Vụ nuôi cá bằng phân lợn: Ảnh hưởng cả người dùng và người nuôi

Duy Hậu Thứ hai, ngày 13/06/2016 13:18 PM (GMT+7)
Chi cục Thủy sản tỉnh Đắk Lắk khẳng định việc nuôi cá bằng phân lợn trong hồ nước thải từ hầm biogas là không phù hợp. Việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, mà chính người nuôi cũng không có lợi.
Bình luận 0

Vừa qua, Dân Việt  đã đăng tải clip: “Kinh hoàng nuôi cá bằng... phân lợn trực tiếp từ hầm biogas”, phản ánh việc một số hộ dân ở xã Ea Đar, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) lấy nước thải từ hầm biogas và phân lợn tươi để nuôi cá trê.

Clip này ngay sau đó đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của bạn đọc, trong đó đa phần các ý kiến cho rằng việc nuôi cá theo hình thức trên là hết sức bình thường. Thậm chí, có ý kiến khẳng định đây là mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) góp phần xóa đói giảm nghèo ở một số địa phương.

img

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đắk Lắk, cách nuôi cá này của người dân xã Ea Đar là không đúng kỹ thuật mô hình VAC.

Để có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, ngày 13.6, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đắk Lắk.

Theo ông Thảo, hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học nào về việc nuôi cá theo kiểu trên, vì các kiểu nuôi cá này nếu có thì chỉ là những mô hình nhỏ lẻ.

Ông Thảo khẳng định, việc nuôi cá trong môi trường ô nhiễm (lấy nước thải từ hầm biogas) và cho cá ăn bằng phân lợn tươi không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hộ chăn nuôi. Bởi trước hết, môi trường không tốt sẽ khiến cá chậm lớn, dễ phát sinh dịch bệnh. Việc dùng phân tươi để cho cá ăn sẽ khiến nguồn nước càng ô nhiễm khiến một số loại tảo phát triển nhanh làm  ôxy trong nước giảm mạnh khiến cá bị chết.

Bên cạnh đó, với cách nuôi này, cá sẽ bị nhiễm một số chất có nguồn gốc NH3, H2S, kim loại nặng... là độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ngoài ra, nếu cho cá ăn phân của gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh thì sẽ thành dịch, lây lan nhanh.

“Không phải bất cứ chất nào khi cá ăn vào cũng sẽ được chuyển hóa. Một số chất trong đó không thể tiêu hóa được sẽ tích tụ trong cơ thể cá. Và, con người khi ăn phải những chất này sẽ bị ảnh hưởng. Hiện nay, một số nơi người ta cũng nuôi cá dưới hầm chất thải, nhưng mục đích của việc này là chỉ nhằm cải thiện nguồn nước trước khi thải ra môi trường, cá nuôi ở đó không thể dùng làm thực phẩm” - ông Thảo nói.

img

Nuôi trong môi trường tốt, cá trê sẽ phát triển nhanh và ít bị dịch bệnh (ảnh minh họa).

Cũng theo ông Thảo, cách làm của các hộ dân ở Ea Đar như Dân Việt phản ánh không phải là mô hình VAC đang được áp dụng. Theo đúng kỹ thuật, trước khi đưa xuống hồ cá, phân động vật phải được ủ oai. Quá trình này sẽ làm các loại khí độc như NH3, H2S... bay đi đồng thời sẽ sản sinh ra các vi sinh vật có lợi và một số loại côn trùng có thể làm thức ăn cho cá. Từ đó, môi trường nước sẽ được cải thiện giúp cá nhanh lớn, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi, an toàn cho người tiêu dùng.

Ông Thảo khuyến cáo, người dân khi muốn nuôi cá theo mô hình này cần phải tìm hiểu kỹ quy trình kỹ thuật, không nên “biến tấu”, vừa không có lợi cho chính mình mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem