Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Hiệp Đức bứt phá ngoạn mục

Hậu Trần – Nghĩa Đại Thứ tư, ngày 11/03/2020 06:00 AM (GMT+7)
Năm 2011, khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), số tiêu chí của các xã ở huyện Hiệp Đức khá thấp, xã đạt cao nhất chỉ 2 tiêu chí. Thế nhưng, qua hơn 9 năm triển khai xây dựng, bằng nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả, Hiệp Đức đã bứt phá mạnh mẽ...
Bình luận 0

Thu nhập tăng lên

Ông Nguyễn Như Công – Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức chia sẻ, huyện có xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu là làm nông nghiệp, hạ tầng còn nhiều hạn chế, nên Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã làm trợ lực rất lớn để huyện phát triển triển đi lên.

img

Hiệp Đức đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả giúp cho người dân có thu nhập ổn định.Ảnh: CTV

"Mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa thêm 2 xã Bình Sơn và Hiệp Hòa đạt chuẩn NTM, đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đã đạt chuẩn NTM. Tập trung các nguồn lực để đầu tư cho các xã chưa đạt chuẩn; chú trọng phát triển sản xuất, chăn nuôi...”.

Ông Nguyễn Như Công

Theo ông Công, xác định mục tiêu chính của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thân của người dân được nâng cao, vì thế, ngoài việc chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở, Hiệp Đức xác định phát triển sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao đời sống của nông dân, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.

“Chính vì thế, huyện luôn coi trọng việc xây dựng và thực hiện đề án phát triển sản xuất. Nhờ đó đã xuất hiện nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình lúa lai Xuyên Hương 178 tại các thôn Phú Cốc Đông, Phú Cốc Tây, An Xá, Mỹ Thạnh..., hay như mô hình cánh đồng mẫu tại các xã Bình Lâm, Quế Thọ, Quế Bình...

Đến nay, huyện Hiệp Đức đã hỗ trợ chuyển đổi hơn 164/196ha diện tích sản xuất lúa không chủ động nước, kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế như: ngô, lạc, đậu, rau các loại và trồng cỏ nuôi bò” - ông Công chia sẻ.

Vị lãnh đạo huyện cho hay, để phát triển và bảo tồn một số loại dược liệu của địa phương như: Cây cà gai leo, cây đinh lăng và cây hoài sơn…, huyện đã hỗ trợ xây dựng 1 vườn ươm cây giống. Bên cạnh đó, huyện đã ban hành Đề án trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025 gắn với khảo sát cấp chứng chỉ rừng FSC. Duy trì diện tích cao su hiện có 1.710ha…

Còn ông Huỳnh Đức Viên – Trưởng phòng NNPTNT huyện Hiệp Đức cho biết, với việc thực hiện Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân nông thôn phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, góp phần nâng cao thu nhập. Giai đoạn 2016-2018, tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt trên 13.300 tấn; Tổng đàn gia súc, gia cầm hàng năm đều tăng, trong đó bò lai đến nay chiếm 87,4% so với tổng đàn...

Kinh tế phát triển ổn định, nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, nhất là kinh tế rừng (trồng keo) đã giúp cho thu nhập của người dân Hiệp Đức tăng lên đáng kể và hộ nghèo giảm mạnh. Nếu như năm 2016, toàn huyện có 2.264 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 19,87% thì đến cuối năm 2019 hộ nghèo giảm mạnh, thu nhập tăng lên đáng kể...

Hạ tầng đầu tư đồng bộ

Ông Nguyễn Như Công cho biết thêm, qua hơn 9 năm xây dựng NTM, bằng nhiều biện pháp, kế hoạch, lộ trình cụ thể, huyện Hiệp Đức đã có nhiều bứt phá mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của kinh tế, đời sống, xã hội… Từ nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM của T.Ư, tỉnh, huyện và các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, thời gian qua huyện Hiệp Đức đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, thiết yếu và dân sinh được tập trung xây dựng ngày một khang trang.

“Riêng trong giai đoạn 2016-2018, huyện đã huy động 146.622 triệu đồng để tiếp tục đầu tư sở sở hạ tầng, trong đó vốn trực tiếp từ chương trình với ngân sách T.Ư, tỉnh là 40.451 triệu đồng; ngân sách địa phương (huyện, xã) 7.370 triệu đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án là 93.166 triệu đồng và nhân dân góp 5.635 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã đầu tư cho thủy lợi 13.819 triệu đồng; giao thông 69.005 triệu đồng; trường học 25.819 triệu đồng, cơ sở vật chất văn hoá 23.385 triệu đồng; cơ sở hạ tầng thương mại, môi trường...” - ông Công chia sẻ.

Nhờ có định hướng đúng, cách làm hiệu quả nên các tiêu chí ở các xã tăng lên đáng kể. Đến nay, huyện Hiệp Đức đã có 5 xã là Quế Thọ, Quế Bình, Bình Lâm và Hiệp Thuận được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem