Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Doanh nghiệp chậm thay đổi

25/10/2019 08:07 GMT+7
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định như vậy, khi trao đổi với phóng viên về việc Trung Quốc thay đổi trong chính sách kiểm soát nhập khẩu hàng nông sản.
 
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Doanh nghiệp chậm thay đổi - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến.

Từ sự thay đổi của Trung Quốc trong chính sách kiểm dịch nông sản cho thấy, đây không còn là một thị trường dễ tính. Nhận định của ông như thế nào?

- Đợt kiểm tra, giám sát vừa rồi với mặt hàng thanh long cho thấy, Trung Quốc đang tiến tới tiệm cận quy định của các nước tiên tiến. Tất nhiên, việc họ thông báo cho ta và ta thông báo cho khu vực sản xuất và nhà xuất khẩu phải xem xét lại, hai bên cùng trao đổi rút kinh nghiệm để chủ động.

Nếu như quy trình kiểm tra xe vận chuyển như thế thì thông báo cho các tỉnh lượng hàng lên như thế nào cho phù hợp. Thực tế, thanh long ùn ứ là do mỗi ngày Hải quan Trung Quốc chỉ cho thông quan 162 xe nhưng có đến 200 xe lên cửa khẩu.

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Doanh nghiệp chậm thay đổi - Ảnh 2.

Đoàn xe container chở nông sản chờ được thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: P.V

Trung Quốc ngày càng đưa ra những tiêu chí về chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn rất chặt chẽ và khắt khe về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Nếu đảm bảo hai yếu tố đó thì mới nhập được hàng vào. Cách đây  hơn 1 năm, họ đã cảnh báo về điều này nhưng sự bắt nhịp, chuyển biến của các doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được yêu cầu.

Vì vậy, thời gian tới, chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo được an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Cho đến thời điểm này, tình hình tiêu thụ thanh long ở Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) như thế nào, thưa ông?

- Có thể thấy, có mấy yếu tố gây ách tắc tại cửa khẩu Tân Thanh. Theo thông tin cho biết, quy trình kiểm tra xe của Trung Quốc trước đây chỉ mất 2 phút, bây giờ phải mất tới 6 phút. Như vậy, thời gian kiểm tra xe ngay từ đầu vào đã tăng gấp 3 lần. Thứ hai, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch thanh long, lượng hàng tăng lên mà thủ tục lại kéo dài nên mới có hiện tượng ùn ứ, lúc cao điểm có hơn 500 xe bị tắc.

Tôi đã đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ quan phối hợp với phía Trung Quốc như hải quan, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, biên phòng... tăng cường thời gian kiểm tra hàng thông quan lên 9 giờ/ngày. Có những thời điểm đề nghị họ tiếp nhận đến 21 giờ, tức 22 giờ ở Trung Quốc.

Nếu làm được như thế một ngày sẽ tăng được trên 300 xe, lượng nông sản sẽ được tiêu thụ, đảm bảo được chi phí vận chuyển, chất lượng. Trong 2-3 ngày hôm nay, lượng xe tồn đọng giảm.

Nhưng rõ ràng, hiện tượng ùn ứ ở cửa khẩu không phải là lần đầu, thường cứ vào cao điểm mùa vụ là xảy ra hiện tượng này. Vậy về lâu dài, chúng ta cần có giải pháp gì khắc phục tình trạng này, thưa ông?

- Trước mắt và lâu dài phải quy hoạch sản xuất bài bản hơn, tính được nhu cầu thị trường và sản lượng thu hoạch. Hai là bằng giải pháp khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, chúng ta phải rải vụ để sản lượng có thể cao hơn nhưng tiêu thụ vẫn thuận lợi, được giá.

Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo địa phương rà soát lại theo chiến lược sản xuất thanh long trên toàn quốc, cũng như các loại cây trồng khác để có định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đảm bảo phát triển bền vững.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Dân Việt
Cùng chuyên mục