dd/mm/yyyy

Xây dựng thương hiệu cỏ ngọt Quỳnh Nhai

Trà cỏ ngọt của Hợp tác xã (HTX) Thảo mộc Quỳnh Nhai (Xóm 5, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai) là một trong 17 sản phẩm được UBND tỉnh Sơn La chọn làm điểm sản phẩm Chương trình OCOP năm 2020. Hiện, HTX Thảo mộc Quỳnh Nhai đang tiến hành chuẩn bị các thủ tục, hồ sơ để tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Quỳnh Nhai nghèo khó, bà Điêu Thị Duy, Giám đốc HTX Thảo mộc Quỳnh Nhai luôn trăn trở, suy nghĩ về việc nuôi con gì, trồng cây gì để đảm bảo đầu ra ổn định, giúp người nông dân Quỳnh Nhai có cuộc sống ấm no. Từ sự trăn trở đó, thông qua một người bạn thân, bà Duy đã biết đến cây cỏ ngọt – một loại cây dược liệu có tác dụng như một thực phẩm chức năng, giúp người dùng hạn chế được các chứng bệnh như: Tim mạch, béo phì, cao huyết áp, tiểu đường…

Xây dựng thương hiệu cỏ ngọt Quỳnh Nhai - Ảnh 1.

Sản phẩm trà cỏ ngọt của HTX Thảo mộc Quỳnh Nhai.

Trò chuyện với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, bà Điêu Thị Duy, Giám đốc HTX Thảo mộc Quỳnh Nhai cho biết: Qua tìm hiểu, tôi thấy đây là cây trồng mới có giá trị kinh tế cao hơn cây ngô, cây lúa. Do vậy, tháng 8 năm 2019, HTX đã mạnh dạn đưa cây cỏ ngọt về trồng thử nghiệm thành công tại bản Mường Giàng, xã Mường Giàng. Hiện, HTX có 0,6ha cây cỏ ngọt được trồng theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn chất lượng cho người tiêu dùng. Trung bình, mỗi năm 1ha cỏ ngọt thu được 70 tấn cỏ tươi. Sau khi phơi khô thu được 7 tấn cỏ khô. Với diện tích 0,6ha cỏ ngọt, mỗi năm HTX thu hơn 4 tấn cỏ khô.

Xây dựng thương hiệu cỏ ngọt Quỳnh Nhai - Ảnh 2.

Từ trồng cỏ ngọt, HTX Thảo mộc Quỳnh Nhai tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ kỹ thuật trồng cỏ ngọt, bà Lò Thị Duyên, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai, cho hay: Cây cỏ ngọt trồng rất đơn giản. Khâu làm đất, lên luống như trồng rau. Phải cày bừa đất cho tơi xốp, bón lót phân chuồng ủ hoai mục. Sau đó dùng màng nilon phủ lên bề mặt luống và đục lỗ nilon trước khi tiến hành trồng bằng hom.

Theo bà Duyên, dùng màng nilon phủ lên mặt luống trồng cỏ ngọt nhằm mục đích giữ được độ ẩm phù hợp cho cây và hạn chế cỏ dại mọc. HTX Thảo mộc Quỳnh Nhai canh tác cỏ ngọt theo hướng an toàn. Không dùng phân vô cơ, thuốc trừ sâu, khâu làm cỏ hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên việc dùng màng nilon sẽ tiết kiệm được chi phí thuê nhân công làm cỏ.

Xây dựng thương hiệu cỏ ngọt Quỳnh Nhai - Ảnh 3.

Bà Lò Thị Duyên, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai (giữa) hướng dẫn HTX Thảo mộc Quỳnh Nhai cách chăm sóc cỏ ngọt.

Được biết, cỏ ngọt sau khi trồng được hơn 2 tháng sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tuy nhiên, lứa cắt đầu tiên năng suất không cao, phải đến lứa thứ 3 mới cho thu hoạch rộ. Sau khi thu hoạch xong mất khoảng từ 45 đến 50 ngày, cỏ ngọt lại cho thu hoạch lứa tiếp theo. Mỗi năm, cỏ ngọt cho thu hoạch được 6 lứa. Cây cỏ ngọt này cho thu hoạch được từ 2 năm - 3 năm, nhưng để có năng suất và chất lượng tốt thì sau khi thu hoạch từ 1 năm – 2 năm nên trồng mới.

Bà Duyên lưu ý: Cỏ ngọt khi ra nụ phải thu hoạch ngay, không nên để cho cỏ nở hoa. Nếu để cỏ ra hoa mới cắt thì năng suất và hàm lượng dinh dưỡng sẽ không cao. Cỏ ngọt sau khi cắt xong phải đem phơi ngay. Nếu để sang ngày tiếp theo mới phơi thì khi sử dụng màu trà bị thâm, không đẹp. Thời gian phơi từ 3 ngày – 4 ngày, trời nắng to chỉ cần phơi 3 ngày là đóng gói thành sản phẩm.

Xây dựng thương hiệu cỏ ngọt Quỳnh Nhai - Ảnh 4.

Để sản phẩm trà cỏ ngọt được xếp hạng OCOP, bà Điêu Thị Duy, Giám đốc HTX Thảo mộc Quỳnh Nhai đề nghị các cấp, các ngành có hỗ trợ HTX trong việc đầu tư một số thiết bị như máy sấy lạnh, máy đóng gói sản phẩm. Đồng thời, hướng dẫn HTX hoàn thiện các thủ tục, hồ trình cấp có thẩm quyền công nhận sản phẩm OCOP.

Bà Điêu Thị Duy, Giám đốc HTX Thảo mộc Quỳnh Nhai cho biết thêm: Hiện nay, HTX Thảo Mộc Quỳnh Nhai đang có 2 dòng sản phẩm là trà cỏ ngọt túi lọc nghiền nguyên lá và trà cỏ ngọt phơi khô đóng gói nguyên. Sản phẩm trà cỏ ngọt túi lọc (20g), giá bán 25.000 đồng/gói. Sản phẩm trà cỏ ngọt phơi khô đóng nguyên (300g), (500g) có giá bán lần lượt từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng/gói.

Ngay từ đầu năm 2020, HTX Thảo mộc Quỳnh Nhai đã chủ động thiết kế bao bì, nhãn mác cho 2 dòng sản phẩm trà cỏ ngọt. Đến nay, HTX đã và đang cung ứng hàng tấn trà cỏ ngọt cho 16 cửa hàng dược phẩm trên địa bàn tỉnh Sơn La và một vài cửa hàng ở tỉnh Điện Biên, Hải Phòng…

Ông Lò Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Mường Giàng, thông tin: Năm 2020, sản phẩm trà cỏ ngọt của HTX Thảo mộc Quỳnh Nhai được chọn làm điểm sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La. Hiện, xã đang cùng với các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ và hướng dẫn HTX làm các thủ tục, hồ sơ, quy trình tham gia đánh giá, xếp hạng. Nếu sản phẩm trà cỏ ngọt của HTX được "gắn sao" OCOP thì đây sẽ là điều kiện tốt để HTX đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho HTX và các xã viên.

"Hiện nay, HTX Thảo mọc Quỳnh Nhai đang liên kết với một số hộ nông dân trên địa bàn xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai để trồng cỏ ngọt với diện tích 5ha. Năm nay, nếu sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh và có được đầu ra ổn định thì trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục ký hợp đồng liên kết các với các hộ dân trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai để mở rộng diện tích trồng cỏ ngọt", Giám đốc HTX Thảo mọc Quỳnh Nhai mong muốn.

Trà cỏ ngọt có một số công dụng như: Ổn định đường huyết, lợi tiểu, thanh thải nhiệt độc; phù hợp với người đang trong giai đoạn giảm cân; ổn định huyết áp, tốt cho bệnh nhân huyết áp cao; thích hợp dùng cho bệnh nhân bị tiểu đường; ổn định dạ dày, đẩy lui các chứng bệnh rối loạn ở đường tiêu hóa và dạ dày; ngăn ngừa mụn chứng cả, giúp da bớt tiết dầu nhờn, mịn màng, sáng khỏe, giảm nguy cơ hình thành nếp nhăn.

Tuệ Linh