Vòng đời 1 chai nhựa, bí mật kiếm tiền của tỷ phú không ai ngờ

31/10/2020 15:24 GMT+7
Chuyển dịch từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn đang là xu thế chung trên thế giới. Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra giá trị kinh tế lớn.

Rác thải là tài nguyên

Các dự báo cho thấy, lượng rác thải tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng gần 15 năm tới. Lượng rác thải hàng ngày quá mức, các chương trình tái chế kém hiệu quả làm vấn đề môi trường thêm nghiêm trọng.

Các doanh nghiệp FDI đều lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam, làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế trong dài hạn. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng: Là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số nhưng Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với khoảng 1,83 triệu tấn/năm. Phần lớn chất thải tại Việt Nam được chôn lấp mà không qua xử lý. Không chỉ gây hại môi trường mà còn lãng phí nguồn nguyên liệu giá trị, có thể được tái chế sử dụng.

Vòng đời 1 chai nhựa, bí mật kiếm tiền của tỷ phú không ai ngờ - Ảnh 1.

Rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, là vấn đề đáng báo động tại Việt Nam

Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần phải chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn vì đây là một giải pháp hiệu quả. Chuyển dịch từ kinh tế truyền thống (tuyến tính) sang kinh tế tuần hoàn đang là xu thế chung trên thế giới. Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ tạo tác động tích cực cho môi trường, xã hội mà còn tạo ra giá trị kinh tế lớn.

Kinh tế tuần hoàn được hiểu là một hệ thống có tính tái tạo và khôi phục thông qua việc thay đổi cách mà hàng hoá, dịch vụ được thiết kế, sản xuất và tiêu dùng. Từ đó, kéo dài tuổi thọ của vật chất, chuyển chất thải từ điểm cuối của hệ thống trở lại điểm đầu, giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường.

Nó khác hoàn toàn với mô hình kinh tế tuyến tính là khai thác tài nguyên làm đầu vào cho sản xuất rồi tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường. Vì vậy, dẫn đến gia tăng chất thải, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Kinh tế tuần hoàn đem lại 4 lợi ích cơ bản thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, bao gồm: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội. Tại châu Âu đi đầu là Thụy Điển, Hà Lan, Đức và Đan Mạch; tại châu Mỹ tiêu biểu là Canada, Hoa kỳ, còn tại châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Tính đến nay đã có khoảng 34 quốc gia với 118 mô hình tiêu biểu thực hiện việc chuyển dịch này.

Thụy Điển là quốc gia hàng đầu thế giới về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn qua việc quản lý rác: 99% lượng rác thải đã được tái chế, chỉ 1% được chuyển đến các bãi rác. Với Thụy Điển, ngày nay rác cũng là tài nguyên.

Giá trị lớn

Tại Việt Nam, đã có doanh nghiệp chuyển hướng sang kinh tế tuần hoàn, chủ yếu là các tập đoàn đa quốc gia. Đại diện của Heineken Việt Nam cho biết đã tư duy cho vòng đời sản phẩm. Đó là thiết kế các chức năng phụ sau lần sử dụng thứ nhất, tạo ra sản phẩm có độ bền cao và ít lỗi thời, tối đa hóa sử dụng nguyên liệu và quy trình xử lý, khai thác nguồn phế thải hiện hữu, sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng nước...

Vòng đời 1 chai nhựa, bí mật kiếm tiền của tỷ phú không ai ngờ - Ảnh 3.

Việt Nam cần biến rác thải thành tài nguyên như một số nước đã áp dụng

Đến nay, Heineken Việt Nam gần như không còn chất thải chôn lấp nhờ tái sử dụng và tái chế tới 99%. Chai và két bia sau khi ra thị trường đều được thu hồi về nhà máy, trải qua quá trình khử trùng nghiêm ngặt, đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh để có thể tái sử dụng. Nút chai được thu gom làm thép, để xây những cầu nhỏ tại khu các khu dân cư.

Đại diện Công ty URC Việt Nam cũng có chia sẻ tương tự. Trong tất cả các hoạt động sản xuất, công ty luôn chú trọng nguyên tắc: giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế, để cải thiện hiệu năng sử dụng nước, năng lượng, đồng thời giảm rác thải.

Cụ thể, tại tất cả các nhà máy URC ở Việt Nam đều có hệ thống lọc thẩm thấu ngược và tái sử dụng nước để tối ưu lượng nước sử dụng đầu vào và hạn chế nước thải ra, đồng thời tránh thất thoát. DN này cũng tiên phong sử dụng năng lượng sạch như khí CNG, năng lượng sinh khối để bảo vệ môi trường. Về quản lý chất thải, giảm thiểu việc chôn lấp rác bằng cách chuyển cho các nhà thầu có chức năng xử lý, tái chế dùng làm nguyên liệu sản xuất gạch lót vỉa hè, phân bón...

Các doanh nghiệp đánh giá kinh tế tuần hoàn không làm tăng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh mà ngược lại, giúp giảm chi phí tăng hiệu quả kinh tế, tăng việc làm, giảm thiểu tác động tới môi trường.

Đại diện Heineken Việt Nam cho hay, với việc chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh khối để nấu bia, năm 2019 công ty đã thu mua gần 40.000 tấn vỏ trấu và các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, mang lại thu nhập lên tới 52,6 tỷ đồng cho người dân địa phương. Đây là minh chứng cho việc kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng, mà còn có giá trị về mặt kinh tế.

Theo ước tính, ngành chế biến tôm tại Việt Nam có 500.000 tấn phụ phẩm mỗi năm, nếu không xử lý sẽ trở thành hiểm họa về môi trường. Vừa qua một số doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ, biến vỏ và đầu  tôm thành nguyên liệu phục vụ cho các ngành: dược phẩm, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và phân bón, mang lại giá trị gia tăng khoảng 300 triệu USD/năm. Nếu áp dụng công nghệ tiên tiến có thể tạo ra giá trị lên đến gần 2 tỷ USD từ riêng phụ phẩm tôm

Mô hình kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, tại Việt Nam quá trình chuyển đổi có nhiều thách thức. Lớn nhất chính là nhận thức của chính quyền, của các doanh nghiệp và người dân để tạo ra đồng thuận chung. Tiếp đến, kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế mô hình mới, trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, phần lớn công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Không những thế, đến nay chúng ta chưa có hành lang pháp lý cho phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Theo Trần Thủy/VNN
Cùng chuyên mục