Vì sao doanh nghiệp “bội ước” cung cấp gạo dự trữ quốc gia?

Quỳnh Chi Chủ nhật, ngày 19/04/2020 07:55 AM (GMT+7)
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, có tới 26/28 doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia, nhưng đang tìm đủ lý do để hủy hoặc không đến ký hợp đồng thực hiện. Vậy, lý do vì sao?
Bình luận 0

Hàng loạt bất thường

Theo ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), từ việc rà soát 39 doanh nghiệp đăng ký thành công các tờ khai xuất khẩu gạo, số lượng hạn ngạch đạt 400.000 tấn theo Quyết định của Bộ Công Thương từ 0 giờ ngày 12/4, Tổng cục Hải quan nhận thấy có dấu hiệu khá bất thường.

img

Theo Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên, hàng loạt doanh nghiệp nằm trong danh sách hủy thầu vì nhà thầu không đến hoàn thiện và ký kết hợp đồng

Cụ thể, trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu xuất hiện những doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo (theo đấu thầu của Tổng cục Dự trữ Nhà nước), nhưng theo báo cáo của Tổng cục Dự trữ Nhà nước những doanh nghiệp này lại không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia.

Trong khi đó, khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai xuất khẩu, các doanh nghiệp này lại có tên đăng ký tờ khai xuất khẩu lên tới hàng nghìn tấn gạo.

Đơn cử như Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) trúng thầu 4.500 tấn và đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng. Dù vậy, doanh nghiệp này lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn hay Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, doanh nghiệp cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.

Hai doanh nghiệp khác gồm Công ty cổ phần Mỹ Tường và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuận Minh cũng nằm trong danh sách trúng thầu, nhưng chưa ký hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực. Hai doanh nghiệp này cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.

Theo ông Âu Anh Tuấn, quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo cho thấy, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng xuất khẩu của doanh nghiệp trong 6 tháng trước đây.

"Hiện tượng doanh nghiệp từ chối tham gia vào hợp đồng cung cấp dự trữ gạo quốc gia, nhưng lại có tên trong danh sách mở tờ khai xuất khẩu gạo làm ảnh hưởng đến việc cung ứng và an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh xâm nhập mặn cũng như hạn hán thời gian qua," ông Âu Anh Tuấn nói.

Lý do nào?

Nhận định từ giới chuyên môn cho rằng, việc doanh nghiệp trì hoãn thực hiện cung cấp gạo dự trữ quốc gia được cho là bởi giá gạo châu Á xuất khẩu đang ở mức cao nhất 7 năm do tác động bởi dịch Covid-19 và thiên tai diễn biến phức tạp. Hiện nay, chưa có chế tài bắt buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm với an ninh lương thực quốc gia.

img

Giá gạo xuất khẩu chênh lệch là lý do chính khiến các doanh nghiệp "xù" tham gia cung ứng gạo trong kho dự trữ quốc gia

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), lương thực dự trữ trong kho dự trữ quốc gia luôn phải đảm bảo số lượng theo quy định, tuy nhiên hàng năm phải tiến hành "đổi hạt", bán thóc gạo cũ đi và đưa thóc gạo mới vào để đảm bảo chất lượng của kho dự trữ.

Trong khi đó, Vinafood 1 là doanh nghiệp nhà nước, không mạnh về xuất khẩu như Vinafood 2 mà chủ yếu cung cấp gạo dự trữ quốc gia và hưởng các phụ phí từ đó.

Nguyên nhân khiến Vinafood 1 và các công ty thành viên dù đã trúng thầu cung cấp gạo dữ trữ quốc gia nhưng lại không muốn ký hợp đồng là vì ở thời điểm họ bỏ thầu, giá gạo đang ở mức thấp, tuy nhiên, đến thời điểm cần ký hợp đồng thì giá gạo lại tăng.

"Bây giờ khi giá thu mua thực tế trên thị trường lên cao, doanh nghiệp phải mua giá cao, bán giá thấp thì họ không có lãi hoặc lãi ít. Thế nên họ mới bỏ ngang, không muốn ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia dù trước đó đã trúng thầu.

Thế nên Bộ Tài chính mới đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường. Nếu đề nghị này được chấp thuận sẽ khiến giá gạo trên thị trường trong nước thấp xuống, doanh nghiệp mới thực hiện cung cấp gạo cho dự  trữ quốc gia", PGS.TS Nguyễn Văn Nam giải thích.

Cần biện pháp cứng rắn

Về chế tài xử lý đối với doanh nghiệp bỏ thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, việc tham gia đấu thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia là hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp theo Luật Đấu thầu. Doanh nghiệp nào vi phạm thì sẽ bị cơ quan nhà nước xử lý theo quy định của Luật Đấu thầu.

img

Doanh nghiệp nào vi phạm thì sẽ bị cơ quan nhà nước xử lý theo quy định của Luật Đấu thầu

Trước vấn đề này, ông Nam cho rằng: Nếu hợp đồng giữa Tổng cục Dự trữ quốc gia và các doanh nghiệp cung cấp gạo dự trữ đã được ký kết thì mọi việc có thể dễ dàng phân xử bởi về nguyên tắc, đã ký hợp đồng là phải thực hiện, nếu phá vỡ thì cứ căn theo hợp đồng mà xử lý.

"Thường hai bên sẽ ký hợp đồng nguyên tắc rồi đến hợp đồng cụ thể, trong đó hợp đồng cụ thể sẽ quy định chi thiết: giao ở đâu, kho nào, bao nhiêu thóc, bao nhiêu gạo, thanh toán ra sao... 

Từ hợp đồng nguyên tắc đến hợp đồng cụ thể phải có sự khống chế nhất định và phải thực hiện, chỉ có thể du di đôi chút” - PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết. 

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng nêu quan điểm, ở đây chưa ký hợp đồng nên kể cả trúng thầu cung cấp gạo cho kho dự trữ quốc gia thì doanh nghiệp vẫn hủy bỏ và không hề hấn gì.

"Nếu có hợp đồng chính thức thì trong đó phải ghi rõ bên A cung cấp gạo cho bên B giá thế nào, chất lượng ra sao, thời gian giao, giao ở đâu, không thực hiện thì xử lý ra sao...

Đằng này, cùng lắm mới chỉ là bản ghi nhớ sau khi thắng thầu, không có giá trị pháp lý không thể nói chuyện phạt.

Vinafood 1 là doanh nghiệp nhà nước nhưng cũng không thể xử được bởi mọi doanh nghiệp đều bình đẳng, phải căn cứ theo pháp luật và hợp đồng để xử lý.

Dĩ nhiên, uy tín của doanh nghiệp sau lần này sẽ bị ảnh hưởng và phía Bộ Tài chính, cụ thể là Tổng cục Dự trữ quốc gia có thể có biện pháp cứng rắn là không cho những doanh nghiệp nói trên tham gia dự thầu những lần tới thì họ mới biết "sợ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Liên quan đến xử lý phản ánh việc triển khai đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan Hải quan dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các Bộ Tài chính, Công Thương khẩn trưởng giải quyết vấn đề này.

Doanh nghiệp có nỗi khổ riêng

(Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng - Tiền Giang),

Những doanh nghiệp từ chối cung cấp gạo dự trữ quốc gia cũng có “nỗi khổ riêng,” chủ yếu ở vấn đề chênh lệnh giá trúng thầu và giá gạo trên thị trường quá lớn.

Theo tôi được biết, khi các doanh nghiệp đăng ký đấu thầu, giá gạo 504 (loại gạo cho dự trữ) trong nước và thế giới vẫn còn thấp, các doanh nghiệp trúng thầu cung cấp với giá 8.500 đồng/kg. Nếu bao gồm cả chi phí vận chuyển đến kho dự trữ, giá dao động từ 8.700-8.900 đồng/kg.

Tuy nhiên, sau công bố trúng thầu và cùng thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu khiến giá gạo thế giới tăng cao, kéo theo giá gạo thị trường trong nước cũng tăng lên mức 10.000-10.500 đồng/kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với giá trúng thầu.

Với mức chênh lệch như vậy, những doanh nghiệp không có sẵn lượng gạo đã thu mua trước đó với giá thấp không thể mua được gạo để giao, nếu mua gạo giao cho Tổng cục Dự trữ thì thiệt hại là rất lớn. Do đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải bỏ tiền bảo lãnh để không chịu tổn thất lớn hơn.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem