Vay 40 triệu nuôi bò, sau 3 năm "đẻ" ra 70 triệu, nhà nông Sơn La thoát nghèo

Thu Hà Thứ hai, ngày 27/07/2020 11:27 AM (GMT+7)
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có điều kiện xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, từng bước nâng cao thu nhập, có thêm cơ hội thoát nghèo.
Bình luận 0

Từ 15 triệu đi vay, hộ nghèo xứ Lạng nuôi bò trồng cây ăn quả, "đẻ" ra trăm triệu

Vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. 

Tham luận của UBND tỉnh Sơn La về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh nêu rõ: Sơn La là tỉnh miền núi biên giới, dân số trên 1,2 triệu người với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tỉnh có 12 huyện, thành phố, 204 đơn vị hành chính cấp xã; 3.230 bản, tiểu khu, tổ dân phố, trong đó có 4 huyện nghèo, 112 xã và 1.708 bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Vay vốn ưu đãi, nông dân Sơn La thoát nghèo ngoạn mục - Ảnh 1.

Nhiều hội viên nông dân nghèo ở huyện Sông Mã, Sơn La đã đầu tư nuôi bò nhốt chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. ảnh Tuệ Linh

Quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị tỉnh, các Sở, Ban, ngành, Ngân hàng CSXH các cấp xác định rõ: Thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Đến 30/6/2020 tổng dư nợ các Chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 4.586 tỷ đồng.

Thông qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội từ năm 2014 đến 30/6/2020 đã hỗ trợ trên 218.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, trên 45.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần trang trải chi phí học tập cho trên 1.000 con em đi học tại các trường, thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho trên 18.000 lao động. Nguồn vốn vay cũng hỗ trợ xây dựng trên 4.500 căn nhà cho hộ nghèo, 15.600 lượt hộ mới thoát nghèo, cận nghèo được vay vốn thêm 01 chu kỳ sản xuất kinh doanh...

Hiệu quả của Chỉ thị 40 đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đáng chú, ý, trong những năm qua kết quả giảm nghèo của tỉnh Sơn La đã có những chuyển biến tích cực. 

Cụ thể: Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 31,91%, hộ cận nghèo là 10,92%, đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 21,62% (giảm 10,29%), hộ cận nghèo là 10,93% (tăng 0,01%) so với năm 2016 (thời điểm rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo giai đoạn 2016 - 2020). 

Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng gần 3%; hộ cận nghèo giảm khoảng 0,05%.

Anh Lò Văn Thuận, bản Nà Dìa, xã Yên Hưng, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La là một trong những tấm gương vượt khó, vươn lên thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Thông qua Hội Nông dân huyện, năm 2017, anh được vay 40 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để mua bò giống. Sau gần 3 năm, gia đình anh đã bán 3 con bò, thu hơn 70 triệu đồng và duy trì nuôi 4 con bò cái sinh sản. 

Anh Thuận chia sẻ: Trước đây, gia đình anh là hộ cận nghèo của xã; sau khi được vay vốn ưu đãi, anh đã đầu tư nuôi bò và trồng 8.000 m² cỏ để chủ động thức ăn. Hiện, gia đình anh đã trả Ngân hàng 30 triệu đồng, số còn lại sẽ phấn đấu trả hết vào cuối năm. 

"Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi mới có điều kiện vươn lên thoát nghèo; con cái được học hành đầy đủ, tôi còn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với nhiều hộ nghèo khác ở trong bản" - anh Lò Văn Thuận nói.

Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem