Vụ “chuyển 15,6 triệu USD vào dự án”: Đăng ký đầu tư ở TP.HCM, còn Long An thì … không???

Đông Anh Thứ năm, ngày 07/01/2021 06:56 AM (GMT+7)
Tranh chấp trong vụ việc tạm ứng 15,6 triệu USD thực hiện dự án trường đua ngựa và bất động sản tại Long An kéo dài từ năm 2007 đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Bình luận 0

Báo Dân Việt đã đăng bài "Chuyển 15,6 triệu USD vào dự án: Vì sao không đăng ký đầu tư ?" (ngày 13/11/2019). Bài báo phản ánh việc tranh chấp pháp lý giữa Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát (TP.HCM) và đối tác là Công ty China Policy Limited (CPL), xung quanh khoản tiền 15,6 triệu USD mà CPL "tạm ứng" cho dự án ở tỉnh Long An.

Vì sao không chứng minh được "tư cách pháp nhân" nhà đầu tư ?

Gần đây, nhằm giải quyết tranh chấp này, Cục Thi hành án (THA) dân sự tỉnh Long An đã tổ chức cuộc họp đối thoại giữa đại diện 2 doanh nghiệp. 

Trong cuộc họp này, bà Thái Thị Hồng Hậu – Phó Tổng Giám đốc Công ty Hồng Phát – cho biết: "Hồng Phát nỗ lực thực hiện Phán quyết năm 2013 của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, là cùng CPL thành lập công ty liên doanh để thực hiện dự án bất động sản (do Hồng Phát là chủ đầu tư) ở tỉnh Long An".

Tuy nhiên, để thành lập công ty liên doanh, luật pháp Việt Nam yêu cầu CPL (trụ sở tại British Virgin Islands) phải chứng minh "tư cách pháp nhân", khi rót 15,6 triệu USD vào dự án, với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài, theo đúng quy định của luật pháp Việt Nam.

Vụ “chuyển 15,6 triệu USD vào dự án”: Đăng ký đầu tư ở TP.HCM, còn Long An thì… không cần (?) - Ảnh 1.

Một góc dự án bất động sản do Công ty Hồng Phát làm chủ đầu tư ở tỉnh Long An. Ảnh: V.C

CPL phải đăng ký đầu tư và được cấp Giấy chứng nhân đăng ký đầu tư; đồng thời, CPL phải đăng ký mở tài khoản góp vốn và gửi hồ sơ đăng ký tài khoản góp vốn cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

"Số tiền 15,6 triệu USD chuyển vào dự án phải đúng là tiền của nhà đầu tư có tư cách pháp nhân. Công ty liên doanh không thể thành lập, nếu CPL không đáp ứng được các yêu cầu trên. Nhưng trên thực tế, nhiều năm nay, CPL vẫn chưa chứng minh được CPL có tư cách pháp nhân là nhà đầu tư. Vì vậy, đến nay việc liên doanh giữa Hồng Phát và CPL vẫn bế tắc. Cái này, Hồng Phát không thể làm thay CPL" – bà Hậu nói.

Trong khi đó, ông Lương Văn Trung – luật sư, đại diện cho CPL tại Việt Nam – cho rằng, pháp luật Việt Nam không quy định khi chuyển tiền vào dự án, phải chứng minh "tư cách pháp nhân", nên CPL không thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư (?!).

Vụ “chuyển 15,6 triệu USD vào dự án”: Đăng ký đầu tư ở TP.HCM, còn Long An thì… không cần (?) - Ảnh 3.

Bảng thông tin chi tiết dự án tại hiện trường. Ảnh: V.C

Bà Thái Thị Hồng Hậu không chấp nhận ý kiến này. Theo bà Hậu, tại một dự án khác do CPL làm chủ đầu tư, có vốn điều lệ 23,3 tỷ đồng. 

CPL triển khai thực hiện tại phòng 1901, tầng 19, Tòa nhà Sài Gòn Trade Centre, số 37 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. CPL đã thực hiện đăng ký đầu tư rất nghiêm túc và đã được Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh ngày 29/1/2019.

"Với việc góp vốn đầu tư vào dự án ở tỉnh Long An, thật vô lý, đại diện CPL lại trả lời " không cần thiết thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư". Hóa ra luật pháp ở Long An và luật pháp ở TP.HCM khác nhau?" – bà Hậu bức xúc.

