Vì sao có gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng, doanh nghiệp vận tải lao đao vẫn than khó?

Thế Anh Thứ hai, ngày 02/08/2021 14:47 PM (GMT+7)
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68, về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, với gói 26.000 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp vẫn "than khó".
Bình luận 0

Mòn mỏi chờ khách

Kể từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ đã tác động lớn tới ngành kinh doanh vận tải. Doanh thu vận tải hành khách của các doanh nghiệp sụt giảm xuống "đáy" chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành vận tải.

Tại Hà Nội, những ai đã từng chứng kiến cảnh bến xe đìu hiu vắng khách, các nhà xe nằm "im lìm" tại bến mòn mỏi chờ khách mới có thể dễ dàng cảm nhận khó khăn của ngành vận tải.

Có gói cứu trợ 26.000 tỷ, doanh nghiệp vận tải lao đao vẫn "than khó"  - Ảnh 1.

Bến xe Giáp Bát đìu hiu vắng khách. (Ảnh: Phạm Hưng)

Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, hiện tại bến xe chỉ còn phục vụ 6 tuyến được phép hoạt động, đó là Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Hải Phòng và Lạng Sơn. 

"Chưa bao giờ các xe tại bến xe nhộn nhịp bậc nhất Thủ đô lại rơi vào cảnh các tuyến xe được phép hoạt động tại bến, nhưng sau mỗi lần xuất bến đều không có khách", ông Tùng chia sẻ những khó khăn.

Cùng với đó, số lượng nhân viên làm việc tại bến xe Giáp Bát cũng cắt giảm luân phiên và công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn luôn được đảm bảo, tuân thủ đầy đủ quy định theo hướng dẫn của Bộ Y tế và UBND TP.Hà Nội.

Tương tự, tại bến xe Mỹ Đình và Bến xe Nước Ngầm cũng chung một hoàn cảnh là xe xuất bến không có khách. Bến xe Nước Ngầm rơi vào tình trạng thưa xe, vắng khách, bởi đây là bến xe tập trung chủ yếu là các tuyến xe miền Trung và Nam, cũng là các tỉnh đang là đỉnh dịch Covid-19.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành theo chức năng nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục có các chương trình, chính sách cho vay ưu đãi, giảm các điều kiện, thủ tục cho vay để doanh nghiệp vận tải đường bộ được tiếp cận nhanh chóng.

Đồng thời, Bộ GTVT báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang xin ý kiến các bộ, ngành về những đề xuất này.

Mặc dù, trong thời gian vừa qua, ngoài việc thực hiện miễn, giảm thuế phí (phí bảo trì đường bộ, dịch vụ cất hạ cánh, phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm mức và lệ phí tại cảng hàng không, sân bay...), Bộ GTVT cũng đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán đối với doanh nghiệp hàng không; tiếp tục có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay...

Có gói cứu trợ 26.000 tỷ, doanh nghiệp vận tải lao đao vẫn "than khó"  - Ảnh 2.

Bến xe Mỹ Đình cũng rơi vào hoàn cảnh đìu hiu vắng khách. (Ảnh: Phạm Hưng)

Khó tiếp cận gói "cứu trợ" 26.000 tỷ đồng

Cho đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với số tiền 26.000 tỷ đồng.

Với gói hỗ trợ này, sẽ là "phao cứu sinh" đối với các doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, để tiếp cận được chiếc "phao cứu sinh" này, nhiều doanh nghiệp lại khó tiếp cận bởi các thủ tục pháp lý ràng buộc.

Đánh giá về ngành vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, đến nay, các doanh nghiệp vận tải gần như kiệt quệ, sản lượng và doanh thu vận tải hành khách bằng ô tô sụt giảm 80 - 90%. Vận tải hàng hóa cũng bị gián đoạn, thời gian giao hàng kéo dài và chi phí tăng cao.

Theo ông Quyền, để tiếp cận được gói hỗ trợ từ Chính phủ thì việc triển khai chính sách như thế nào đang là vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Mặc dù lần này người đứng đầu ngành Lao động Thương binh và Xã hội cam kết giảm tối đa các thủ tục, song ngân hàng không dễ dàng xuất tiền cho vay nếu họ không nắm được đằng chuôi.

Có gói cứu trợ 26.000 tỷ, doanh nghiệp vận tải lao đao vẫn "than khó"  - Ảnh 3.

Xe taxi Mai Linh được TP.Hà Nội cấp phép hoạt động trong những ngày giãn cách xã hội. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Mai Linh Hà Nội, taxi Mai Linh đã phải dừng hoạt động tại rất nhiều tỉnh thành phố, duy nhất chỉ có Mai Linh TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội duy trì 200 xe phục vụ người dân đi khám chữa bệnh.

Về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng khi nghiên cứu kỹ Nghị quyết 68, ông Hùng cho rằng, bản thân doanh nghiệp và nhiều hãng vận tải khác sẽ không đủ các điều kiện được nhận hỗ trợ và vay vốn ưu đãi.

Lý do các doanh nghiệp vận tải khó tiếp cận vì quy định nêu rất rõ chỉ áp dụng hỗ trợ đối với những doanh nghiệp dừng hoạt động để cách ly, người lao động bị cách ly, giãn cách, số lượng xe dừng hoạt động 100%.

"Taxi Mai Linh 50% dừng hoạt động, còn lại chỉ được phép chở 50% số chỗ ngồi và người dân sợ không sử dụng taxi, doanh số sụt giảm tới 80%, nên bản chất có hoạt động cũng như không," ông Hùng lý giải.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát-đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt than khó tiếp cận được gói cứu trợ này, bởi điều kiện của gói này là chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp bị dừng hoạt động từ 30 ngày trở lên. Trong khi đó, thời gian tạm dừng hoạt động của các đơn vị vận tải ở Hà Nội chưa dài tới 30 ngày.

Ông Bằng cho biết, đơn vị đã nhiều lần kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước nhưng chỉ nhận được phản hồi là nên chủ động làm việc, đề xuất với tổ chức tín dụng. Các doanh nghiệp vận tải khu vực phía Bắc đều không trông chờ tiếp cận được gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng lần này theo Nghị quyết 68.

Nguyên nhân được chỉ ra là do không đáp ứng điều kiện gói hỗ trợ đưa ra bao gồm: doanh nghiệp được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, với điều kiện phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch; không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem