dd/mm/yyyy

Xuân về vùng cao Chiêu Ly

Theo chân trưởng bản Hồ Thú Sử qua những con đường nhỏ quanh co bởi các hốc đá tai mèo lởm chởm để lên đến bản cao Chiêu Ly, xã Sa Lông (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên). Những ngày này, hoa đào đang bung nở khắp các dải rừng, tạo nên một sắc màu thật cuốn hút.

Mùa xuân đã về trên bản vùng cao Chiêu Ly với những cách hoa đào bung nở trên khắp bản và các dải núi, sườn đồi. 76 hộ với trên 400 nhân khẩu của bản Chiêu Ly đang háo hức chuẩn bị cho một mùa xuân mới tươi vui.

Mùa xuân về trên bản cao Chiêu Ly - Ảnh 1.

Bản vùng cao Chiêu Ly, xã Sa Lông (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) rực rỡ sắc hoa đào những ngày đầu xuân mới.

Trước đây, để đến được bản Chiêu Ly, phải trải qua quãng đường chừng 5km đầy gập ghềnh dốc đứng, đá lổm nhổm. Từ tháng 12/2020 con đường ấy đã được bê tông hoá kiên cố, sạch đẹp lên đến tận trung tâm bản.

Bản Chiêu Ly đâu đâu cũng thấy đá. Đá dải khắp đường đi, lối nhỏ trong bản. Đá xếp thành bờ rào, bờ ngăn, bờ kè nhà, bờ giữ đất… Xa xa những hốc đá tai mèo lẫn trong những nương ngô, nương sắn. Những gốc đào cổ thụ tựa mình bên những hốc đá phủ đầy rong rêu.

Chiêu Ly được biết đên như xứ sở của những gốc đào mốc, đào phai cổ thụ có tuổi thọ lên đến trăm năm. Những gốc đào rừng đang bung nở khắp các nẻo rừng.

Những ngày đầu xuân Chiêu Ly như khoác lên mình bộ cánh mới đầy mầu sắc tươi vui. Đâu đó trong bản là những hình ảnh các cô, các chị ngồi trước hiên nhà, bên bàn máy may, tất bật may cho mình những bộ áo váy thổ cẩm mới rực rỡ mặc trong ngày Tết. Cảnh lũ trẻ con chạy nhảy tung tăng, cười đùa.

Mùa xuân về trên bản cao Chiêu Ly - Ảnh 3.

Đá tai mèo lổm nhổm trên con đường vào các hộ dân trong bản Chiêu Ly.

Hơn 400 nhân khẩu của bản Chiêu Ly chủ yếu là người dân tộc Mông Hoa. Ngày tết  trong nhà luôn có vài cân thịt gác trên bếp lửa. "Tết không mổ được trâu, được bò thì phải có lấy vài cân thịt lợn gác bếp thì mới là tết" Trưởng bản Hù Thú Sử nói.

Chia sẻ với phóng viên ông Hồ Thú Sử, trưởng bản Chiêu Ly, xã Sa Lông cho biết: "Bản Chiêu Ly có hơn 300 gốc đào mốc, đào phai có tuổi thọ từ vài năm đến trăm năm tuổi, những gốc đào nằm xen kẽ giữa những hốc đá tai mèo, do ông bà xưa trồng lên.

Mùa xuân về trên bản cao Chiêu Ly - Ảnh 4.

Trưởng bản Hồ A Sử và chị Vàng Thị Dơ bên gốc đào mốc chục năm tuổi.

Chúng tôi coi cây đào cũng như cây ngô, cấy lúa. Đến mùa thì hái quả bán, đến Tết thì chặt lấy một vài cành hoa đẹp đẹp bán đi lấy tiền mua con gà, cân gạo nếp và sắm sang cho gia đình thêm ít vật dụng dùng hàng ngày. Chúng tôi luôn có ý thức bảo vệ những gốc đào cũ, trồng thêm những gốc đào mới. Chúng tôi muốn bản Chiêu Ly rực rỡ sắc hoa đào vào mỗi dịp xuân về".

Mùa xuân về trên bản cao Chiêu Ly - Ảnh 5.

Mùa xuân đến hoa đào nở khắp các vạt rừng ở Chiêu Ly...

Mùa xuân về trên bản cao Chiêu Ly - Ảnh 6.

... và khắp con đường vào bản Chiêu Ly.

Ông Hạng A Tằng, Phó Chủ tịch xã Sa Lông nói: "Xã Sa Lông gồm 6 bản với gần 700 hộ. Bản Chiêu Ly là bản cao và khó khăn nhất trong xã. Bản có 76 hộ thì 52 hộ là hộ nghèo. Cuộc sống hàng ngày của người dân trong bản chủ yếu là trồng lúa, ngô, dứa và chăn nuôi gia súc. 

Do bản Chiêu Ly ở trên cao, nhiệt độ vào mùa đông thường thấp hơn kèm mưa buốt và gió lạnh. Xã Sa Lông đã khảo sát, lấy ý kiến của những hộ dân để có chính sách hỗ trợ cụ thể, đảm bảo người dân trong xã được đón Tết vui vẻ, ấm cúng".

Mùa xuân về trên bản cao Chiêu Ly - Ảnh 7.

Những gốc đào có tuổi thọ trăm năm tuổi tựa thân vào những tảng đá tai mèo.

Với người dân vùng cao Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung, trong không khí mùa xuân mới đang về, ngày Tết có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cứ đến dịp Tết, bà con tạm gác lại công việc gieo trồng, chăn nuôi lại, cùng nhau đón một cái Tết ấm cúng, vui vẻ. Kỳ vọng vào một năm mới được ấm no, sung túc.

Vinh Duy