Vì sao cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế khắc phục toàn bộ hậu quả nhưng vẫn bị y án chung thân?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 29/12/2023 14:50 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã phân tích về việc Phạm Trung Kiên có thêm tình tiết mới là khắc phục toàn bộ hậu quả nhưng tòa phúc thẩm vẫn giữ nguyên mức hình phạt chung thân.
Bình luận 0

Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị y án chung thân

Liên quan vụ chuyến bay giải cứu, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo, tuyên y án chung thân với cựu thư ký Thứ trưởng Y tế Phạm Trung Kiên dù bị cáo Kiên đã nộp khắc phục toàn bộ hậu quả.

Vì sao cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế khắc phục toàn bộ hậu quả nhưng vẫn bị y án chung thân? - Ảnh 1.

Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên bị y án chung thân. Ảnh: Ngọc Thành

Theo cáo buộc, Phạm Trung Kiên được giao nhiệm vụ Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, song đã lợi dụng chức vụ được giao gây khó khăn, sách nhiễu cho các doanh nghiệp tham gia chuyến bay combo và chuyến bay giải cứu để các doanh nghiệp này phải chi tiền theo yêu cầu.

Qua đó, bị cáo Kiên đã nhận 253 lần tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng dù không có chức năng, nhiệm vụ trong phê duyệt chuyến bay. Bị cáo này là người nhận hối lộ nhiều nhất cả số lần và số tiền trong vụ án.

Sau thông tin này, bạn đọc đặt câu hỏi, vì sao Phạm Trung Kiên có thêm tình tiết mới là khắc phục toàn bộ hậu quả, được xem là một tình tiết giảm nhẹ nhưng tòa án vẫn giữ nguyên mức hình phạt?

Vì sao khắc phục toàn bộ hậu quả nhưng vẫn không được giảm án?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân của phạm người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trong vụ án chuyến bay giải cứu, giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm có một số bị cáo kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, sau thời gian xét xử, tòa án cấp sơ thẩm vẫn kết tội đối với toàn bộ 54 bị cáo và quyết định mức hình phạt khác nhau đối với từng bị cáo căn cứ vào tính chất mức độ của hành vi, nhân thân và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trong đó có 3 bị cáo bị tuyên mức hình phạt nghiêm khắc là tù chung thân, có 10 bị cáo được áp dụng chính sách khoan hồng, trên cơ sở phân hóa, phân loại, tuyên phạt hình phạt không quá 3 năm và hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, còn lại là các bị cáo bị áp dụng tù có thời hạn.

Sau khi tòa án tuyên bản án sơ thẩm, có tới 21/54 bị cáo trong vụ án kháng cáo về nhiều nội dung khác nhau, trong đó có liên quan đến vấn đề dân sự, kêu oan và chủ yếu là xin giảm nhẹ hình phạt.

Điều đáng chú ý, có một số bị cáo không được tòa án chấp nhận kháng cáo mặc dù cấp phúc thẩm có thêm tình tiết mới. Đây là quyền của HĐXX trên cơ sở các quy định của pháp luật và kết quả đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa phúc thẩm.

Ông Cường phân tích, bản chất của xét xử phúc thẩm là xét xử lại một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm theo nội dung kháng cáo hoặc kháng nghị nhằm sửa chữa, khắc phục những sai lầm của quyết định, bản án sơ thẩm và để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân.

Theo đó, nếu bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt hoặc viện kiểm sát kháng nghị đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo mà không có đề nghị tăng hình phạt, tòa án chỉ xem xét chấp nhận giảm hình phạt hay giữ nguyên.

Trong trường hợp có kháng cáo hoặc kháng nghị đề nghị tăng hình phạt, tòa án cấp phúc thẩm mới có thể xem xét tăng hình phạt. Trường hợp bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt, tòa án có thể chấp nhận giảm hình phạt hoặc giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm.

Việc quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm, sửa bản án sơ thẩm hay hủy bản án sơ thẩm, phải căn cứ vào quy định của pháp luật, trên cơ sở thẩm quyền mà bộ luật tố tụng hình sự quy định cho hội đồng xét xử cấp phúc thẩm.

Theo đó, Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm như sau: HĐXX phúc thẩm có quyền: Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm; Sửa bản án sơ thẩm; Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án; Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, HĐXX phúc thẩm có quyền giữ nguyên bản án sơ thẩm, sửa bản án sơ thẩm hoặc hủy bản án sơ thẩm trên các căn cứ mà pháp luật đã quy định.

Ngoài ra, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định: Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm khi xét thấy các quyết định của bản án sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật.

Từ phân tích trên, ông Cường cho rằng, trong vụ án này, HĐXX phúc thẩm nhận định rằng có một số bị cáo thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhận hối lộ nhiều lần, với số tiền đặc biệt lớn, ép buộc bị cáo khác đưa hối lộ, thúc đẩy bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội, gây bức xúc trong dư luận xã hội...

Vì thế, mặc dù cấp phúc thẩm có thêm một số tình tiết giảm nhẹ nhưng tòa án căn cứ vào tính chất mức độ hành vi, nhân thân và các quy định của pháp luật nêu trên nên quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm. Việc này là đúng căn cứ pháp luật.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia, đây là nhận định, đánh giá và thuộc thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Nếu không đồng ý với quyết định của bản án phúc thẩm, các bị cáo không được giảm án có quyền làm đơn đề nghị người có thẩm quyền xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem