dd/mm/yyyy

Ứng dụng công nghệ mới sản xuất nấm linh chi

Nhằm tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, Viện Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng quy trình trồng nấm linh chi sử dụng công nghệ tưới phun sương tự động, trồng 2 vụ trong 1 năm. Từ công nghệ mới này, mỗi năm sản xuất ra khoảng 700 kg nấm linh chi các loại.

Nhằm tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, Viện Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng quy trình trồng nấm linh chi sử dụng công nghệ tưới phun sương tự động, trồng 2 vụ trong 1 năm. Từ công nghệ mới này, mỗi năm sản xuất ra khoảng 700 kg nấm linh chi các loại, tạo ra 4 sản phẩm từ nấm linh chi gồm trà túi lọc linh chi, rượu linh chi, linh chi lát, linh chi quả thể.

Ứng dụng công nghệ mới sản xuất nấm linh chi  - Ảnh 1.

Cán bộ Viện Nông nghiệp Thanh Hóa chăm sóc nấm Linh Chi. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Hiện, các sản phẩm nấm linh chi được sản xuất tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa được bán với giá 700.000 đồng/kg đối với nấm linh chi loại 1 có đường kính trên 8 cm, nấm linh chi loại 2 trên 5 cm giá 550.000 đồng/kg, nấm linh chi loại 3 dưới 5 cm giá 400.000 đồng/kg, các sản phẩm đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với quy mô hàng hóa lớn để cung ứng ra thị trường.

Bà Phạm Thị Lý, Trưởng phòng phân tích và thí nghiệm, Viện nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, nấm linh chi (Ganodermlucidum) thường mọc trong rừng miền núi, nấm trưởng thành có mũ nấm hình quạt, cuống đính lệch màu đỏ sẫm, phần sinh sản là một lớp ống dày. Cây là loại dược liệu quý có tác dụng giải độc, lợi niệu, cây có thể dùng làm làm thuốc chữa, phòng bệnh ung thư dạ dày và là một thực phẩm chế biến nhiều món ăn ngon...

Tại Việt Nam, đã có nhiều cơ sở sản xuất nấm linh chi, tuy nhiên một số người dân vẫn sử dụng công nghệ cũ để sản xuất, khi thu hoạch thường phơi khô, thái lát miếng cho vào bịch bán ra thị trường nên chất lượng không tốt, giá bán cao, người sản xuất luôn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Các sản phẩm trà và rượu linh chi chất lượng không tốt, hàm lượng tinh chất trong trà và rượu bị pha tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.

Trong giai đoạn 2010-2020 Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã triển khai nhiều đề tài, dự án về sản xuất nấm linh chi; trong đó, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất và chế biến nấm linh chi đã được thực hiện thành công. Qua đó, xây dựng được mô hình, chuyển giao khoa học công nghệ về sản xuất nấm linh chi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Dự án đã thực hiện được 3 quy trình sản xuất gồm: quy trình sản xuất nấm linh chi cho hoạt tính sinh hoạt cao, quy trình công nghệ sản xuất trà linh chi túi lọc và quy trình công nghệ sản xuất rượu linh chi. Qua đó, sản xuất ra 800 kg nấm linh chi khô làm nguyên liệu để sản xuất được 621 kg trà Linh Chi túi lọc, 2.000 lít rượu linh chi đảm bảo chất an toàn thực phẩm.

Ứng dụng công nghệ mới sản xuất nấm linh chi  - Ảnh 2.

Nấm Linh Chi được sản xuất tại Viện Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Sau khi kết thúc dự án, dự kiến mỗi năm Viện nông nghiệp Thanh Hóa sản xuất 20.000 hộp trà linh chi túi lọc, được bán với giá 70.000 đồng/hộp 25 gói và 8.000 chai loại 500 ml rượu linh chi được bán với giá 150.000 đồng/chai. Các công nghệ sản xuất nấm linh chi mới được hoàn thiện đủ quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hái và được chuyển giao cho các đơn vị, người dân khi trồng nấm.

Theo báo cáo của Viện nông nghiệp Thanh Hóa tính đến nay, Viện đã đã hoàn thiện quy trình trồng nấm linh chi sử dụng công nghệ tưới phun sương tự động, trồng 2 vụ trong 1 năm gồm vụ Xuân Hè và Vụ Thu Đông, công nghệ này dùng nguyên liệu mùn cưa và các chất phụ gia ủ trong thời gian 3-75 ngày. Sau đó, phối trộn mùn cưa với các chất phụ gia, đóng hỗn hợp đó vào túi nilon chịu nhiệt rồi cấy giống tại phòng cấy, chuyển bịch nấm sang phòng ươm bịch, nuôi sợi…

Thời gian tới, Viện nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm từ nấm linh chi theo hướng thương mại hóa; đồng thời, đưa vào đăng ký sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để mở rộng thị trường tiêu thụ vào các kênh phân phối lớn như: siêu thị, đại lý trên toàn quốc. Qua đó, tạo thêm thu nhập cho người trồng nấm, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa.


Nguyễn Nam