dd/mm/yyyy

Xử lý bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, khẩn trương nhập khẩu vắc xin

Tại Lạng Sơn và Cao Bằng đã xuất hiện căn bệnh mới ở trâu, bò: Bệnh viêm da nổi cục (VDNC). Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, Cục đang triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch cũng như hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Long, ngay sau khi phát hiện bệnh dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò tại 2 xã thuộc tỉnh Lạng Sơn (xã Quyết Thắng và xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng) và xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, Cao Bằng, Cục Thú y đã thành lập đoàn công tác đến ngay các xã có dịch bệnh nêu trên. 

Được biết, hiện đã có tổng số 147 con bò mắc bệnh, trong đó có 11 con chết.

Xử lý bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò - Ảnh 1.

Vảy, loét, sẹo trên da bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Ảnh: C.T.Y

Bệnh VDNC lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch; thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%.

Cục Thú y đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp của địa phương tổ chức điều tra dịch tễ, mổ khám, chẩn đoán, lấy mẫu để tổ chức xét nghiệm ở nhiều phòng thí nghiệm và đều có kết quả dương tính với VDNC.

Ông Long cho hay, hiện Bộ NNPTNT và Cục Thú y đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện ngay các biện pháp tổ chức cách ly toàn bộ trâu, bò chưa có biểu hiện của bệnh VDNC; nuôi nhốt trâu, bò, dê, cừu tại các khu vực có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Tiêu hủy toàn bộ gia súc có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh VDNC, hoặc gia súc trong cùng địa bàn cấp xã (đã có kết quả xét nghiệm dương tính) có biểu hiện lâm sàng của bệnh VDNC.

Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng,… Khoanh vùng dịch, xã có dịch và lập chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã có dịch.

Không loại trừ có khả năng dịch bệnh cũng có thể đã xuất hiện ở các địa phương khác nhưng chưa được phát hiện (do đã có tình trạng người dân bán chạy bò bị bệnh, nghi bị bệnh). Nguy cơ dịch bệnh VDNC lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Do đó, đối với các địa phương khác chưa có gia súc có biểu hiện của VDNC phải tổ chức thống kê toàn bộ các hộ chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê, cừu) trên địa bàn.

"Các địa phương phải hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi" - ông Long cho biết.

Ông Long cũng cho biết, Cục Thú y sẽ tiếp tục cử các đoàn công tác đến các địa phương có dịch bệnh, địa phương có nguy cơ cao để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và hỗ trợ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Cũng theo ông Long, hiện trên thế giới đã có vaccine phòng bệnh VDNC. Bộ NNPTNT đã giao Cục Thú y chỉ đạo các phòng chức năng, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y T.Ư I và các cơ quan liên quan đang khẩn trương nhập khẩu khẩn cấp vaccine phòng bệnh VDNC để tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và hướng dẫn sử dụng vaccine. 

 

 


Minh Ngọc