Xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn từ nay tới sau Tết nhưng mặt hàng này sẽ rất thuận lợi ở Mỹ

22/12/2021 15:25 GMT+7
Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc từ nay đến sau Tết Nguyên đán sẽ gặp khó khăn do nước này tiếp tục theo đuổi mục tiêu "Zero Covid-19" và thắt chặt kiểm soát hoạt động nhập khẩu thực phẩm, trong đó có mặt hàng thủy sản.

Sản lượng tôm toàn cầu và Việt Nam đều tăng mạnh

Theo Rabobank, sản lượng tôm thế giới năm 2021 có thể tăng 8,9% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng tôm của Ecuador có thể đạt 940 nghìn tấn, trị giá xuất khẩu ước đạt 4,6 tỷ USD, vượt Ấn Độ (nguồn cung tôm lớn nhất thế giới trước khi dịch Covid xảy ra) cả về khối lượng và trị giá trong năm 2021. 

Theo khảo sát của GOAL, sản lượng tôm của Ấn Độ năm 2021 có thể đạt 700 nghìn tấn, tăng 6,1% so với năm 2020. Sản lượng tôm của Trung Quốc năm 2021 dự kiến cũng tăng 9,1% so với năm 2020; sản lượng năm 2022 dự kiến tiếp tục tăng, đạt khoảng 600 nghìn tấn. 

Sản lượng tôm của Thái Lan có thể đạt 400 nghìn tấn trong năm 2021. Tuy nhiên, dựa trên số liệu gần đây nhất, sản lượng tôm của Thái Lan có thể chỉ đạt 320 – 325 nghìn tấn trong năm 2021. 

Theo Ủy ban Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Quốc gia Mehico (Conapesca), sản lượng tôm nuôi của Mehico năm 2021 dự kiến đạt 177 nghìn tấn, tăng 3,7% so với năm 2020. Mehico có khoảng 900 trại nuôi tôm, 45 trại ương giống và hơn 40 nhà máy chế biến tôm, doanh thu xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD mỗi năm. 

Xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn từ nay tới sau Tết nhưng mặt hàng này sẽ rất thuận lợi ở Mỹ - Ảnh 1.

Sản lượng tôm toàn cầu và Việt Nam đều tăng mạnh.

Còn tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản của ta tháng 11/2021 ước đạt 761,8 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó sản lượng tôm đạt 109,2 nghìn tấn, tăng 5,1%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng 11/2021 ước tính đạt 468,7 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng tôm đạt 95,8 nghìn tấn, tăng 5,9%. 

Mặc dù sản lượng tôm toàn thế giới và Việt Nam đều tăng lên nhưng giá tôm năm nay được đánh giá là năm tốt nhất, đồng loạt tăng cao.

Hiện giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu ở các tỉnh Tây Nam Bộ tiếp tục ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Thu hoạch, tiêu thụ tôm thẻ chân trắng tại các địa phương thuận lợi hơn sau khi nới lỏng giãn cách xã hội được thực hiện, các doanh nghiệp chế biến dần lấy lại đà sản xuất và người dân ở các vùng nuôi tôm tập trung cho vụ thu hoạch cuối năm. 

Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 11/2021 ước tính đạt 65,2 nghìn tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; tôm sú đạt 23,4 nghìn tấn, tăng 1,7%. Tính chung 11 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản của cả nước ước tính đạt 7.908,2 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 4.252,7 nghìn tấn, tăng 0,2%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.655,5 nghìn tấn, tăng 0,8% (sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 3.480 nghìn tấn, tăng 0,9%).

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc khó khăn từ nay tới sau Tết nhưng sẽ rất thuận lợi ở Mỹ

Tháng 10/2021, xuất khẩu tôm của ta đã phục hồi trở lại sau khi giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9/2021, sau khi cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, phục hồi sản xuất, kinh doanh. 

Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 10/2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 43,45 nghìn tấn, trị giá 422,65 triệu USD, tăng 44,9% về lượng và 48,3% về kim ngạch so với tháng 9/2021, nhưng vẫn giảm 7,1% về lượng và giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Tính chung 10 tháng năm 2021, xuất khẩu tôm đạt 341,1 nghìn tấn, trị giá 3,166 tỷ USD, tăng 0,2% về lượng và tăng 2,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn từ nay tới sau Tết nhưng mặt hàng này sẽ rất thuận lợi ở Mỹ - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính tháng 11/2021.