Văn bản của Bộ Kế hoạch - Đầu tư "chỉ đọc cho vui" (?)

Trả lời xung quanh việc góp vốn đầu tư dự án tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã có văn bản số 2436/BKHĐT-PC ngày 17/4/2018, khẳng định: CPL phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, mở tài khoản góp vốn… như mọi doanh nghiệp.

Thế nhưng, ông Lương Văn Trung – đại diện cho CPL – lại cho rằng: "Văn bản này (tức Văn bản số 2436 của Bộ Kế hoạch – Đầu tư) đọc cho vui, không có giá trị gì". Chưa hết, ông Trung nhấn mạnh văn bản trên cũng "không phải để tham khảo, mà chỉ đọc cho vui" thôi (?!).

Vụ “chuyển 15,6 triệu USD vào dự án”: Đăng ký đầu tư ở TP.HCM, còn Long An thì… không cần (?) - Ảnh 4.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn từ cản trở của đối tác, nhưng gần 14 năm qua, Công ty Hồng Phát vẫn nỗ lực duy trì dự án. Ảnh: V.C

Trước những bất đồng quan điểm chưa thể dung hòa giữa 2 doanh nghiệp, nên việc thành lập công ty liên doanh cùng thực hiện dự án bất động sản ở tỉnh Long An vẫn lâm vào bế tắc.

Riêng với Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát, sau gần 14  năm dự án bị đình trệ, doanh nghiệp này bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Tranh chấp với đối tác, gần 14 năm vẫn ... chưa tìm thấy lối ra

Công ty Hồng Phát là chủ đầu tư dự án trường đua ngựa và bất động sản, tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Dự án được tỉnh Long An thuận chủ trương, cấp phép thực hiện có quy mô 500 ha. 

Năm 2007, Hồng Phát ký "thỏa thuận khung" với CPL để cùng liên doanh, hợp tác thực hiện dự án. Sau đó, CPL đã chuyển 15,6 triệu USD vào dự án để chi phí cho bồi thường, giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 1, với diện tích 232,6 ha.

Trong lúc giá đền bù phát sinh, cộng với việc phải xây dựng khu tái định cư cho người dân; Công ty Hồng Phát yêu cầu CPL bổ sung thêm chi phí… Nhưng, CPL đã không chấp nhận. Để không bị thu hồi dự án, Hồng Phát đã tự bổ sung vốn để hoàn tất bồi thường, thủ tục đất đai, ra được 13 Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) do Hồng Phát đứng tên.

Lúc này, CPL trở lại kiện Hồng Phát, đòi quyền lợi tại 232,6 ha đất dự án đã bồi thường. CPL gửi văn bản tới các cơ quan chức năng ngăn chặn Hồng Phát giao dịch, thế chấp vay vốn ngân hàng tại 13 số đỏ trên.

Vụ “chuyển 15,6 triệu USD vào dự án”: Đăng ký đầu tư ở TP.HCM, còn Long An thì… không cần (?) - Ảnh 5.

Hình ảnh một phần hiện trường dự án được Hồng Phát phát triển trong nhiều năm qua. Ảnh: V.C

 

Vụ việc được đưa ra phán xử tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam vào tháng 4/2013. Nơi đây ra phán quyết buộc Hồng Phát và CPL tiếp tục thành lập công ty liên doanh để thực hiện dự án trên.

Cục THA dân sự tỉnh Long An đã ra văn bản phong tỏa, ngăn chặn giao dịch của 13 sổ đỏ… Sau đó, đơn vị này đã tháo gỡ phong tỏa; nhưng ngày 18/12/2018, Cục THA dân sự tỉnh Long An lại ra tiếp văn bản "tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản" của 13 sổ đỏ (232,6 ha đất) do Hồng Phát đứng tên.

Mặc dù bị thiệt hại nặng nề, Công ty Hồng Phát vẫn nỗ lực thực hiện Phán quyết của trọng tài, nhằm tiến đến cùng CPL thành lập công ty liên doanh. 

Tuy nhiên, việc thành lập công ty liên doanh đã không dễ dàng, khi phía CPL, cho đến nay vẫn chưa chứng minh được "tư cách pháp nhân" là nhà đầu tư theo đúng quy định của luật pháp Việt Nam.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem