dd/mm/yyyy

Vì sao trên 2.000 ha cam Vinh mắc bệnh không thể khắc phục?

Tỉnh Nghệ An có khoảng 5.000ha cam Vinh, nhưng hiện tại có 50% diện tích bị mắc bệnh và thoái hóa. Cam có thương hiệu mà chịu cảnh trắng tay, người dân than vắn, thở dài.


Hàng nghìn ha cam Vinh ở Nghệ An bị vàng ngọn do nhiễm bệnh

Thống kê sơ bộ tính đến đầu năm 2017, tỉnh Nghệ An có khoảng 5.000 ha cam, với 6 giống cam khác nhau gồm cam Vân Du, Xã Đoài (1 và 2), Con Cuông, Cao Phong, BH và V2. Trong đó, có 50% diện tích có chỉ dẫn địa lý.

"Nhà tôi cũng trồng 6ha cam, năm nay cũng mất mùa nặng, trên mỗi quả cam có những vết thâm đen lớn bé khác nhau vẫn gọi là cam bị “ghẻ”. Nếu không bán gấp chỉ 5-7 ngày quả sẽ rung. Để vớt vát đồng vốn, bà con phải hái sớm và bán đổ bán tháo nên thu chẳng đủ bù chi".
Ông Hoàng Nghĩa Dũng, trú tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp

Tuy nhiên, sau khi “đăng quang” trên thị trường bằng thương hiệu Cam Vinh, thì vụ cam 2017, Cam Vinh bị mất mùa nghiêm trọng. Vì sao vậy?

Chúng tôi tìm về xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, nơi được coi là thủ phủ của vựa cam Phủ Quỳ và không khỏi ngạc nhiên khi được nghe những lời than vắn thở dài của những hộ dân chuyên trồng Cam Vinh ở đây.

Anh Nguyễn Văn Thái, trú tại xóm C1, là nông trường viên thuộc Công ty TNHH MTV Nông - Công nghiệp 3/2 cho biết: "Nhà tôi hiện đang có 10ha cam, quýt. Mỗi năm tôi đầu tư cho 10ha cam hết hơn 1 tỉ đồng. Cách đây vài năm, cứ đến cuối vụ thu hoạch cam, trừ chi phí bỏ ra, tôi thu về ít nhất 1,5 tỉ đồng.

Năm 2016, sâu bệnh bắt đầu lan rộng, năng suất giảm nhiều nên lãi chỉ được khoảng 900 triệu. Năm nay, sâu bệnh cộng với mưa nhiều, mua phải thuốc BVTV rổm khiến rầy chổng cánh hoành hành nên tôi mất trắng 3ha cam kinh doanh, không bán được đồng nào. Kết thúc vụ cam, cả 6 ha cam chỉ bán được 1,5 tỉ đồng, trừ đầu tư còn lãi 500 triệu".


Cây cam bị bệnh giống như bệnh chồi cỏ trên cây mía ở Nghĩa Đàn trước đây

Ông Trần Đình Sơn, Phó phòng kế hoạch (Cty Nông – Công nghiệp 3/2)khẳng định: "Trước năm 2013, khi xã Minh Hợp, nơi được coi là thủ phủ cam Vinh của Quỳ Hợp, đang ở thời kỳ hoàng kim, đã hàng trăm hộ dân trồng cam tại Quỳ hợp đã thu 500 triệu đến 1 tỉ đồng/ha cam là bình thường.

 Cái đau nhất tại thủ phủ cam Quỳ Hợp chính là hàng trăm hộ trồng cam do trồng ồ ạt nên dùng giống trôi nổi, không sạch bệnh. Sau 3 năm trồng ở giai đoạn kiến thiết cơ bản hàng trăm ha cam tự dưng đổ bệnh vàng lá, vàng ngọn không ra quả bói rồi chết lụi dần. Những cây sống sót có ra được quả bói thì phía trên cuống quả bị deo lại không thể chín nổi. Bổ quả cam ra múi xốp mất 1/3. Thậm chí có nhiều quả xốp hết cả múi, bán chẳng ai mua. (Ông Trần Đình Sơn)

Hồi đó, hàng chục hộ trồng cam tại Quỳ Hợp chỉ cần sau một vụ thu hoạch cam đã có thể ung dung tậu xe ô tô đắt tiền về nhà. Người trồng cam tại Quỳ Hợp vào thời điểm đó nhà nhà đều có của ăn, của để, không ít hộ đã trở nên giàu có. Vì thế, tại đây đã xuất hiện “làng tỷ phú” nhờ trồng cam.

Thế nhưng, mấy năm nay do bệnh dịch trên các vườn cam lây lan rất nhanh nên hiện đã có tới 70% số hộ trồng cam tại đây đang trong tình trạng “dở khóc, dở cười” với 50% diện tích cam bị dịch bệnh hoành hành".

Ông Sơn tính, trong khi cam đẹp bán giá 35 - 40 nghìn đồng/kg, thì số cam thu hoạch được trên diện tích cam bị bệnh chỉ bán được từ 5-7 nghìn đồng/kg. Họ không điêu đứng vì nợ nần mới là chuyện lạ.

Ông Nguyễn Văn Thái, nông trường viên thuộc Cty Nông – Công nghiệp 3/2 lo lắng nói: Cam Quỳ Hợp bị bệnh giống như bệnh chồi cỏ trên cây mía ở Nghĩa Đàn trước đây, nên cam bệnh vô phương cứu chữa. Bởi thế, ông phải tìm một vị trí khác cách khu vực cam đang bị bệnh khoảng 30km để trồng mới bằng giống cam sạch bệnh mới hy vọng cứu vãn nổi...

Thanh Mai - Võ Dũng