dd/mm/yyyy

Về với những nương vườn trồng cây thuốc phiện năm xưa

Những năm 80 của thế kỷ trước, xã vùng cao Long Hẹ được biết đến là thủ phủ của cây hoa anh túc. Gần 3 thập kỷ qua, với sự vào cuộc quyết liệt các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc triệt phá cây thuốc phiện, đến nay, những “nương vườn chết” ở vùng đất này đã phủ kín sắc xanh của cây táo mèo, cây ăn quả…

Một kg thuốc phiện đổi được một con trâu mộng

Từ thị trấn Thuận Châu (Sơn La) đi xã Long Hẹ, chúng tôi phải vượt qua một quãng đường dài 48km qua đỉnh Copia cao trên 1.500m so với mực nước biển và "cổng trời" Co Mạ với những con dốc đứng ngoằn ngoèo, lớp sương mù dày đặc. Long Hẹ hiện ra trước mắt chúng tôi như một bức tranh thu nhỏ giữa đại ngàn Tây Bắc. Kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang. Những nương vườn bạt ngàn cây thuốc phiện ngày nào đã ngập tràn cây ăn trái, cây lương thực cho năng suất, giá trị kinh tế cao.

Tại đây, chúng tôi có dịp được trò chuyện với ông Vàng Giống Xào, sinh năm 1940, bản Há Tầu – một trong những người chứng kiến sự "thay da đổi thịt" ở vùng quê gian khó này. Mặc dù, ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Xào vẫn minh mẫn và khoẻ mạnh.

Đổi thay từ những “nương vườn chết” - Ảnh 1.

Nhờ từ bỏ cây thuốc phiện sang trồng cây sơn tra, ông Vàng Giống Xào có cuộc sống ấm no hơn.

Theo bà Hờ Thị Ly, sinh năm 1950 (vợ ông Xào), sở dĩ ông Xào vẫn còn khoẻ và minh mẫn như bây giờ là do từ thời trẻ đến già ông không hút thuốc phiện. Những người bằng tuổi ông Xào ở đất Long Hẹ giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Xào kể: Người Mông ở Long Hẹ bắt đầu trồng thuốc phiện từ những năm 80 đến năm 93. Trong đó, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Thời điểm trồng rầm rộ nhất là từ năm 89 đến năm 93. Năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch xong mùa màng, tháng 10 âm lịch bà con bắt đầu gieo trồng cây thuốc phiện với rau cải mèo và thu hoạch vào tháng 3 năm sau.

Đổi thay từ những “nương vườn chết” - Ảnh 2.

Những nương vườn trồng thuốc phiện ngày xưa được phủ kín bởi sắc xanh của cây ăn quả.

Ông Xào cho biết: Cây thuốc phiện trồng ở Long Hẹ có thân to bằng ngón chân cái. Cây cao khoảng 1,5m. Chất lượng thuốc phiện thì khỏi phải bàn, ngon nhất trong tất cả các vùng. Mỗi năm, trung bình mỗi hộ thu hoạch được 3 – 4kg thuốc phiện. Cá biệt có nhiều hộ trồng ở bản Pú Chắn thu được 5kg nhựa thuốc phiện.

Ban đầu, khi mới trồng cây thuốc phiện, người Mông Long Hẹ có cuộc sống sung túc hơn hẳn so các dân tộc khác trên địa bàn xã. Do chất lượng tốt nên đồng bào Mông ở đây trồng thuốc phiện để đổi lấy các vật phẩm thiết yếu.

"Chúng tôi dùng thuốc phiện đổi lấy vải, muối, mì chính, tiền… Thời bấy giờ, 1kg thuốc phiện bán được 300.000 đồng. Nhiều hộ dùng 1kg thuốc phiện đổi được cả con trâu mộng của đồng bào Thái ở vùng thấp. Lúc đó giá một con trâu đực to cày ruộng giỏi là 300.000 đồng", ông Xào bảo vậy.

Đổi thay từ những “nương vườn chết” - Ảnh 3.

Người dân bản Co Nhừ, xã Long Hẹ thu hoạch quả sơn tra.

Ký ức một thời đau buồn

Ngược dòng thời gian kể về ký ức một thời đau buồn do cây thuốc phiện gây ra, bà Hờ Thị Ly buồn rầu nhớ lại: Gia đình tôi cũng như tất cả các hộ gia đình khác ở đây, có bao nhiêu diện tích đất thì bấy nhiêu dùng để trồng thuốc phiện. Chỉ cần có thuốc phiện muốn cái gì có cái đó nên nhà nhà đều trồng thuốc phiện. Mùa Xuân đến, khắp các bản trên, bản dưới chỗ nào cũng chỉ thấy bạt ngàn hoa thuốc phiện nở. Cũng chính loài cây này đã khiến gia đình tôi rơi vào cảnh tan cửa, nát nhà.

Ngày ấy, người chồng đầu tiên bà Ly là ông Lầu Dúa Và đang ở cái tuổi "bẻ gẫy sừng trâu". Ngày ngày, ông Và theo các cụ lên nương cạo nhựa thuốc phiện. Ban đêm, ông Dúa thức khuya cùng các cụ học cách thổi khèn, cách làm nghi lễ ma chay, cưới xin. Và rồi, điều gì đến cũng phải đến, ông Và bị "nàng tiên nâu" quyến rũ từ lúc nào không hay.

Đổi thay từ những “nương vườn chết” - Ảnh 4.

Bà Hờ Thị Ly chia sẻ: "Nhờ Đảng, Nhà nước sớm có chính sách triệt phá cây thuốc phiện mà bây giờ người dân chúng tôi mới có cuộc sống no ấm".

Bà Ly kể: Ngày xưa, những nghi lễ tổ chức đám tang, cưới xin của người Mông làm cả ngày cả đêm. Có những đám tang kéo dài cả tuần trời. Thầy mo, thầy cúng, thầy khèn làm việc cả ngày lẫn đêm không được chìm trong giấc ngủ nên rất mệt mỏi. Vì vậy, để giữ cho cơ thể luôn ở trong trạng thái tỉnh táo, không biết từ bao giờ chồng tôi đã dính phải thứ thuốc độc chết người này.

Rơi vào vòng nghiện ngập, ông Và mê mệt với "nang tiên nâu", không cách nào dứt ra được. Thuốc phiện khiến tinh thần ông Dúa mụ mẫm. Hàng ngày, dùng bữa xong, ông Và chỉ thích ôm bộ bàn đèn. Nương lúa, nương ngô, gia súc, gia cầm phó mặc cho người vợ trẻ và những đứa con thơ. 

"Mẹ con chúng tôi con làm được bao nhiêu thì Và dùng hết đổi lấy thuốc phiện để thoả mãn cơn nghiện. Lúc đầu chỉ là cân thóc, cân ngô, con gà, con vịt. Dần dần, những tài sản lớn như con bò, con trâu lần lượt ra đi. Cuộc sống vốn đã đói nghèo lại càng trở nên túng quẫn hơn. Sau đó, chồng tôi mãi mãi ra đi cùng với "nàng tiên nâu", bỏ mặc mẹ con chúng tôi sống nuơng tựa vào nhau", bà Ly ngậm ngùi.

Đổi thay từ những “nương vườn chết” - Ảnh 5.

Được Đảng, Nhà nước kéo điện đến tận nhà, người dân xã Long Hẹ đã mua máy xát thóc, ngô nhằm góp phần giải phóng sức lao động.

Gian nan hành trình triệt phá thuốc phiện

Trao đổi với chúng tôi, ông Thào Trường Sa, nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Long Hẹ - một trong những người có công triệt phá cây thuốc phiện tại mảnh đất này, cho biết: Từ năm 89 đến đầu những năm 90, khi Đảng và Nhà nước chưa cấm, ở Long Hẹ người dân trồng thuốc phiện như trồng lúa, trồng ngô, cây ăn quả bây giờ.

Chỉ tay về phía trang trại nuôi gia súc, gia cầm của gia đình, ông Sa tâm sự: "Trước năm 1993, toàn bộ diện tích này là bạt ngàn cây hoa anh túc. Cả bản Long Hẹ nơi tôi đang ở nhà nào cũng trồng thuốc phiện. Diện tích thuốc phiện trên địa bàn xã tăng lên một cách nhanh chóng. Người dân bỏ bê nương lúa, nương ngô. Nhà nào thiếu đồ dùng hay thích cái gì chỉ cần mang thuốc phiện ra đổi là có.

Cùng với đó, tỷ lệ người nghiện tăng lên đáng kể, an ninh trật tự càng ngày càng phức tạp. Nhận thấy tình hình khó kiểm soát, do vậy, xã đã tổ chức họp và báo cáo lên cấp trên để tìm giải pháp. May mắn với chúng tôi, đúng vào thời điểm đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành Nghị quyết 06/CP/1993 và Chỉ thị 06/TW/1996 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý".

Đổi thay từ những “nương vườn chết” - Ảnh 6.

Mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá của ông Thào Trường Sa ở bản Long Hẹ, xã Long Hẹ.

Theo đó, Bộ Chính trị và Chính phủ yêu cầu vận động, thuyết phục đồng bào miền núi dứt khoát thôi trồng và xoá bỏ hoàn toàn việc trồng cây thuốc phiện, cây cần sa, chuyển sang trồng các loại cây khác.

Để thuyết phục người dân làm theo chủ trương của Đảng, năm 1993, ông Sa cùng với lãnh đạo xã Long Hẹ đã tiên phong phá bỏ cây thuốc phiện trên những mảnh nương vườn của gia đình. Đối với người nghiện, lãnh đạo xã trực tiếp đến từng hộ gia đình tuyên truyền, động viên gia đình đưa đi cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Theo ông Sa, mặc dù, xã đã thành lập các tổ công tác đến từng bản để tuyên truyền, vận động bà con chấm dứt trồng cây thuốc phiện, nhưng do giá trị loài cây này đem lại quá lớn nên cuộc chiến triệt phá cây thuốc phiện gặp rất nhiều gian nan.

Đổi thay từ những “nương vườn chết” - Ảnh 7.

Bà con bản Nặm Búa, xã Long Hẹ tích cực tham gia làm đường giao thông.

"Những năm 93, 94, chúng tôi cùng đoàn công tác của huyện Thuận Châu vào bản Cán Tỷ vận động bà con xoá bỏ cây thuốc phiện. Đoàn gồm 80 người là lãnh đạo huyện, công an, bộ đội do anh Cà Văn Chiu lúc đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu làm Trưởng đoàn. Cán Tỷ là bản xa và khó khăn nhất của xã Long Hẹ. Thời điểm đó, rừng rú còn nhiều nên chỉ có một con đường mòn duy nhất dẫn vào bản. Biết đoàn công tác vào triệt phá cây thuốc phiện nên bà con dân bản tụ tập lại, làm hàng rào chắn kiên quyết không cho chúng tôi vào. Chúng tôi phải ăn rừng, ngủ rừng từ 3 – 4 ngày. Có những đêm trời mưa to, người ướt như chuột lột. Ngoài ra, việc bị muỗi đốt, vắt cắn xảy ra như cơm bữa", ông Sa nhớ lại.

Cũng theo ông Sa, sau nhiều đêm tìm hướng tiếp cận, đoàn công tác đã cử một số cán bộ xã có người thân trong bản vào làm công tác dân vận với bà con. Cán bộ khuyên nhủ bà con bỏ cây thuốc phiện chuyển hướng sang canh tác các loại cây trồng khác. Những năm đầu tiên chuyển đổi, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ để đảm bảo đời sống của bà con. Nhờ vậy, dần dà người dân Long Hẹ đã từ bỏ được thói quen trồng cây thuốc phiện. Đầu những năm 2.000, cây thuốc phiện trên địa bàn xã Long Hẹ đã cơ bản bị triệt phá. Đến nay, người dân không còn tái trồng cây thuốc phiện nữa.

Đổi thay từ những “nương vườn chết” - Ảnh 8.

Diện mạo xã Long Hạ đang từng ngày “thay da đổi thịt”.

Long Hẹ đang khởi sắc

Trò chuyện với chúng tôi, ông Sùng Chờ Nó, Bí Thư Đảng uỷ xã Long Hẹ, chia sẻ:  Sau khi cây thuốc phiện bị triệt phá, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, xã Long Hẹ đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không tái trồng cây thuốc phiện gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Theo đó, các chương trình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào người dân tộc thiểu số như cung cấp giống bò, lợn, gà; giống cây ăn quả, cây táo mèo, cây lương thực năng suất cao lần lượt được triển khai thực hiện. Ngoài ra, từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các công trình hạ tầng nông thôn như đường giao thông, trạm y tế, trường học, nước sinh hoạt… được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang. Các hủ tục lạc hậu bị xóa bỏ, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt. Bà con biết bảo ban, giúp đỡ nhau phát triển sản xuất. Nhờ đó, đời sống vật chất – tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

"Trước đây, gia đình tôi trồng chủ yếu cây ngô, cây sắn, lúa. Canh tác cây lương thực ngắn ngày tốn nhiều công sức, nhưng hiệu quả kinh tế đem lại rất thấp. Sau khi được cán bộ xã vận động, hướng dẫn kỹ thuật, gia đình tôi đã chuyển đổi sang trồng 1ha cây sơn tra. Nhờ thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đến nay, đồi sơn tra gia đình tôi đã cho thu hoạch. Trồng cây này không tốn nhiều công chăm sóc mà  hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn cây ngô, cây sắn. Mỗi năm, từ bán quả sơn tra, gia đình tôi cũng thu được từ 20 triệu đến 30 triệu đồng", ông Vàng Giống Xào tâm sự.

Bí thư Đảng uỷ xã Long Hẹ thông tin thêm: Cây thuốc phiện giờ đây đối với Long Hẹ đã là quá khứ. Nhờ triệt phá thành công cây thuốc phiện, đến nay, Long Hẹ đang từng ngày khởi sắc. Nhà nào cũng có tivi, tủ lạnh, xe máy. Cuộc sống của người dân nơi đây đang có những chuyển biến tích cực.

Mặt khác, từ chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, nhiều hộ dân như hộ ông Thào Giống Sếnh, Thào Súa Nhìa, Và Phòng Xá… đã mạnh dạn đưa cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như xoài tượng, nhãn ghép vào trồng thay thế cây ngô, cây sắn. Đến nay, Long Hẹ có 596ha cây sơn tra, 52,25ha xoài, 15,5ha nhãn, 13,6ha chanh leo và 9,8ha. Ngoài ra, từ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, hiện xã Long Hẹ đã thành lập được 3 hợp tác xã nông nghiệp giúp người dân tổ chức phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá.

Chia tay Long Hẹ trong nắng sớm ban mai, chúng tôi tin rằng sự nghiệp triệt phá cây thuốc phiện, chuyển đổi sản xuất ở vùng cao này ngày càng thành công lớn hơn nhờ hướng đi đúng đắn.

Tuệ Linh