Xây dựng nông thôn mới ở Đà Nẵng: Hòa Sơn hướng đến miền quê đáng sống

Trần Hậu Chủ nhật, ngày 28/06/2020 16:25 PM (GMT+7)
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt khu vực nông thôn trên địa bàn xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đã có nhiều khởi sắc. Vùng quê yên bình ngày nào giờ đã xuất hiện nhiều ngôi nhà mới khang trang, những con đường nhựa, bê tông phẳng lì...
Bình luận 0

Hòa Sơn “thay da đổi thịt”

Trở lại xã Hòa Sơn sau 5 năm địa phương này về đích nông thôn mới, trước mắt chúng tôi là những con đường nhựa, bê tông, trải dài đến từng thôn, xóm, không hề còn những con đường đất lầy lội, bụi bặm như trước kia. 

Ngắm nhìn những ngôi nhà cao tầng mới xây khang trang, sạch đẹp; ngắm lũ trẻ được học tập, vui chơi trong những ngôi trường đạt chuẩn…, chúng tôi cảm nhận rõ sự “thay da đổi thịt” của vùng quê này.

NTM Đà Nẵng: Hòa Sơn hướng đến miền quê đáng sống - Ảnh 2.

Cơ sở hạ tầng được xây dựng ngày càng đồng bộ, khang trang đã tạo nên diện mạo mới ngày càng văn minh, hiện đại khi về Hòa Sơn hôm nay.

Ông Nguyễn Duy Phương – Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, để có được kết quả này là nhờ có sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Nhờ triển khai chương trình xây dựng NTM, bức tranh quê hương Hòa Sơn đã thay đổi từng ngày, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Đặc biệt, nhận thức của người dân nâng lên rõ rệt, nhân dân tích cực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất phá bỏ tường rào tích cực tham gia xây dựng chương trình NTM cùng với chính quyền địa phương
.

Đặc biệt là mô hình đá trang trí Hòa Sơn khẳng định được chỗ đứng trên thị trường đã giúp cho hàng trăm hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện thu nhập bình quân của xã đạt 54,390 triệu đồng/người/năm cao hơn gấp 2,8 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới hiện chỉ còn 0%.

Ông Phương cho biết thêm, tại thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Sơn chỉ mới hoàn thành 4/19 tiêu chí gồm: điện, bưu điện, y tế và an ninh trật tự xã hội. 

Nhưng với nhiều cách làm hiệu quả, sự lãnh đạo chỉ đạo thường xuyên của UBND huyện Hòa Vang và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của nhân dân, đến tháng 11/2015, UBND xã Hòa Sơn hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM và được UBND TP.Đà Nẵng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

NTM Đà Nẵng: Hòa Sơn hướng đến miền quê đáng sống - Ảnh 4.

Trường học được đầu tư xây dựng mới.

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, điểm nhấn ở Hòa Sơn là cơ sở hạ tầng được đầu tư, nhất là giao thông. Hòa Sơn có 15,41km đường trục xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện gồm các tuyến đường: ĐT601, ĐT602, đường Âu Cơ nối dài, đường tránh Hải Vân, đường Mê Linh và đường Hoàng Văn Thái. 

Các tuyến đường hiện nay được bê tông hóa, nhựa hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt tỷ lệ 100%. Đường trục thôn và đường liên thôn có 13,519km, 100% các tuyến đường được cứng hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiên.

NTM Đà Nẵng: Hòa Sơn hướng đến miền quê đáng sống - Ảnh 5.

Một góc Hòa Sơn hôm nay.

Với mục tiêu tiếp tục nâng cấp hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, một số tuyến đường liên thôn được thành phố, huyện quan tâm đưa vào danh mục chuẩn bị đầu tư mở rộng, làm mới, như tuyến đường liên thôn Phú Thượng - Hòa Khê dài 2.830m, đường liên thôn Xuân Phú - Phú Hạ dài 1.170m, đường liên thôn Xuân Phú - Thượng dài 1.500m.

NTM Đà Nẵng: Hòa Sơn hướng đến miền quê đáng sống - Ảnh 6.

Toàn xã có hơn 100 cơ sở sản xuất đá chẻ, với trên 1.000 lao động hoạt động trên lĩnh vực sản xuất đá chẻ, đã giải quyết được lao động cho địa phương.

Đường ngõ xóm có 39,474 km, 100% các tuyến đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Đường giao thông nội đồng có 3.764m đường giao thông nội đồng tại các cánh đồng Cửa Thu, đồng Địa Thận, đồng Tra Ly thôn Xuân Phú và đồng Hóc Mây thôn An Ngãi Tây 3...

Đường giao thông nội đồng trên địa bàn xã được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm, đạt tỷ lệ 100%.

Hiện tại, Hòa Sơn cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2. Kết quả thực hiện một số tiêu chí nâng cao về triển khai xây dựng thôn kiểu mẫu NTM tại các thôn An Ngãi Tây 1, An Ngãi Tây 2, Hòa Khê, An Ngãi Đông và Đại La từ 2016 đến nay. 

Hiện nay, thôn An Ngãi Tây 1 được công nhận hoàn thành thôn kiểu mẫu NTM vào năm 2017.

Thu nhập ổn định nhờ nghề đá chẻ

“Thay đổi lớn nhất ở Hòa Sơn là kết cấu hạ tầng được xây dựng ngày càng hoàn thiện hơn, điểm sáng phải kể đến là hệ thống giao thông được xây dựng thông suốt, kết nối giữa các địa phương đã tạo điều kiện cho hoạt động giao thương phát triển. 

Ngoài ra, các công trình xây dựng cơ bản như nhà văn hóa, y tế, giáo dục, thông tin liên lạc, điện, nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Tất cả tạo nên "miền quê đáng sống" cho bà con nhân dân Hòa Sơn hôm nay”, ông Phương phấn khởi nói.

NTM Đà Nẵng: Hòa Sơn hướng đến miền quê đáng sống - Ảnh 7.

Hòa Sơn chú trọng đầu tư giao thông, khớp nối giữa các địa phương, qua đó làm “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao được triển khai, như: Mô hình nuôi cá nước ngọt ở thôn An Ngãi Tây 2, nuôi heo, nuôi ếch ở Đại La, trồng chanh không hạt ở thôn Hòa Khê, mô hình nuôi chồn hương và cúi lúi của ông Nguyễn Hoàng Khánh thôn Phú Hạ...

Đặc biệt là mô hình đá chẻ (đá trang trí) Hòa Sơn khẳng định được chỗ đứng trên thị trường đã giúp cho hàng trăm hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Toàn xã có hơn 100 cơ sở sản xuất đá chẻ, với trên 1.000 lao động hoạt động trên lĩnh vực sản xuất đá chẻ, với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng, đã giải quyết được lao động cho địa phương. 

Tiểu biểu phải kể đến cơ sở sản xuất đá của hộ ông Ngô Ngọc Dũng ở thôn Phú Hạ, Nguyễn Thị Phương ở thôn Phú Thượng hay hộ Ngô Thị Kim Hương ở thôn Xuân Phú… Các cơ sở sản xuất tiêu biểu trên thu nhập bình quân từ 300-400 triệu đồng/hộ/năm.

Ông Ngô Ngọc Dũng – chủ cơ sở sản xuất đá chẻ ở thôn Phú Hạ cho biết, làng đá chẻ Hòa Sơn chủ yếu tập trung ở thôn Phú Hạ, Phú Thượng. Mỗi cơ sở sản xuất đá thường được bố trí thành ba bộ phận: đập đá, cưa đá và chẻ đá. 

Cơ sở nhỏ thì có 5-7 lao động, còn cơ sở lớn giải quyết việc làm cho 10-15 lao động. Trung bình mỗi người đứng máy cắt được khoảng 2m3 đá nguyên liệu (đá hộc) và cho ra khoảng 15m2 đá ốp lát, gọi là đá trơn.

NTM Đà Nẵng: Hòa Sơn hướng đến miền quê đáng sống - Ảnh 8.

Hòa Sơn có nhiều tiềm năng để thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là làng nghề đá chẻ Hòa Sơn, chả Yến Tiên, nước uống tinh khiết Bigc.


Xây dựng nông thôn mới ở Đà Nẵng: Hòa Sơn hướng đến miền quê đáng sống - Ảnh 9.

Nhờ làm đá chẻ mà các hộ dân có thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu.

“Hiện, đá chẻ Hòa Sơn đã có mặt trên thị trường xây dựng khắp cả nước và được xuất khẩu sang một số nước, với giá bán trung bình 45.000-100.000 đồng/m2, tùy mẫu mã, chủng loại”, ông Dũng cho hay. 

“Về “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Hòa Sơn đã chọn 3 sản phẩm là: đá chẻ Hòa Sơn, chả Yến Tiên và nước uống tinh khiết Bigc. Trong năm 2020, địa phương đang tập trung hoàn thiện sản phẩm nước uống tinh khiết Bigc, nhằm hướng đến xây dựng thành công sản phẩm đặc trưng của địa phương”, ông Phương nói.

Đặc biệt là mô hình đá trang trí Hòa Sơn khẳng định được chỗ đứng trên thị trường đã giúp cho hàng trăm hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện thu nhập bình quân của xã đạt 54,390 triệu đồng/người/năm cao hơn gấp 2,8 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới hiện chỉ còn 0%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem