Xây dựng hệ thống thông tin đất đai: Quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên đất

Hoài An Thứ năm, ngày 08/10/2020 07:00 AM (GMT+7)
Bà Phạm Thị Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) cho biết, đến nay, hệ thống khung chính sách pháp luật về quản lý sử dụng đất đã được liên tục hoàn thiện với việc ban hành Luật Đất đai các năm 1987, 1993, 2003, 2013 và được quốc tế công nhận là tương đối đầy đủ và hợp lý.
Bình luận 0

Còn nhiều bất cập

Luật Đất đai năm 2013 (đang có hiệu lực thi hành) đã có những nội dung đổi mới quan trọng như: Nâng thời hạn giao đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân; công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng đất; quy định việc tham gia của người dân, trách nhiệm giải trình của Nhà nước; quy định cụ thể về việc giám sát đối với công tác quản lý, sử dụng đất của các cơ quan dân cử, của công dân và hình thành hệ thống theo dõi, đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất.

Tuy nhiên, năng lực thực thi chính sách pháp luật của ngành quản lý đất đai vẫn tiếp tục là hạn chế cơ bản, khoảng cách giữa khung chính sách và hiệu quả thực thi pháp luật vẫn còn khá lớn, đặc biệt, khung chính sách không được thực thi một cách thống nhất giữa các địa phương trong cả nước.

Xây dựng hệ thống thông tin đất đai: Quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên đất - Ảnh 1.

Ngành quản lý đất đai đã thực hiện thí điểm kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai. Ảnh: P.V

Với nguồn đầu tư từ trước đến nay, cơ sở dữ liệu địa chính ở Việt Nam đã bắt đầu được hình thành, tuy nhiên việc lưu trữ dữ liệu còn phân tán và chưa được quản lý, đưa vào vận hành một cách tối ưu, dẫn tới hiệu quả khai thác và sử dụng những dữ liệu này cho công tác quản lý của Nhà nước còn nhiều hạn chế.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra hạn chế về năng lực thực thi ở các cơ quan quản lý đất đai là do các cơ quan này chưa có đủ năng lực và các công cụ cần thiết để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là năng lực và các công cụ để vận hành hệ thống quản lý đất đai dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó, hạ tầng thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia - yếu tố cốt lõi để hỗ trợ vận hành công tác chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính cũng như phục vụ cho việc phối, kết hợp các bên có liên quan khác vẫn còn thiếu và yếu. Thông tin đăng ký đất đai vẫn chưa hoàn thiện, chủ yếu ở dạng hồ sơ giấy và độ tin cậy thấp; nhu cầu khai thác thông tin đất đai chưa được đáp ứng đầy đủ do chưa có hạ tầng thông tin hiện đại; chưa xây dựng được hệ thống theo dõi, đánh giá hiệu quả.

Nhìn ra thế giới

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai là công cụ để thực hiện tốt nhất công tác quản trị hiện đại; giúp Chính phủ kiểm soát tốt nhất tài nguyên đất; cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân; đây là các yếu tố quan trọng góp phần giảm đói nghèo, giúp tăng trưởng GDP theo đầu người và GDP cho cả nước. Hay nói cách khác, hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai chính là hạ tầng mềm và công cụ để cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ quản lý đất đai, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.

Các quốc gia đã thành công trong việc xây dựng và ứng dụng hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu đều giành nguồn đầu tư thích đáng cho việc: Xây dựng hành lang pháp lý, thiết kế mô hình hệ thống, phát triển phần mềm ứng dụng và quản lý, đầu tư phần cứng, xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai, đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho xây dựng, vận hành và duy trì hệ thống thông tin đất đai, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tính hữu ích của hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu; vận hành và bảo trì hệ thống.

Bên cạnh đó, có khoảng 80% các quyết định về các lĩnh vực kinh tế, chính trị hay xã hội của các cơ quan quản lý nhà nước đều cần tới những thông tin có yếu tố vị trí địa lý hay thông tin về không gian. Trước đây, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, việc cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin này phục vụ quá trình ra quyết định là một thách thức lớn đối với cơ quan quản lý đất đai.

Theo bà Phạm Thị Thịnh, để nâng cao tính hiệu quả của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cần rất chú trọng vào khâu khai thác, cập nhật và chia sẻ dữ liệu. Công cụ để thực hiện tốt việc cập nhật, sử dụng và chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai chính là việc thiết kế và xây dựng một hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu trong đó cho phép lưu trữ dữ liệu đất đai tập trung tại một đầu mối, qua đó cho phép chia sẻ thông tin nhanh chóng, chính xác cho tất cả những đối tượng có nhu cầu và quyền hạn sử dụng dữ liệu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem