Vĩnh Phúc: Nuôi thứ chim tới kỳ đẻ liên tù tì không kịp cản, ông nông dân "cất tủ" 100 triệu đồng/tháng

Trần Hanh (Cổng TTĐT Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc) Thứ tư, ngày 17/11/2021 19:29 PM (GMT+7)
Với 7.000 đôi chim bồ câu sinh sản, mỗi ngày trang trại nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình ông Trần Văn Bính, thôn Vân Tập, xã Vân Hội, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) bán ra thị trường từ 150 - 200 đôi chim thương phẩm, mang lại nguồn lợi nhuận trên 100 triệu đồng/tháng...
Bình luận 0

 Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của ông Trần Văn Bính được đánh giá là một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của địa phương.

Nhắc đến nông dân Trần Văn Bính, sẽ không ít người chăn nuôi thủy sản trong tỉnh là không biết đến tên ông. 

Từng rất thành công trong việc nuôi và bán giống cá trắm đen, thì nay ông đã quyết định chuyển đổi sang một lĩnh vực chăn nuôi mới đó là nuôi chim bồ câu pháp theo hướng công nghiệp.

Vĩnh Phúc: Nuôi thứ chim tới kỳ đẻ liên tù tì không kịp cản, ông nông dân "cất tủ" 100 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

Trang trại nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình ông Trần Văn Bính được đầu tư kiên cố và khoa học tại thôn Vân Tập, xã Vân Hội, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc).

Chia sẻ về quyết định táo bạo này ông Bính cho biết: Trong những năm gần đây người chăn nuôi luôn phải loay hoay lựa chọn những con vật nuôi phù hợp với gia đình, cũng như nhu cầu của thị trường để phát triển kinh tế. 

Bên cạnh đó, tâm lý chung của người nông dân luôn chạy theo đám đông, chạy theo thị trường. Chính vì vậy, việc phát triển ồ ạt một số cây trồng, vật nuôi trong thời gian qua của người nông dân trong cả nước nói chung và của Vĩnh Phúc nói riêng đã dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá mà được giá thì lại mất mùa”. 

Đó là chưa kể tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi lây lan, khó kiểm soát như trong thời gian vừa qua. 

"Vì vậy, để quyết định chuyển đổi sang vật nuôi khác, tôi đã tiến hành nghiên cứu tìm hiểu nhiều giống vật nuôi. Qua sách, báo, internet, và đi tham quan thực tế nhiều trang trại, cuối cùng tôi lựa chọn con chim bồ câu Pháp nuôi theo hướng công nghiệp là hướng đi mới của gia đình...".

Theo ông Bính, chim bồ câu Pháp là con vật nuôi được đánh giá dễ nuôi, ít bệnh tật, có sức đề kháng cao, dễ chăm sóc, đặc biệt là trong nhiều năm trở lại đây giá thương phẩm của chim bồ câu luôn giữ ổn định.

Vĩnh Phúc: Nuôi thứ chim tới kỳ đẻ liên tù tì không kịp cản, ông nông dân "cất tủ" 100 triệu đồng/tháng - Ảnh 2.

Hàng ngày công nhân tiến hành nhặt trứng chim bồ câu và ghi chép nhật trình trong ngày làm việc tại trang trại.

Trên diện tích 2 ha đất quy hoạch khu chăn nuôi tập trung của xã Vân Hội, ông Bính đã đầu tư xây dựng những dãy chuồng kiên cố và được bố trí khoa học. 

Ông quan niệm ngày nay trong chăn nuôi chim bồ câu phải đầu tư, ứng dụng những tiến bộ khoa học nhằm nâng cao năng suất và giảm giá thành sản phẩm, có như vậy mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. 

Chính vì vậy, trong mỗi dãy chuồng nuôi chim bồ câu đều được lắp đặt hệ thống quạt gió để đảm bảo không khí được thông thoáng, hệ thống camera giám sát. 

Các lồng nuôi chim bồ câu, máng ăn cho chim, máng uống tự động được ông đầu tư bài bản và kiên cố. Bên cạnh đó, ông đầu tư tủ ấp trứng chim bồ câu nhằm nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

Để công việc chăn nuôi chim bồ câu Pháp đảm bảo khoa học, trên mỗi ô nuôi ông đều treo sổ theo dõi nhật trình của từng đôi, trên đó được ghi chép quá trình làm vacxin, ngày đẻ, chế độ cho ăn…

Để hiểu được tập tính của loài chim bồ câu, ông Bính đã dành nhiều thời gian để theo dõi, quan sát, ghi chép thông tin về mọi thay đổi, thói quen của loài chim này. Đồng thời, ông còn tìm kiếm thông tin về loài chim qua sách, báo, mạng Internet và học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi khác, từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu cho bản thân.

Vĩnh Phúc: Nuôi thứ chim tới kỳ đẻ liên tù tì không kịp cản, ông nông dân "cất tủ" 100 triệu đồng/tháng - Ảnh 3.

Trứng chim bồ câu sau đó được đưa vào khay ấp trong máy ấp.

Nhằm tăng hiệu quả trong quá trình chăn nuôi, hiện nay trang trại bồ câu Pháp của ông Bính đang áp dụng kỹ thuật dùng trứng giả. 

Chia sẻ về kỹ thuật dùng trứng giả cho chim bồ câu ấp độc đáo này, ông Bính cho biết: “Hiện nay nhiều trại nuôi chim bồ câu quy mô lớn thường áp dụng trứng giả cho chim ấp để giúp tăng năng suất đẻ của mỗi đôi chim. 

"Sở dĩ tại sao lại cho hiệu quả kinh tế cao khi dùng trứng giả bởi vì khi con chim bồ câu đẻ trứng ra sẽ được nhặt ra khay cho vào lò ấp. Vì nhiệt độ môi trường ở miền Bắc thường không ổn định, chim đánh nhau dẫn đến vỡ trứng. Khi sử dụng máy ấp thì tỷ lệ trứng nở cao hơn rất nhiều so vơi mình ấp tự nhiên...", ông Bính tiết lộ kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp.

"Khi trứng chim được lấy ra khỏi tổ khi chim bồ câu mẹ bắt đầu mới đẻ thì chúng ta phải thả một quả trứng giả để thay vào đấy để cho con chim nó ấp. Khi con chim nó ấp như vậy nó mới tạo ra sữa diều, phải nhờ vào sữa diều của chim bố mẹ như vậy thì con chim con mới lớn được và tăng sức đề kháng cho chim non”, ông Bính tiết lộ thêm.

Hiện nay, với 7.000 đôi chim bồ câu Pháp sinh sản, ông Bính vừa bán chim giống và chim thương phẩm. Ông Bính bán giá chim bồ câu thịt 110.000 đồng/đôi và giá chim bồ câu giống 240.000/đôi. 

Đối với chim bồ câu giống, tùy vào mùa vụ cũng như nhu cầu vào thị trường trang trại cung cấp, những đôi chim giống được trang trại lựa chọn cẩn thận từ những đôi bố mẹ trên một tuổi, như vậy mới đảm bảo chất lượng giống. 

Đối với chim bồ câu thương phẩm, hàng ngày trang trại xuất ra thị trường từ 150 - 200 đôi. Từ việc nuôi chim bồ câu Pháp, hàng tháng đã mang lại nguồn lợi nhuận trên 100 triệu đồng/tháng cho gia đình ông Bính. 

Trang trại nuôi chim bồ câu Pháp của ông Bính đang tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Vĩnh Phúc: Nuôi thứ chim tới kỳ đẻ liên tù tì không kịp cản, ông nông dân "cất tủ" 100 triệu đồng/tháng - Ảnh 4.

Việc sử dụng lò ấp sẽ nâng cao tỷ lệ chim bồ câu nở thành công và khỏe mạnh.

Để có được thành công trong nuôi chim bồ câu Pháp như ngày hôm nay, thì yếu tố quyết định mà ông Bính chia sẻ đó là phải có niềm đam mê.

Chim bồ câu Pháp là vật nuôi cần tỷ mỉ và sát sao với công việc thì con chim mới cho hiệu quả kinh tế. Ví dụ: Như từ lúc chọn giống là khâu rất quan trọng.

Chúng ta phải áp dụng nhiều phương pháp thì mới ghép đủ đôi được, con chim đẻ phải nhặt trứng rồi cho vào máy ấp, hoặc là ghép chim non. Người chăn nuôi phải biết đảo chim, như những đôi chim non có những con mẹ phải nuôi từ 3 - 4 con để năng suất được cao, thì con mẹ sẽ không nuôi được 4 con đều như nhau được.

Chúng ta phải chọn những con chim to, đều nhau nuôi riêng vào một mẹ và những con nhỏ hơn chúng ta nuôi riêng vào một mẹ để đảm bảo cho chim bồ câu được phát triển đồng đều.

Dự kiến trong thời gian tới trang trại của ông Bính sẽ nâng công suất lên khoảng 1 vạn đôi chim bồ câu Pháp. Đây sẽ là địa chỉ tin cậy cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc đến học hỏi, lựa chọn mua con giống để phát triển kinh tế cho gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem