dd/mm/yyyy

Xây dựng nông thôn mới đụng đâu khó đấy

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, xã Bình Thanh (Cao Phong) đạt 10 tiêu chí. Nhưng quãng đường còn lại vô cùng gian nan.

Là xã thuần nông nằm trong vùng lòng hồ sông Đà gần thành phố Hòa Bình. Xã có đường giao thông nông thôn thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng, nuôi cá lòng hồ, trồng cây có múi. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền xã tập trung mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng nông thôn mới để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và nhất là nâng cao thu nhập cho người dân.

Người dân xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh, Cao Phong nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa nhằm thu hút khách du lịch.
Thữ hiện tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới người dân xóm Giang Mỗ, xã Bình Thanh, Cao Phong đang nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa nhằm thu hút khách du lịch.

Đến hết năm 2016 xã thực hiện một số tiêu chí nông thôn mới đạt yêu cầu: thu nhập đầu người đạt 19,8 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,27%, 100% hộ dùng điện lưới và sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 98%...

Đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho biết: Ngoài nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, định hướng của Đảng bộ, chính quyền xã phát triển kinh tế là đánh bắt, nuôi thủy sản, chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây có múi và du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, định hướng là thế nhưng đụng đâu vướng đó có nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Xã Bình Thanh có hơn 200 ha mặt hồ thuận lợi cho đánh bắt và nuôi thủy sản. Cả xã có gần 50 lồng cá. Nhiều năm nay, số lượng lồng cá của nhân dân không tăng, nguyên nhân do mực nước không ổn định. Địa hình lòng hồ có nhiều suối chảy, gần khu dân cư nên lũ đầu mùa nguồn nước ô nhiễm, cá bị bệnh chết nhiều. Năm 2015, do nguồn nước, cá bị bệnh chết, bà con không mặn mà với việc nuôi cá lồng.

Những năm gần đây, nhận thấy cây có múi mang lại giá trị kinh tế cao nên một số hộ đã chuyển đổi diện tích đất đồi giá trị kinh tế thấp sang trồng cây có múi. Đến nay, cả xã trồng được 60 ha cam, bưởi. Một số diện tích đã cho thu hoạch thu nhập cao hơn hẳn các cây trồng khác. Theo Nghị quyết của Đảng bộ Bình Thanh sẽ trồng khoảng hơn 100 ha. Tuy nhiên, do đất đồi không còn nên phải chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.

Giang Mỗ là một những bản đầu tiên của tỉnh phát triển du lịch cộng đồng. So với trước, khách đến bản giảm nhiều nguyên nhân là do đầu tư hạ tầng manh mún, cảnh quan của bản đã thay đổi nên khách không mặn mà ở lại bản. Do khách du lịch ít, không sống được bằng nghề làm du lịch nên nhiều hộ đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu khác. Do vậy mất đi vẻ đẹp hoang sơ của bản. Hiện, bản chỉ còn vài hộ là sinh sống được bằng nghề du lịch, còn hầu hết sống bằng sản xuất nông nghiệp.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, Đảng bộ, chính quyền xã đang tập trung nguồn lực tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế, vận động nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi thủy sản ở những diện tích mặt hồ thuận lợi, phòng tránh dịch bệnh; chuyển đổi những cây trồng thu nhập thấp hoặc rừng sản xuất không hiệu quả sang trồng cây có múi; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ đầu tư xây dựng bản du lịch Giang Mỗ; tuyên truyền cho người dân giữ gìn bản sắc văn hóa, tạo nhiều sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Phấn đấu đến hết năm 2020 xã cơ bản hoàn thành những tiêu chí nông thôn mới.

 

Việt Lâm