Bài 1:Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Cần những "cú huých" để "lật trang" - Ảnh 1.

Thưa ông, có lẽ nên nhắc lại Đề cương Văn hoá 1943, có nhà nghiên cứu cho rằng ý nghĩa quan trọng nhất của bản chính cương ấy là nhờ đó mà đã tập hợp được đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức một lòng đi theo cách mạng?

- Đề cương văn hóa 1943 là một bước ngoặt quan trọng, cho thấy sự nhạy bén ở tầm chiến lược của Đảng ta đối với văn hoá. Ngay sau đó, nhiều nghệ sĩ, trí thức đã trở thành chiến sĩ đồng hành cùng dân tộc và cách mạng: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng…

Tôi có thể nói rằng sự thăng trầm của đời sống văn nghệ Việt Nam gắn với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc. Điều đó khiến cho bản thân người nghệ sĩ không thể bước ra khỏi bức tranh xã hội của người Việt.

Vào thời điểm Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) ra đời, nhiều người đã ví vai trò của nó đối với văn hoá như là Khoán 10 trong nông nghiệp. Nhưng đến văn kiện Đại hội XI, Đảng vẫn nhận định có sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Sau đó đến năm 2014, Nghị quyết Trung ương 9 (khoá XI) ra đời, đời sống văn hoá đã có những chuyển biến nhưng đến Đại hội XII, Đảng vẫn phải đưa ra nhận định: Nhiều hạn chế, yếu kém trong văn hoá chậm được khắc phục; "đạo đức xã hội có mặt xuống cấp nghiêm trọng". Ông có thể nói thêm gì về điều này?

- Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) là một lần lật trang hết sức quan trọng khi cái tôi cá nhân, con người nghệ sĩ được thừa nhận như một chủ thể chứ không còn là làm nghệ thuật tập thể. Sau cú lật trang ngoạn mục đó đã xuất hiện tên tuổi những thế hệ nghệ thuật sau đổi mới. Nhưng cũng chỉ vỏn vẹn được một thập kỷ - thập kỷ 1980. Còn từ 1990 nó lại dần dần đi xuống.

Từ xưa đến nay, đường lối văn nghệ của Đảng đều ra đời từ chính sự thay đổi của đời sống văn hóa, đời sống văn nghệ. Điểm cốt lõi này cho thấy đường lối văn nghệ của Đảng không ở trên cao mà ở trong chính đời sống. Tính khả thi của đường lối văn nghệ là bám sát vào những vấn đề đang nóng, đang đòi hỏi quan điểm của Đảng, Nhà nước cho những hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật.

Đường lối văn nghệ trong việc tôn trọng tự do cá nhân vẫn không suy suyển, tại sao đời sống văn nghệ vẫn nhợt nhạt. Thực sự không có thăng hoa, không có ngước lên của những đỉnh cao giá trị.

Trục đi của các nghị quyết của Đảng về văn hoá vẫn tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho văn hóa văn nghệ phát triển chứ không phải là lực cản.

Nhưng tại sao nó vẫn bị ngắt quãng. Mỗi một chặng đường để đi đến thay đổi lại có quãng ngắt mất 1, 2 thập niên.

Chúng ta ước ao những giá trị đỉnh cao thì nó vẫn tiếp tục cao và xa ở tận đâu, nó không ở trước mặt. Thế kỷ 20, là một thế hệ vàng với những tác phẩm lớn, tên tuổi lớn. Tại sao điều đó không lặp lại khi chúng ta bước qua thập kỷ mở cửa, thậm chí qua cả thế kỷ mới với những thập kỷ hội nhập!?

Bài 1:Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Cần những "cú huých" để "lật trang" - Ảnh 2.

Gạch nối văn hoá giữa quá khứ và hiện đại nên được tiếp biến như thế nào để chúng ta không phải luôn luôn ở trong tâm thế nhìn lại luyến tiếc một thời văn hoá – văn nghệ vàng son, điều không thấy được ở thời kỳ hiện tại, thưa ông?

- Đây là thế kỷ của những "người Việt mới" (ý của Văn Cao trong bài "Bắc Sơn" - nv), đang gánh trên vai một sứ mệnh mới. Đấy mới là chuyện đáng quan tâm. Còn chuyện hôm qua chúng ta có một quá khứ vàng son lộng lẫy thì đã hoàn thành phận sự của thế kỷ 20.

 Nhưng nhịp thở đầy tính đương đại hôm nay phải bắt đầu từ di sản. Thế hệ mới thừa hưởng được điều đó không, có biết cách bước để đi cùng tinh túy, hồn cốt văn hóa Việt không là cả một câu chuyện.

Chúng ta thấy cho đến lúc này những giá trị cũ nó vẫn không cũ, vẫn thiết lập được chỗ đứng và tự bảo trọng được những giá trị mà nó đã làm ra trong quá khứ, dù bây giờ đã thêm quá nhiều những thế hệ nối tiếp.

Bài 1:Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Cần những "cú huých" để "lật trang" - Ảnh 3.

Thánh Gióng, chất liệu sơn mài, kích thước: 90x120,3 cm, được họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác năm 1990

Tôi chỉ nói riêng về mỹ thuật, thế hệ vàng của mỹ thuật Đông Dương đã đặt nền móng và chưa ai bước qua được. Nếu chúng ta nhìn kỹ thì bài học về phẩm cách nghệ sĩ không bao giờ cũ.

Trong đời sống văn nghệ hiện nay, tự bảo trọng được phẩm cách cá nhân là một việc không đơn giản, nhất là với người trẻ. Tại sao bây giờ nhiều giá trị bị mất nhanh? Tại sao ngày xưa có những nghệ sĩ họ đã im lặng sáng tạo suốt 30 năm mới công bố những triển lãm cá nhân như Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm nhưng họ không suy suyển phẩm cách của họ?

Khi họ xuất hiện với sự nghiệp mỹ thuật của họ thì sự nghiệp ấy là đồ sộ, nó chứng minh cho phẩm cách và tài năng của họ đã được bảo trọng.

Bài 1:Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Cần những "cú huých" để "lật trang" - Ảnh 4.

Ông có nhận định gì về đời sống văn hoá – văn nghệ hiện nay, trong thời kỳ hội nhập này? Ông có nhận xét gì về những người trẻ đang thực hành văn hoá hiện nay?

- Ở thời chúng ta, hàng ngày nhìn xã hội Việt Nam đương đại không thể không đặt ra một câu hỏi: Tại sao trong bối cảnh đất nước hội nhập càng ngày càng mạnh, người Việt càng ngày càng bước rộng hơn, nhanh hơn ra thế giới bên ngoài mà đời sống văn hóa trong nước vẫn thấp, vẫn chậm.

Về mặt bằng, tôi nghĩ không thiếu gì lực lượng để làm thay đổi và xoay chuyển đời sống văn nghệ.

Bài 1:Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Cần những "cú huých" để "lật trang" - Ảnh 5.

Sự hồi phục về kinh tế dù khó khăn cũng chỉ tính bằng tháng, bằng năm. Còn sự hồi phục về văn hoá thường sẽ phải chờ đợi lâu hơn nếu văn hoá không phát triển song hành cùng kinh tế?

- Kết nối từ quá khứ, từ những thế kỷ cha ông đã làm rạng danh văn hóa Việt, vẫn nguyên vẹn các giá trị. Nhưng mỗi thế kỷ qua, mỗi giai đoạn qua, mỗi thời kỳ qua thì sự kết nối, thừa hưởng nó có sự vơi đi. Văn hóa nền cốt rất mỏng.

Văn hóa không phát triển song hành với sự phát triển kinh tế, trong khi nó là nền cốt để kinh tế phát triển. Quan điểm đường lối thì có việc ấy nhưng cho đến giờ thực tế vẫn không diễn ra như vậy.

Ở thời kỳ hội nhập trong những thập niên qua, chúng ta đã mất đi tính thời điểm, thời khắc quan trọng để xoay bản lề, để lật trang như chúng ta đã hết sức hạnh phúc để lật trang một cách đầy hoan hỉ và phấn khích ở thời kỳ đầu đổi mới. Người nghệ sĩ lúc đó đã có cú huých quan trọng để bừng nở sức sáng tạo của thời kỳ đầu đổi mới.

Bài 1:Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Cần những "cú huých" để "lật trang" - Ảnh 6.

Đến thời điểm này ông có dự báo gì cho đời sống văn hoá trong thời kỳ mới?

- Tôi thấy vai trò của văn hoá đang lút chìm đi trong một xã hội đương đại đầy tiềm năng, đầy tiềm lực, đầy trẻ trung của thế hệ mới. Nếu chúng ta không chuẩn bị, không ý thức để đón nhận một sứ mệnh mới của thế hệ mới thì chắc chắn người Việt lại lỡ đi một nhịp trong thế giới thay đổi ngày nay.

Người Việt tự bảo trọng bản sắc văn hóa Việt, đó là cái không được đánh mất, còn giữ thế nào, ra làm sao, nó hiện hữu thế nào trong xã hội Việt Nam đương đại - khuôn mặt của văn hóa Việt thế kỷ 21, chính là cái câu trả lời từ phía những người làm văn hoá, từ các văn nghệ sĩ, từ những người đang làm ra các giá trị, có thể lúc này vẫn đang thầm lặng chưa xuất hiện, vẫn tiềm ẩn.

Nên tôi không bi quan. Tôi chờ đợi một sự thay đổi của đời sống văn hóa Việt. Tôi có một dự cảm tốt lành. Đời sống văn hoá đang chờ để lật một trang mới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Còn nữa)

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem