Xuất khẩu nông sản Sơn La: Thành công nhờ cả hệ thống chính trị vào cuộc

22/08/2020 16:44 GMT+7
Có được nguồn nông sản chất lượng đã khó, để tiêu thụ tại các siêu thị lớn và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản… còn khó gấp bội.

Có được nguồn nông sản chất lượng đã khó, để tiêu thụ tại các siêu thị lớn và xuất khẩu sang nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Úc, Nga… còn khó khăn gấp bội. Giải bài toán này, 3 năm gần đây, Tỉnh ủy, HDND và UBND tỉnh Sơn La liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến nội dung tiêu thụ nông sản. Tỉnh cũng thành lập Ban chỉ đạo tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, trong đó xác định trái cây là mặt hàng quan trọng.

Đồng hành với người nông dân có những cán bộ, đảng viên tâm huyết, tổ chức đảng ở cơ sở nhiệt tình, trách nhiệm. Điều này rất cần thiết để giúp người nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vững tin và hưởng ứng làm theo.

Xuất khẩu nông sản Sơn La: Thành công nhờ cả hệ thống chính trị vào cuộc - Ảnh 1.

Thương hiệu nhãn Sông Mã

Dịch Covid-19 khiến các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ, xuất khẩu nhãn ở Sơn La không thuận lợi như mọi năm. Cuối giờ chiều hàng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh lại cập nhật công việc để kịp thời chỉ đạo các Sở, ngành có hướng tháo gỡ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nhãn giữa điểm cầu vùng trồng nhãn Sông Mã với hai điểm cầu tại tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc). Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước cũng như thị trường Trung Quốc.

Mỗi một sản phẩm chủ lực chuẩn bị đến vụ thu hoạch, Ban chỉ đạo tiêu thụ và xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La lại tổ chức hội nghị quảng bá sản phẩm tại các siêu thị và thành phố lớn. Đích thân Lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành và Giám đốc HTX giới thiệu, chào hàng.

Xuất khẩu nông sản Sơn La: Thành công nhờ cả hệ thống chính trị vào cuộc - Ảnh 2.

Xoài tượng da xanh của huyện Mai Sơn được xuất khẩu sang Mỹ, Canada

“Trước đây chưa bao giờ có các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành trực tiếp đi giới thiệu các sản phẩm tại các hội chợ, tại các gian hàng nhưng vừa qua, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành đã trực tiếp cùng các HTX, các doanh nghiệp đi giới thiệu các sản phẩm nông sản tại các gian hàng, hội chợ, triển lãm. Điều này làm cho không khí tại nơi đó rất vui, khách hàng cũng rất quan tâm”, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chia sẻ.

Những chỉ đạo kịp thời và quyết liệt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã tạo một làn sóng tới các cấp, ngành, xác định xuất khẩu nông sản là một trong những hoạt động trọng tâm của cả hệ thống chính trị và có cách làm bài bản, trách nhiệm trong từng khâu, nhiệm vụ được phân công.

Ông Nguyễn Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, địa phương vừa triển khai thành công mô hình trồng thanh long ruột đỏ sạch, an toàn xuất khẩu sang thị trường Nga tỏ ra vui mừng khi các chủ trương đã được triển khai hiệu quả.

“Xã rất may mắn khi được Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo và đưa mô hình về xã. Các mô hình khi triển khai đều yêu cầu Đảng ủy viên hoặc cán bộ xã phải làm trước. Khi mô hình có hiệu quả và bà con nhìn thấy và sẽ làm theo”, ông Báu cho biết.

- Cuối năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ra thông báo số 121 về chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc nhằm tạo đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp.

- Năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành thông báo số 1074 về thực hiện kế hoạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Thông báo số 1106 về đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản.

- Cũng trong năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định số 598 thành lập Ban chỉ đạo tỉnh về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.

- Năm vừa qua, HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành nghị quyết 128, dành nguồn lực để hỗ trợ, ưu tiên cho chế biến, xuất khẩu nông sản.

Đánh giá về sự vào cuộc của địa phương, ông Nguyễn Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 1, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết: “ Khi làm việc, hướng dẫn bà con nông dân ở Sơn La, ban đầu tôi rất ngại vì sợ bà con không tuân thủ được về thực hiện cấp mã số vùng trồng đối với những hướng dẫn và quy định của các nước xuất khẩu. Tuy nhiên, sau 3 năm, đến nay bà con đã có những chuyển biến rất lớn. Điều này cũng do tất cả các cơ quan ban ngành, hệ thống chính quyền địa phương vào cuộc rất mạnh, cho nên bà con đã được truyền lửa, nâng cao ý thức, nhận thức về sản xuất nông nghiệp an toàn”.

Còn theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - người đồng hành với nông nghiệp Sơn La nhiều năm qua: “Hệ thống chính trị cũng như Sở ban ngành đến Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đến các huyện rồi đến các xã thực hiện rất quyết liệt, do vậy đã đạt được kết quả rất tốt trong việc quảng bá nông sản cũng như chất lượng và quy trình canh tác của địa phương”.

Xuất khẩu nông sản Sơn La: Thành công nhờ cả hệ thống chính trị vào cuộc - Ảnh 4.

Xe chở Nhãn của Sơn La xuất khẩu sang các nước

Quá trình 3 năm thực hiện thông báo số 1074 về thực hiện kế hoạch tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Ban thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã đem lại những hiệu quả rõ nét tại địa phương.

Điều đầu tiên phải kể đến là tỉnh đã xây dựng được vùng nguyên liệu an toàn, thực hiện quy trình VietGAP và Gap khác, nhiều diện tích đã được cấp mã vùng trồng, thực hiện các giải pháp kỹ thuật để giải vụ. Đây là gốc trong việc tạo thương hiệu để đẩy mạnh tiêu thụ tại các thị trường khó tính. Toàn tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ cách thức tổ chức sản xuất, phát huy vai trò của các HTX. Theo đó, góp phần kết nối giữa các hộ trồng cây ăn quả với các doanh nghiệp, đối tác tiêu thụ, tạo ra vùng sản xuất tập trung, có điều kiện áp dụng công nghệ và quy trình sản xuất an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản, tạo uy tín của các sản phẩm nông sản trên các thị trường, xây dựng chuỗi sản xuất đến tiêu thụ. Nhờ vậy, sản phẩm hoa quả đến vụ thu hoạch đã biết bán tại thị trường nào, giá cả bao nhiêu. Đồng bộ với đó là cả hệ thống chính trị đã vào cuộc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến và kết nối các thị trường,đưa nông sản Sơn La ngày một vươn xa chinh phục cả những thị trường khó tính.

Để nông sản Sơn La tiếp tục vươn xa, hội nhập sâu, khẳng định thương hiệu trên toàn thế giới, nhất là khi chúng ta đã gia nhập EVFTA thì Sơn La còn nhiều việc phải làm với sự đồng hành của các bộ, ngành Trung ương./.

Tuyết Lan - Thanh Thủy
Cùng chuyên mục