Vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng khiến nông sản Việt bị ảnh hưởng uy tín

Trần Quang Thứ hai, ngày 30/08/2021 19:14 PM (GMT+7)
Trước thực trạng quản lý mã số vùng trồng (MSVT) còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp (DN) sử dụng không đúng mã số, mạo danh mã số của nhau để xuất khẩu, nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ, Bộ NNPTNT gấp rút vào cuộc rà soát, chấn chỉnh kịp thời.
Bình luận 0

Mạnh tay xử lý vi phạm

Là đơn vị được cấp MSVT ở Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Thực - Giám đốc HTX Hòa Lộc (huyện Cái Bè) cho hay: Thời gian qua việc quản lý mã số vẫn còn lỏng lẻo, chưa được chú trọng, chưa xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số dẫn đến tình trạng các DN sử dụng không đúng mã số, mạo danh mã số của nhau để xuất khẩu. 

Điều này không những gây ảnh hưởng đến uy tín hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số như HTX Hòa Lộc.

Ông Thực cho rằng: Sắp tới, các cơ quan T.Ư và địa phương cần nghiên cứu đưa ra chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về MSVT, cơ sở đóng gói. Đồng thời kết hợp cấp MSVT với thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản sẽ giúp các HTX, DN, nhà vườn, cơ sở đóng gói, hạn chế được tối đa tình trạng "mượn" MSVT để xuất khẩu.

Chấn chỉnh ngay việc cấp mã số vùng trồng - Ảnh 1.

Nông dân bao trái xoài ở vùng trồng xoài xuất khẩu tại huyện Cái Bè (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí

Ông Thực cũng kiến nghị Bộ NNPTNT cần tiếp tục chỉ đạo hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn tình trạng đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có MSVT vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát xuất khẩu.

Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV Cần Thơ tiếp nhận được từ Cục BVTV 59 MSVT và 4 mã số cơ sở đóng gói tại TP.Cần Thơ. 

Tuy nhiên, do mới thực hiện nên đơn vị còn lúng túng trong việc thẩm định và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói. Chi cục Trồng trọt và BVTV Cần Thơ đề nghị Cục BVTV tiếp tục triển khai tập huấn, hướng dẫn giúp địa phương quản lý MSVT, cơ sở đóng gói thuận lợi, hiệu quả và bền vững hơn.

Rà soát, chấn chỉnh kịp thời

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho biết, đến hết tháng 4/2021, Cục BVTV đã cấp 3.414 mã MSVT cho trái cây, rau, hạt giống xuất khẩu trên toàn quốc. Đối với trái cây tươi, đã cấp 2.821 MSVT cho 12 loại trái cây của 48 tỉnh để xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU.

Chấn chỉnh ngay việc cấp mã số vùng trồng - Ảnh 3.

Nông dân chăm sóc thanh long xuất khẩu tại một vùng ở Tiền Giang. Ảnh: Trọng Khôi

Cục BVTV kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đưa chỉ tiêu về thiết lập vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số vào chỉ tiêu của chương trình nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Diện tích vùng trồng đã được cấp mã số trên 196.000ha, chiếm khoảng 17% tổng diện tích trồng cây ăn quả cả nước. Trong số này, xoài và thanh long là các sản phẩm có số lượng MSVT được cấp lớn nhất. 

Vùng ĐBSCL có số lượng vùng trồng được cấp mã số lớn nhất, chiếm 36,84% (1.258 mã) tổng mã số đã cấp trên toàn quốc. Toàn bộ các mã này đều được cấp cho cây ăn quả. Trong đó Tiền Giang (257 mã), Đồng Tháp (225 mã) và Long An (182 mã) là các tỉnh có diện tích vùng trồng được cấp mã số và số lượng mã số lớn.

Bên cạnh việc cấp MSVT, đến nay, Cục BVTV đã cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc… Các cơ sở đóng gói này được phân bố ở 37 tỉnh trên toàn quốc. Riêng tại khu vực ĐBSCL, 2 tỉnh Tiền Giang và Long An đã có số lượng nhà đóng gói là 862, chiếm tới 91,7% tổng số của toàn vùng.

Cục trưởng Cục BVTV cho hay: Trong thời gian qua việc triển khai cấp, quản lý MSVT, cơ sở đóng gói đã đạt được những hiệu quả tích cực giúp ổn định và nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu. 

Tuy nhiên, tại các vùng vẫn còn tình trạng mạo danh MSVT, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng uy tín của hàng Việt Nam. Nguyên nhân chính là do tình trạng DN đến vụ thu hoạch mới thu gom nông sản từ các vùng trồng mà chưa ký kết hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ để định hướng tổ chức sản xuất cho phù hợp.

Ông Trung dẫn chứng, năm 2020, phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói do phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật. Trong số này, Tiền Giang là tỉnh có số mã vi phạm lớn nhất (15 MSVT và nhà đóng gói), tiếp đó là An Giang (7 mã) và thấp nhất là Vĩnh Long (2 mã).

"Nếu không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người nông dân" - lãnh đạo Cục BVTV khẳng định.

Ông Hoàng Trung cho rằng, cần đẩy mạnh phân cấp và tăng cường năng lực cho địa phương về thiết lập và giám sát MSVT, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Phấn đấu đến năm 2025, số lượng vùng trồng tại các tỉnh ĐBSCL được cấp mã số tăng 3-5 lần so với hiện nay, mở rộng đối tượng cây trồng cấp mã số sang cây lúa, rau màu, khoai lang… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem