Vĩnh Phúc – Đất "đội giá" nhà nhà đầu tư, ai được ai mất?

09/04/2021 16:07 GMT+7
Trong những tháng gần đây, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tình trạng đất "đội giá" tăng cao, số lượng sàn giao dịch bất động sản (BĐS) mọc lên như “nấm”, người làm ruộng, người làm kinh doanh buôn bán nhỏ, hay công nhân, viên chức đều nhắc đến đất chỗ này, đất chỗ kia…
Vĩnh Phúc – Đất "đội giá" nhưng ai cũng đầu tư, vậy ai được ai mất? - Ảnh 2.

Hàng trăm "Cò đất" tập trung đẩy giá khu ki ốt chợ đầu mối Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) Ảnh: Xuân Hậu

Đầu tư chắc chắn sinh lời…

Theo chân một "cò đất" phóng viên báo điện tử Dân Việt có mặt tại khu đất phân lô tại thôn Mé, xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Chứng kiến tận mắt hàng ngàn mét vuông đất đồi, vườn bị san phẳng, đổ bê tông làm đường, phân lô, rao bán nền. Nhanh nhảu mời chúng tôi xem đất, anh "cò đất" mạnh miệng tuyên bố, em khẳng định với anh là khu đất này đầu tư thì tiềm năng tăng giá cứ gọi là x2 x3 bởi số lượng đất phân lô có bìa (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) ở đây còn rất ít, bên cạnh đó, vị trí đắc địa gần trường học, gần ủy ban xã, và nằm trong vùng quy hoạch khu công nghiệp Tam Dương rất phát triển, nhưng khi phóng viên hỏi khu Tam Dương nào thì anh "cò" không biết trả lời sao và lảng sang việc giá đất.

Hiện nay, ở Vĩnh Phúc chỉ cần tìm kiếm trên mạng xã hội dòng chữ mua bán đất Vĩnh Phúc, sẽ xuất hiện hàng trăm nhóm mua bán đất, page rao bán đất, sàn bất động sản rao bán đất, người người rao bán đất…. với mức giá từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.

Để hiểu sâu hơn về thị trường đất tại Vĩnh Phúc, phóng viên gặp gỡ anh Hải, một người chuyên đầu tư mua bán đất tại Vĩnh Phúc, được biết anh Hải có rất nhiều ô đất ở khắp các địa phương tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều nơi anh đầu tư nhiều tỉ đồng mua lại hàng ngàn mét vuông đất của người dân đã được cấp bìa nhưng tỷ lệ đất thổ cư ít tầm 10% còn lại là đất vườn với giá từ 2-3 triệu đồng/m2 để tách bìa tổng hàng ngàn mét vuông ra thành nhiều bìa nhỏ với diện tích từ 70-100m2 để bán, ăn chênh lệch từ 2-3 triệu/m2. Để làm được điều đó anh phải đăng ký biến động đất và mua thêm đất thổ cư (Theo quy định mỗi bìa chứng nhận quyền sử dụng đất ít nhất phải có 30m2 đất ở) sau đó gửi cho các sàn giao dịch bất động sản, hoặc các "cò" đất thân quen rao bán trên mạng, chỉ trong thời gian ngắn 2-3 tháng anh có thể thu về gốc và lãi hàng tỷ đồng.

Không chỉ có anh Hải, hàng trăm nhà đầu tư khác cũng đang đầu cơ, khảo sát của phóng viên báo điện tử Dân Việt, tại xã Hướng Đạo huyện Tam Dương hiện có khoảng 10 – 20 khu vực đang được phân lô bán nền, với mỗi địa điểm có từ 10-20 lô, có nơi lên tới hơn 50 lô đất.

Vĩnh Phúc – Đất "đội giá" nhưng ai cũng đầu tư, vậy ai được ai mất? - Ảnh 3.

Đất phân lô, tách thửa của một cá nhân trên địa bàn xã Hướng Đạo (Tam Dương - Vĩnh Phúc)Ảnh: Xuân Hậu

Trao đổi với một số cán bộ tài nguyên môi trường, cán bộ văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn huyện này thì việc làm phân lô bán nền, tách sổ từ sổ tổng, và đóng thêm tiền mua đất thổ cư là đúng quy định của Luật đất đai. Tuy nhiên khi phóng viên đề cập đến vấn đề quy hoạch dân cư, hệ thống điện, đường, nước thải có được đồng bộ? thì không nhận được câu trả lời.

Câu chuyện người bán là vậy, còn câu chuyện người mua, phóng viên đã liên hệ với anh Dương (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) người chuyên đi mua đất nền giá thấp để đầu tư lướt song. Anh Dương cho biết, trong tết anh có đầu tư 3 ô đất giá chỉ từ 360 triệu đồng, nhưng ra tết, trong tháng 3 anh đã bán lướt sóng ngay và giá bán rơi vào 450-480 triệu đồng, mặc dù địa hình khu vực mua đất chưa làm hạ tầng, đường giao thông vẫn đường đất, ngõ nhỏ nhưng vẫn bán rất nhanh. Và người mua của anh cũng là một người chuyên đầu tư đất. Anh cho biết, cơn sốt đất hiện nay nếu ai không nhìn nhận được nơi nào đầu tư được, nơi nào không sẽ rất dễ rơi vào tình trạng mua được nhưng không bán được.

Nhắc đến mua bán đất, khi phóng viên đi về các vùng quê thì một "cò" đất khẳng định khu vực Yên Lạc – Vĩnh Tường người dân đầu tư đất rất nhiều, rất mạnh, đi đâu cũng thấy người ở 2 địa phương này "xuống tiền". Người già có, người trẻ có ai cũng đi tìm đất để đầu tư, họ nói giá vàng giờ cao quá không tích vàng được, nên đầu tư vào đất, sinh lời nhanh hơn.

Có hay không việc các sàn BĐS, "cò đất" cố tình thổi giá "ảo" ăn chênh lệch?

Vừa qua, giới đầu tư BĐS Vĩnh Phúc rất choáng váng khi các ki ốt tại Dự án chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường (Chợ đầu mối Thổ Tang) "ra hàng" đã có những ki ốt được rao bán với giá hơn 110 triệu đồng/m2; giá các ô ở khu nhà ở xã hội cũng leo thang theo gấp đôi từ chỗ chỉ 17 triệu/m2 đã lên đến 45 triệu/m2. Ông Nguyễn Văn T. cho biết, thực sự khi đầu tư ở đây ông không nghĩ giá sẽ lên được mức đó, nhưng quả thực may mắn và ông đã bán ô đất đó ngay sau đó với giá 44 triệu đồng/m2.

Thời điểm các ki ốt tại chợ đầu mối Thổ Tang (Vĩnh Tường) ra hàng, đã có hàng trăm "cò" đất kéo về "làm giá", tạo nên sóng rất mạnh lấn át tất cả các dự án đất nền khác tại địa phương này. Trên khắp các diễn đàn mua bán đất trên mạng xã hội Facebook, hình ảnh khu chợ đầu mối Thổ Tang tràn ngập với những lời rao bán hấp dẫn với giá từ 40 triệu đồng/m2 đến hàng trăm triệu đồng. Nhưng chỉ sau 1 tuần ra hàng, tất cả các trang mạng trước đó rao bán đất, ki ốt chợ đầu mối Thổ Tang đều im bặt, không còn một "cò" nào rao bán, cũng không một ai hỏi mua. Có những người phải chạy đôn đáo nhờ các sàn bất động sản, "cò đất" rao bán cắt lỗ, trong khi "sóng" đó do chính "cò" và các sàn BĐS tạo ra.

Vĩnh Phúc – Đất "đội giá" nhưng ai cũng đầu tư, vậy ai được ai mất? - Ảnh 4.

Bảng giá các ki ốt tại Chợ đầu mối Thổ Tang (Vĩnh Tường) do một sàn giao dịch BĐS niêm yết Ảnh: Internet (Facebook)

Tại thành phố Vĩnh Yên, những dự án bất động sản lớn như Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, Khu đô thị sinh thái Nam Đầm Vạc, Khu phố mới Fairy Town, khu nhà ở hỗn hợp An Phú Residence, Khu đô thị Mountain Vew VCI, Dự án Park Hill Thành Công đều đã tăng giá mạnh mẽ. Trong đó, đất nền tại Nam Vĩnh Yên năm 2020 rao động từ 12-15 triệu đồng/m2 đến nay đã tăng lên 20-24 triệu đồng/m2; đất nền khu vực phường Liên Bảo năm 2020 giá từ 20 triệu đồng/m2 đến nay đã tăng 30-35 triệu đồng/m2… đất tại khu dân cư tỉnh ủy, thuộc phường Đồng Tâm, Hội Hợp giá đất cũng tăng chóng mặt, các băng ngoài đường đôi 36m giá đã tăng lên đạt mốc 50 -60 triệu đồng/m2, băng trong giá cũng đạt mốc 28-35 triệu đồng/m2…

Giá tăng cao là vậy nhưng tại các văn phòng công chứng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên lúc nào cũng full, nhân viên văn phòng làm không có thời gian nghỉ trưa, khách hàng giao dịch ngay tại quán nước, vỉa hè; bộ phận một cửa các huyện đặc biệt thành phố Vĩnh Yên và huyện Tam Dương luôn đông người tấp nập ra vào.

Trong bối cảnh các ngân hàng đang cho vay với lãi suất ưu đãi sau dịch bệnh Covid 19, số lượng người dân vay tiền ngân hàng để đầu cơ vào đất ngày càng tăng. Theo nhiều chuyên gia BĐS dự báo, nhu cầu mua đất để ở của người dân là có thật, tuy nhiên, số lượng người mua để ở chỉ ở mức 30-40% còn lại là đầu cơ. Song việc đầu cơ vào đất nếu là nguồn tiền không nhàn rỗi thì không sao, nhưng nếu là nguồn tiền vay ngân hàng, hoặc vay từ các nguồn khác sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng, nếu đầu tư chạy theo "sóng" sẽ rất mạo hiểm, khi đó thiệt hại sẽ không thể lường trước được.

Trước đó, khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2012 thị trường đất nền ở Vĩnh Phúc đã trải qua một "thảm kịch" sau khi cơn sốt đất qua đi, người bán ra không ai mua, khiến cho giá đất tụt thê thảm, những người đầu cơ trước đó không bán được, khiến cho gánh nặng lãi suất vay vốn ngân hàng ngày càng tăng, buộc phải bán với giá lỗ hàng vài trăm triệu đồng…

Giá đất tăng, nhu cầu mua lớn, người người, nhà nhà đổ vào đầu tư đất, tín hiệu đáng mừng với nền kinh tế, nhưng cũng đáng lo ngại với những cá nhân chưa thực sự đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm thì ước mơ trở thành triệu phú, tỷ phú chưa thấy đâu nhưng nguy cơ gánh nặng ngân hàng đã ở trước mắt./. 

 

Xuân Hậu
Cùng chuyên mục