Xuất khẩu tôm trong 2 tháng cuối năm dự báo tiếp tục phục hồi, khi các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong hoạt động sản xuất và nhu cầu thị trường ở mức cao. Dự tính, xuất khẩu tôm năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 417,3 nghìn tấn, trị giá 3,899 tỷ USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 5,6% về trị giá so với năm 2020.

Trong năm 2021, xuất khẩu tôm được hỗ trợ khi giá tôm tăng. Giá xuất khẩu trung bình tôm của Việt Nam trong tháng 10/2021 đạt 9,73 USD/kg, tăng 0,03 USD/kg so với tháng 9/2021 và tăng 0,62 USD/kg so với tháng 10/2020.

Xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn từ nay tới sau Tết nhưng mặt hàng này sẽ rất thuận lợi ở Mỹ - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan.

Tháng 10/2021, xuất khẩu tôm sang hầu hết các thị trường lớn vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2020, trừ xuất khẩu sang EU tăng nhẹ và xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng mạnh. Tính chung 10 tháng năm 2021, trong các thị trường xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam, xuất khẩu tới Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nga và Úc tăng trưởng tốt, trong khi xuất khẩu tôm tới Nhật Bản, Trung Quốc, Ca-na-đa và ASEAN giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn từ nay tới sau Tết nhưng mặt hàng này sẽ rất thuận lợi ở Mỹ - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan.

Bộ Công Thương cho biết, ngày 24/11/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 15 thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh từ Ấn Độ, theo đó xác định mức thuế chống bán phá giá là 7,15%, tăng so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 14 là 3,06%. 

Các quyết định này có nghĩa là các công ty Mỹ nhập khẩu tôm từ các công ty Ấn Độ bị xem xét hành chính sẽ bị yêu cầu trả thêm thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu từ ngày 1/2/2019 đến ngày 31/1/2020, và sau đó, các công ty sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá đặt cọc bằng tiền mặt ở các mức này đối với tôm nhập khẩu trong tương lai. 

Với kết quả công bố này sẽ khiến cho giá tôm của Ấn Độ giảm tính cạnh tranh trong thời gian tới. Hiện nay tôm Ấn Độ đang cạnh tranh rất mạnh với tôm của Việt Nam ở thị trưởng Mỹ. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ tôm xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Mỹ tới đây và năm 2022. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc từ nay đến sau Tết Nguyên đán sẽ gặp khó khăn do nước này tiếp tục theo đuổi mục tiêu "Zero Covid-19" và thắt chặt kiểm soát hoạt động nhập khẩu thực phẩm, trong đó có mặt hàng thủy sản.

Xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn từ nay tới sau Tết nhưng mặt hàng này sẽ rất thuận lợi ở Mỹ - Ảnh 5.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc khó khăn từ nay tới sau Tết nhưng sẽ rất thuận lợi ở Mỹ.

Thực tế, tình trạng ùn ứ hàng ở các cửa khẩu xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay đã cho thấy rõ những khó khăn này. Tính đến hôm nay (22/12) thống kê chưa đầy đủ của Vasep, đã có gần 1.000 xe container hàng thủy sản đông lạnh, trong đó có nhiều xe hàng tôm bị "tắc" ở khu vực cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh và có thể phải quay về hoặc chuyển hướng xuất khẩu.

Kể từ khi Trung Quốc thông báo tạm dừng nhập khẩu hàng đông lạnh qua đường biển, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm gần như không xuất hàng sang thị trường Trung Quốc.

Thống kê của Vasep, tính đến cuối tháng 9, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 768 triệu USD, giảm 20,5% so với cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm chủ lực là tôm chiếm 39% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, đạt 298 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Với việc siết kiểm dịch cùng với tình trạng tắc ở cửa khẩu, đường biển, Vasep dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc trong quý 4/2021 chỉ đạt 242 triệu USD, giảm 40% và và cả năm 2021 đạt khoảng 1 tỷ USD, giảm 26% so với năm ngoái.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục