai, xoài chín không bán được bị vứt la liệt dưới gốc cây. Ảnh: Nha Mẫn

Ở Đồng Nai, xoài chín không bán được bị vứt la liệt dưới gốc cây. Ảnh: Nha Mẫn

Tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), xoài 3 mùa một thời được xem là cây trồng chủ lực của địa phương.

Ngày trước, giá xoài trung bình 4.000-5.000 đồng/kg, ông Cánh thu nhập được 40-50 triệu đồng/mùa. Hiện giá xoài ở khu vực này chỉ còn 1.000 đồng/kg. Xoài chín rụng đầy vườn. Hàng loạt vườn xoài đang bị cưa bỏ.

Ông Cánh bảo, việc cưa bỏ loại cây trồng từng là điểm tựa kinh tế của gia đình, không chỉ khiến nông dân đau lòng mà còn xót của. 

Ông Cánh tính toán, tiền thuê mướn nhân công cũng tốn hết 20-30 triệu đồng/ha. Nhưng cưa bỏ cây xoài xong, ông Cánh và nhiều chủ vườn khác vẫn chưa biết nên trồng cây gì khi nhiều loại trái cây khác cũng chung cảnh ảm đạm. 

Còn giữ cây xoài lại thì tốn công chăm sóc hoặc cây làm hư đất.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Vina T&T Group (TP.HCM) cho biết, từ năm 2019, công ty đã xuất khẩu lô xoài 27 tấn đầu tiên sang Mỹ. Trong 3 tháng đầu năm 2021, công ty xuất khẩu mỗi tuần khoảng 35 tấn xoài.  

Xuất khẩu xoài bị đình trệ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh Nguyễn Vy

Xuất khẩu xoài bị đình trệ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh Nguyễn Vy

Thế nhưng hiện nay, xuất khẩu xoài và các loại trái cây tươi khác đi các nước gặp rất nhiều khó khăn. Dịch Covid-19 làm giá cước vận tải tăng, thời gian vận chuyển kéo dài.

Trái xoài được cấp phép xuất vào thị trường Mỹ và Australia với công nghệ bảo quản 30 ngày. Hiện tại, hàng hóa đi Mỹ bằng đường biển phải mất 30-35 ngày thay vì 20-23 ngày như trước.

"Nhiều lúc hàng vừa đến nơi thì cũng hết hạn sử dụng, không thể đưa ra thị trường được. Mặt hàng trái cây tươi trong đó có trái xoài đang gặp nhiều áp lực về đầu ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19", ông Tùng nói.

Xuất khẩu xoài Campuchia tăng mạnh

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ngay khi không bị dịch Covid-19 tác động, trái xoài của Việt Nam cũng phải cạnh tranh với nhiều đối thủ. Nếu ở Mỹ, xoài Việt phải cạnh tranh với Mexico thì ở Trung Quốc, xoài Campuchia cũng đang lấn lướt Việt Nam.

Ngày 26/4/2021, Hải quan Trung Quốc chấp nhận cho Campuchia xuất khẩu quả xoài tươi trực tiếp vào Trung Quốc.

Nhân viên hải quan Trung Quốc kiểm tra xoài keo Romiet tươi nhập khẩu từ Campuchia. Ảnh: PhnomPenh Post

Nhân viên hải quan Trung Quốc kiểm tra xoài keo Romiet tươi nhập khẩu từ Campuchia. Ảnh: PhnomPenh Post

Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia cho biết, 5 tháng đầu năm 2021, Campuchia xuất khẩu hơn 170.000 tấn xoài tươi và các sản phẩm từ xoài. Con số này tiếp tục đánh dấu mức tăng đáng kể, hơn 241% so cùng kỳ. Riêng xoài tươi xuất khẩu đã đạt sản lượng 156.724 tấn.

Công ty Rich Farm Asia là một trong những đơn vị đầu trồng xoài keo ở tỉnh Kampong Speu (Campuchia). 

Ông Hun Lak - Giám đốc điều hành công ty nói với báo The PhnomPenh Post rằng, việc xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc mở ra triển vọng khả quan cho tiềm năng xuất khẩu của xoài Campuchia.

"Tất cả những gì chúng tôi cần làm là nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào các nhà máy đóng gói trong tương lai", ông Hun Lak nói với The PhnomPenh Post.

Theo Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia Campuchia, năm 2020, diện tích trồng xoài của Campuchia là hơn 130.000ha, năng suất 1,6-1,7 triệu tấn/ha. 

Nông dân trồng xoài ở Cù Lao Giêng (An Giang). Ảnh Nguyễn Vy

Nông dân trồng xoài ở Cù Lao Giêng (An Giang). Ảnh Nguyễn Vy

Còn theo Bộ NNPTNT Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 87.000ha xoài, trong đó vùng ĐBSCL chiếm 48%. Địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất là Đồng Nai (12.3000 ha), Đồng Tháp (11.400 ha), An Giang (11.200ha).

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thách thức khi cung cấp xoài vào Mỹ là phải cạnh tranh với các nước Trung Mỹ ở ngay sát thị trường này. Trong đó, Mexico là nước xuất khẩu xoài lớn nhất thế giới, nhưng 90% số xoài đó đến Mỹ.

Trung Quốc đang nhập nhiều xoài Campuchia. Kể cả với xoài chế biến, Campuchia cũng có lợi thế lớn khi cung cấp cho Trung Quốc vì xoài chế biến phần lớn sử dụng xoài keo. Campuchia trồng rất nhiều giống xoài keo này, giá thành lại rẻ hơn xoài cát.

Trung Quốc sẵn sàng nhập từ Campuchia khoảng 500.000 tấn/năm. Trước mắt, Campuchia chỉ mới đáp ứng khoảng 100.000-200.000 tấn/năm.

"Nhưng khi đã có thị trường, Campuchia sẵn sàng tăng diện tích. Khả năng trái xoài Việt Nam bị Campuchia cạnh tranh ở Trung Quốc là rất lớn", ông Nguyên chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem