Xích lô - nét đẹp Hà Nội vắng bóng vì dịch Covid-19

Đào Nga Thứ bảy, ngày 10/04/2021 07:18 AM (GMT+7)
Xích lô - nét đẹp của phố cổ Hà Nội đang có nguy cơ vắng bóng vì nhiều người chạy xích lô phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bình luận 0

Dịch Covid-19 làm khách du lịch tới Hà Nội giảm mạnh

Trong hoài niệm của người Hà Nội, xích lô đã trở thành một nét đẹp văn hóa, 30 năm trước, nó là phương tiện phổ biến như taxi ngày nay. Bây giờ, người ta không lựa chọn xích lô để đi lại nữa mà chọn xích lô như một trải nghiệm văn hóa. Xích lô chủ yếu phục vụ khách du lịch nước ngoài và một bộ phận nhỏ khách du lịch Việt Nam. Ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách du lịch giảm, cuộc sống của những người làm nghề đạp xích lô cũng vì thế mà lao đao, khốn khó.

Anh Ngô Văn Trình 41 tuổi, quê Nam Định cho biết: "Tôi làm nghề đạp xích lô được 14-15 năm, nuôi 4 con và 1 vợ ở quê. Nghề đạp xích lô phụ thuộc vào ngành du lịch, dịch Covid-19 hoành hành, ngành du lịch gần như đóng băng, đồng tiền kiếm được ngày càng ít ỏi. Trước đây, Hà Nội có 4 công ty xích lô, mình đăng ký với họ, cứ có khách là họ gọi đi. Họ trả cho mình 30-40.000 đồng/tiếng, bây giờ các công ty phá sản hết rồi, anh em chủ yếu làm ngoài hết. Cứ đem xe ra đây lang thang chờ khách thôi".

Dịch Covid -19 nên Hà Nội vắng khách du lịch. Mỗi lần vắng khách nên ông Hồ Văn Tuyền cả ngày ngồi chơi, đọc tin tức trên điện thoại. Ảnh Đ.N

Dịch Covid-19 khiến Hà Nội vắng khách du lịch. Ông Hồ Văn Tuyền cả ngày ngồi chơi, đọc tin tức trên điện thoại. Ảnh Đ.N

 "Trước dịch, tổ xích lô có cả trăm lái xe, hiện tại, chỉ còn vài chục người bám trụ vào nghề này. Thu nhập của chúng tôi cũng không ổn định, ngày nào may mắn thì có 3-4 chuyến, kiếm được vài trăm, có ngày thì không có chuyến nào, thậm chí mấy ngày không có khách. Cứ đi hỏi các anh em khác có người từ sáng đến giờ chưa mở hàng", ông Hồ Văn Tuyền, 50 tuổi, quê Hải Phòng - đạp xích lô khu vực Hồ Gươm - chia sẻ thêm.

Những người đạp xích lô ở quanh Hồ Gươm đều là lao động đến từ một số tỉnh lân cận Hải Phòng, Nam Định và miền Trung. Phần lớn trong số lao động đó đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe yếu, rất khó xin việc. Không ít người có hoàn cảnh rất khó khăn, họ chỉ có thể bám víu vào nghề đạp xích lô để mưu sinh.

"Tôi quê ở Hưng Yên, đạp xích lô từ những năm 1976 đến nay. Dịch dã không có khách, con trai tôi cũng bảo xin cho bố đi làm bảo vệ. Nhưng mà già rồi ai người ta nhận mình nữa, thôi thì cứ bám víu lấy cái nghề này được đồng nào hay đồng đấy", ông Lê Văn Học, 75 tuổi, quê Hưng Yên nói.

"Bỏ nghề, chuyển nghề nhưng vẫn nhớ nghề lắm!"

Theo những người làm nghề đạp xích lô, trước khi có dịch Covid-19, họ làm việc theo sự điều hành của các công ty lữ hành, du lịch trên địa bàn. Thu nhập mỗi tháng dao động từ 7-8 triệu đồng, tháng cao điểm lên tới 10 triệu đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thu nhập của họ giảm mạnh xuống chỉ còn 2-2,5 triệu đồng/tháng.

Câu chuyện trụ lại thành phố kiếm sống của người làm nghề này cũng không mấy khả quan. Thu nhập mỗi ngày một ít đi, trong khi đó chi phí sinh hoạt, ăn uống ngày càng tăng cao. Anh Ngô Văn Trình tâm sự: "Chi phí điện nước, nhà ở mỗi tháng khoảng 500.000 đồng, tôi sống chung với 5 người nữa để tiết kiệm. Ăn cơm bụi 3 bữa mỗi ngày hết 100.000 đồng. Để có tiền gửi về quê cho vợ con, tôi làm thêm vài công việc như "ship" hàng, bốc vác…".

DỊch covid -19, công việc ít nên anh Trình càng nhớ nhà hơn.

Xa nhà, xa vợ con nên những lúc vắng khách anh Trình lại mở điện thoại ngắm ảnh vợ con cho đỡ nhớ. ẢNh: Đ.N

Những người đạp xích lô là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ tiền trong đại dịch Covid-19. Nhưng ngạc nhiên thay, khi được hỏi, hầu hết họ đều trả lời là "biết nhưng cũng không dám trông chờ, phải dựa vào sức lao động của mình là chính". Một số người lại sợ thủ tục giấy tờ lằng nhằng nên không quan tâm.

Một số người làm nghề này không thể chi trả phí sinh hoạt thì về quê làm thợ xây, phụ hồ chờ ngày quay lại Thủ đô. Còn có những người thì chuyển hẳn sang làm nghề khác.

"Tôi mới đăng ký đi chạy Grab rồi, chứ cứ đạp xích lô mãi như này chết đói mất. Bỏ nghề, chuyển nghề nhưng vẫn nhớ nghề lắm! Khi nào buồn buồn thì vẫn mang xích lô ra hồ đạp", ông Tuyền nói.

Chị Hoàng Linh (Hoàn Kiếm) chia sẻ: " Vì dịch Covid-19, cuộc sống của những người đạp xích lô rất khó khăn, nhiều người đã bỏ nghề. Mỗi lần đưa các cháu ra Hồ Gươm chơi, gia đình tôi đều dạo một vòng hồ bằng xích lô. Tôi rất mong các gia đình, các bạn học sinh, sinh viên nếu có điều kiện hãy đi dạo Hồ Gươm, phố cổ bằng xích lô. Một phần để ủng hộ các chú, các bác, một phần để gìn giữ giá trị văn hóa Thủ đô".

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem