dd/mm/yyyy

Vân Hồ gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển kinh tế-xã hội

Thời gian qua huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tại các cơ sở. Nhờ vậy mà diện mạo nông thôn và thu nhập của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao rõ rệt.

Vân Hồ là huyện miền núi, biên giới thuộc diện khó khăn của tỉnh Sơn La. Là một trong 29 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2018 – 2020. Bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc, trong năm những năm qua huyện Vân Hồ đã chuyển đổi cây trồng trên dốc sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn. Chuyển đổi đất lúa 1 vụ sang trồng rau, củ phục vụ nguyên liệu cho nhà máy chế biến trên địa bàn. Đồng thời, đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Vân Hồ xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 1.

Những năm qua huyện Vân Hồ không chỉ tập trung XDNTM, mà còn tập trung phát triển kinh tế ở các bản, xã khó khăn.

Từ khi thành lập huyện đến nay, Đảng bộ huyện Vân Hồ và các ban ngành đoàn thể luôn tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Đồng thời, xây dựng các nghị quyết về phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các trưởng - phó các ban, ngành, đoàn thể phụ trách các xã, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Huyện cũng đã tập trung chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại các cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, triển khai thực hiện các tiêu chí XDNTM gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Vân Hồ xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 2.

Nhờ có chương trình nông thôn mới, đường giao thông đến các bản được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân buôn bán hàng nông sản.

Ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vân Hồ, cho biết: Vân Hồ là một huyện miền núi có địa hình núi non hiểm trở, dân cư phân bố rải rác không tập trung, mức thu nhập của người dân thấp hơn so với bình quân chung của tỉnh. Do đó, việc huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới gặp không ít khó khăn bởi diện tích đất canh tác manh mún, cơ sở hạ tầng đang còn thiếu.

Để thực hiện mục tiêu XDNTM và nâng cao thu nhập cho người dân, chúng tôi đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới. Năm 2019, huyện đã ban hành đề án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; đã chủ động kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từ đó thu hút được 1 số doanh nghiệp vào đầu tư. 

Hiện nay, huyện có tổng đàn trâu, bò trên 42.900 con. Huyện đã thực hiện nhân rộng mô hình nuôi bò nhốt chuồng kết hợp với trồng cỏ, mô hình đệm lót trong chăn nuôi gà, lắp đặt các bể khí sinh học, tố chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi. Thực hiện cải tạo đàn bò, lợn bằng thụ tinh nhân tạo, trong năm đã triển khai thực hiện được 69 ca phối bò nhân tạo, 210 ca lợn nhân tạo...".

Vân Hồ xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 3.

Huyện Vân Hồ đã tập trung nguồn lực xây dựng các tuyến đường liên bản, liên xã, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Vân Hồ có 7 nhà máy chế biến chè công suất 1.000 tấn chè khô/năm,  4 nhà máy thủy điện công suất 38 triệu KW/năm. Ngoài ra, còn có 1 nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao của Công ty TNHH IC FOOD Sơn La. 

Hiện tại địa bàn đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà máy chế biến quả, nước hoa quả công nghệ cao của tập đoàn TH. Qua đó tạo điều kiện cho người dân có nơi tiêu thụ hàng hóa nông sản ổn định, góp phần nâng cao nguồn thu nhập và đời sống sinh hoạt của bà con.

Ông Vũ Văn Chắc, bản Co Súc, (xã Song Khủa, huyện Vân Hồ), cho hay: "Xã xây dựng đường giao thông nông thôn rộng và bê tông hóa, tạo điều kiện cho gia đình tôi cùng nhiều hộ dân trong bản phát triển kinh tế. Gia đình tôi nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo và trồng cây ăn quả trên đất dốc.. Nhờ được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp huyện và xã, nên cây trồng, vật nuôi của gia đình luôn phát triển, mỗi năm cho thu nhập hơn gần 500 triệu đồng".

Vân Hồ xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 4.

Không chỉ diện mạo nông thôn mới đổi thay, nhiều hộ dân đã có cuộc sống khấm khá và đủ đầy hơn từ nuôi bò vỗ béo.

Ngoài việc hướng dẫn người dân thực hiện gieo trồng, bảo vệ diện tích cây màu lương thực và các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm có hiệu quả kinh tế cao. Huyện Vân Hồ còn tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân thực hiện phát triển y tế, văn hóa, xã hội, môi trường, nông thôn xanh, sạch, đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trong huyện.

Các cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực y tế được tăng cường đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, như: Chương trình tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em... được thực hiện có hiệu quả. Người dân đã được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao tại chỗ, giảm chi phí cho người bệnh, góp phần cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe cho người dân vùng nông thôn.

Vân Hồ xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 5.

Những năm qua huyện Vân Hồ luôn tập trung lãnh đạo bà con nhân dân phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: "Để bà con nhân dân hiểu rõ hơn về lợi ích và ý nghĩa của chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, chúng tôi sẽ tập chung tuyên truyền vận động người dân chung tay cùng chính quyền địa phương trong việc triển khai xây dựng các công trình đường giao thông, thủy lợi, trường học...  Đồng thời liên kết, hợp tác, hình thành các mô hình, chuỗi sản xuất nông nghiệp tiên tiến để giảm chi phí, hạ giá thành, tăng giá trị sản phẩm cho nhân dân.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển kinh tế, kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Chú trọng công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, giúp nhân dân có thu nhập ổn định. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 33,94%, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện".

Vân Hồ xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 6.

Người đân luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương trong XDNTM, bằng những việc làm cụ thể, như: Hiến đất, góp công sức làm đường nông thôn.

Trong năm 2020, huyện Vân Hồ phấn đấu 14/14 xã XDNTM đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Phấn đấu 95% hộ dân thuộc địa bàn bản nghèo, xã nghèo được tiếp cận cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật, kinh nghiệm sản xuất, tình hình kinh tế xã hội trên các ấn phẩm báo chí và các sản phẩm truyền thông khác. 

Cùng với đó, huyện tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thành các hạng mục công trình hạ tầng nông thôn, để nâng dần tỷ lệ và đạt các tiêu chí về cơ sở hạ tầng. Đặc biệt ưu tiên làm trước các công trình thiết yếu, trực tiếp phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân như thủy lợi, giao thông, nước sạch, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ làm nhà tình thương, đại đoàn kết và làm nhà cho người có công với cách mạng... Huy động nguồn xã hội hóa, kết hợp nguồn lực hỗ trợ theo phương châm "hộ gia đình tự làm, nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ". Phấn đấu năm 2020, có 10/14 xã đạt tiêu chí về nhà ở.

Hà Hoàng