Vui buồn với nước mắt, nụ cười của nông dân trên hành trình đi tìm lời giải cho mô hình "lúa thơm, tôm sạch"

Lư Dũng - Hoàng Lam Thứ tư, ngày 06/12/2023 11:31 AM (GMT+7)
Theo nhóm tác giả loạt bài: "Nâng tầm lúa thơm, tôm sạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long" của báo Bạc Liêu, Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam cần tiếp tục được tổ chức và mở rộng hơn nữa, với mục tiêu làm thay đổi nhận thức, tư duy của người nông dân.
Bình luận 0
Vui buồn với nước mắt, nụ cười của nông dân trên hành trình đi tìm lời giải cho mô hình "lúa thơm, tôm sạch"  - Ảnh 1.

Khi triển khai loạt bài: "Nâng tầm lúa thơm, tôm sạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi thấy, trong 10 năm trở lại đây, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng đất lắm phù sa vốn được thiên nhiên ưu đãi đã không còn giàu có, hào phóng như thời khai hoang, mở cõi. Tài nguyên nước và lượng phù sa dồi dào từ thượng nguồn Mekong đổ về bồi đắp và tắm mát cho đồng bằng bao đời nay trở nên cạn kiệt. 

Nguồn nước ngọt ví như "sữa mẹ" tạo sinh kế và nuôi sống hàng triệu nông dân của đồng bằng ngày một ít đi, nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn nhiều và gay gắt hơn. Có nhiều tiểu vùng sản xuất bị đẩy vào cảnh "chết khát", thất mùa mất trắng. Biến đổi khí hậu (BĐKH) và thay đổi của dòng chảy đã làm đảo lộn sinh kế của người dân đồng bằng. 

Vui buồn với nước mắt, nụ cười của nông dân trên hành trình đi tìm lời giải cho mô hình "lúa thơm, tôm sạch"  - Ảnh 1.

Nhà báo Lư Trung Dũng (Báo Bạc Liêu) trong một lần trao đổi với nông dân về thực tế sản xuất.

Song, điều đáng trăn trở và cảnh báo hơn cả là "sức khỏe" của đồng bằng đã vượt quá khả năng chống chịu trước sự gia tăng nhanh của BĐKH trong điều kiện lượng phù sa, nước ngọt từ thượng nguồn đổ về ngày một giảm sâu. 

Do vậy, cần lắm một mô hình sản xuất để hóa giải nguy cơ này và góp phần tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng theo hướng chủ động thích ứng, "sống chung" với BĐKH. Đồng thời, biến các thách thức, khó khăn trở thành cơ hội, tiềm năng cho phát triển bền vững.

Với những trăn trở ấy, chúng tôi đã làm một cuộc điều tra và mất gần 1 năm để rong ruổi ở các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL cho việc tìm giải đáp cho những câu trả lời: Vì sao nông dân chưa thể làm giàu? Nông dân sẽ làm gì để ứng phó với BĐKH? ĐBSCL sẽ đi về đâu khi gần 95% nguồn nước lệ thuộc hoàn toàn vào thượng nguồn Mekong?

Mỗi nơi đến là một cảm xúc, đó là tình cảnh nông dân rơi nước mắt do hạt lúa bọng lép vì xâm nhập mặn (tỉnh Kiên Giang), cùng những ánh mắt lo sợ về viễn cảnh trong tương lai khi môi trường sống cho con tôm đã ô nhiễm đến mức cảnh cáo với những dòng nước đen ngòm chảy trong các kênh nội đồng (tỉnh Cà Mau), rồi những nụ cười sảng khoái của nông dân khi tìm ra một mô hình sinh kế mới trên mô hình sản xuất lúa-tôm (tỉnh Bạc Liêu) và cả những trăn trở, đề xuất, hiến kế, dự báo của các nhà khoa học, nhà quản lý kinh tế ở trong và ngoài khu vực ĐBSCL.

Vui buồn với nước mắt, nụ cười của nông dân trên hành trình đi tìm lời giải cho mô hình "lúa thơm, tôm sạch"  - Ảnh 2.

Nhà báo Đỗ Hoàng Lam trao đổi với nông dân về mô hình chuyển đổi sản xuất trên đất nhiễm mặn tại tỉnh Bạc Liêu.

Tác phẩm "Nâng tầm lúa thơm, tôm sạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long" tuy chưa soi rọi hết các góc khuất và thể hiện hết nội dung cần khai thác, nhưng lại ướt đẫm mồ hôi của chúng tôi với mong muốn thông qua tác phẩm này thể hiện cái lo và cả cái khó của người nông dân. 

Chính sách cho con tôm, cây lúa được ban hành khá nhiều nhưng nông dân vẫn khó tiếp cận và chưa thể giúp họ làm giàu. Cũng như tư duy sản xuất hàng hóa nhỏ vốn đã kìm hãm khát vọng làm giàu của người nông dân. Đây chính là lực cản trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh". 

Vì thế, theo tôi Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam cần tiếp tục được tổ chức và mở rộng hơn nữa, với mục tiêu làm thay đổi nhận thức, tư duy của người nông dân, chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp, tạo ra sản phẩm cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và hướng đến phát triển bền vững. 

Đồng thời, hình thành nên những kênh thông tin quan trọng giúp cho Đảng, Chính phủ và các địa phương trong việc xây dựng, ban hành chính sach về "tam nông".

Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp chỉ đạo; giao báo Nông thôn ngày nay, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) tổ chức thực hiện. Agribank cũng là nhà tài trợ của giải.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem